Gút- hay thống phong- là bệnh lý thường gặp nhất trong các nhóm bệnh khớp do chuyển hóa, do tăng nồng độ acid uric trong máu. Bệnh có biểu hiện lâm sàng là hội chứng viêm một hay nhiều khớp cấp tính, tái diễn và một số biến chứng ở cơ quan khác. Triệu chứng lâm sàng xuất hiện cũng là lúc bệnh nhân đã có sự tăng cao nồng độ acid uric trong máu lâu ngày. Tuy nhiên, cũng có một số trường hợp chỉ tăng acid uric trong máu mà không hề đưa đến viêm khớp do gút.
Gút là bệnh thường gặp ở các nước châu Âu, chủ yếu ở nam giới, tuổi trung niên, 30- 40 tuổi. Ở Việt Nam, những năm gần đây, bệnh gút đã được chú ý với tỷ lệ chiếm 0,02%- 0,2% dân số. Phần lớn bệnh nhân gút không được chẩn đoán sớm nên có nhiều biến chứng nặng.
Chế độ ăn hợp lý, nhiều trái cây, rau quả và tập thể dục thường xuyên giúp cơ thể khỏe mạnh, hạn chế nguy cơ mắc bệnh gút. Ảnh: B.Ng |
Nếu không điều trị, gút có thể tiến triển thành 4 giai đoạn:
- Giai đoạn tăng nồng độ acid uric trong máu mà không có triệu chứng. Tuy nhiên, không phải ai có acid uric máu cao là bị bệnh gút. Chỉ có khoảng 5% số người tăng acid uric trong máu chuyển thành gút, đa số do ăn uống không hạn chế. Còn những người điều chỉnh chế độ ăn uống tốt thì khoảng 30 năm sau vẫn chưa thấy xuất hiện cơn gút cấp.
- Giai đoạn viêm khớp cấp do cơn gút cấp: Cơn đau thường khởi phát sau bữa ăn nhiều thịt và uống nhiều rượu bia hoặc sau một đợt dùng lâu ngày một loại thuốc như aspirine, thuốc lợi tiểu... Cơn đầu tiên thường xảy ra khoảng 2-3 giờ sáng, khớp ngón chân cái đau dữ dội, càng lúc càng tăng, không thể chịu nổi. Ngón chân cái sưng to, phù nề, sung huyết trong khi các khớp khác bình thường. Cơn đau kéo dài đến sáng thì dịu dần. Hết cơn, bệnh nhân sẽ ngứa nhẹ ở khớp, tróc da, khớp bị cứng vài ngày rồi trở lại bình thường, không để lại di chứng. Đợt viêm kéo dài 3- 10 ngày, có thể tái phát nhiều lần, từ cơn đầu tiên đến cơn thứ hai khoảng 1- 2 năm. Sau đó, thời gian tái phát ngày càng ngắn hơn, vị trí đau khớp có thể không giống lần trước; các khớp gối, cổ chân, khuỷu, cổ tay, ngón tay cái cũng có thể bị tổn thương hoặc bị đau cùng một lúc. Bệnh nhân có sốt nhẹ, có thể rét run.
- Giai đoạn ngừng tiến triển: giữa các đợt cấp, người bệnh không thấy có vấn đề gì cả.
- Giai đoạn gút mãn: nếu không điều trị làm giảm acid uric, giai đoạn này sẽ xuất hiện sau đợt cấp đầu tiên từ 3 đến 42 năm biểu hiện bằng:
+ Viêm đa khớp: viêm các khớp bàn ngón chân và tay, đốt ngón gần, khớp khuỷu có tính đối xứng thường viêm nhẹ, không đau nhiều dẫn đến biến dạng ở khớp.
+ Tophi: xuất hiện những u cục ở xung quanh khớp, màng hoạt dịch, đầu xương, sụn, gân cơ, mô dưới da. Vị trí thường gặp trên các khớp bàn ngón chân cái, các ngón khác, cổ chân, gối, khuỷu, cổ tay, bàn ngón tay, đốt ngón gần và có vị trí rất đặc biệt là ở sụn vành tai, gân gót.
+ Lắng đọng ở thận gây sỏi đường tiết niệu có thể dẫn đến cơn đau quặn thận do sỏi, viêm nhiễm, suy thận. Khoảng 5-10% bệnh nhân viêm khớp do gút có biểu hiện này.
Một khi chẩn đoán đã xác định cơn gút cấp thì dù là gút nguyên phát hay thứ phát, cũng cần được điều trị càng sớm càng tốt. Mục tiêu điều trị là: điều trị triệu chứng; phòng ngừa cơn cấp tái phát thường xuyên; phòng ngừa sự lắng đọng acid uric. Điều trị triệu chứng là chấm dứt quá trình viêm cấp bằng kháng viêm, cho khớp nghỉ ngơi và chọc hút dịch khớp trong trường hợp có tràn dịch khớp nhiều. Phòng ngừa cơn cấp tái phát thường xuyên bằng kháng viêm. Việc phòng ngừa sự lắng đọng, làm giảm acid uric phải liên tục và lâu dài bằng cách: sử dụng thuốc tăng thải acid uric qua đường niệu; thuốc ức chế tổng hợp acid uric; uống nhiều nước, đảm bảo lượng nước tiểu trong ngày đạt đến 2 lít; giảm tối đa thức ăn cung cấp nhiều đạm gốc purin, giảm calorie, giảm chất béo...
Bên cạnh thể bệnh gút nguyên phát, còn có nhóm bệnh thứ phát, tuy không chiếm tỷ lệ đáng kể nhưng lại thường khó điều trị và diễn biến nặng nề. Gút là một bệnh khớp do rối loạn chuyển hóa nên các bệnh nhân bị thừa cân, xơ vữa động mạch, rối loạn chuyển hóa mỡ, tiểu đường, rối loạn lipid máu, cao huyết áp, bệnh mạch vành, bệnh mạch não... rất dễ bị bệnh gút. Do đó, cần phải phòng và điều trị các bệnh rối loạn chuyển hóa trên bằng chế độ ăn uống, luyện tập và thuốc thích hợp.
Bệnh gút có chiều hướng tăng cùng với sự phát triển về kinh tế xã hội, do đó cần được quan tâm để tránh những hậu quả vì biến chứng hầu như không hồi phục. Để phòng bệnh, nên khám, xét nghiệm 6 tháng/ lần. Ngay khi phát hiện tăng acid uric máu, cần điều chỉnh chế độ ăn uống và vận động. Nếu đã xuất hiện cơn gút cấp phải khám và theo dõi lâu dài ở các khoa khớp. Đối với bệnh gút mãn thì theo dõi điều trị kéo dài theo phác đồ của chuyên khoa.
Cần lưu ý rằng không thể điều trị ổn định bệnh gút và acid uric máu nếu không điều chỉnh chế độ ăn uống, sinh hoạt hợp lý. Các thức ăn chứa nhiều acid uric như: phủ tạng động vật, thịt nạc heo, chó, bò, các loại hải sản, một số loại cá- đặc biệt là cá nhiều nạc như cá sông, cá hồi, cá đuối... Một số loại thực phẩm nguồn gốc thực vật không chứa purin nhưng lại có tác dụng làm tăng tổng hợp acid uric nội sinh, như: nấm, măng, đậu, giá. Các loại rượu bia, thức uống có cồn đều làm giảm thải acid uric qua thận. Đặc biệt một số loại bia sử dụng men bia có nguồn gốc từ nấm, chứa nhiều purin ngoại sinh. Cà phê, chè có những chất oxy hóa cũng sẽ làm tăng sự tạo acid uric. Bệnh nhân gút nên giảm ăn thịt cá, óc heo, óc bò, nấm, măng...; không ăn mỡ; không uống rượu bia; giảm đường, cà phê, chè. Cần kiêng ăn chua, kể cả rau quả trái cây có vị chua, vì sẽ làm tăng lắng đọng acid uric trong thận. Ngoài ra, cần vận động đều hàng ngày, tránh thừa cân, tránh căng thẳng, tránh làm việc quá sức, tránh chấn thương khớp, tránh lạnh đột ngột.
Kết quả điều trị gút hoàn toàn phụ thuộc vào hai yếu tố không thể tách rời: kiến thức và kinh nghiệm chuyên môn của thầy thuốc; hiểu biết và sự tuân thủ điều trị của người bệnh.
(Theo CanTho online)