Hỏi: Tôi đã bị bệnh tiểu đường và béo phì nhiều năm nay. Tôi vẫn đang đi làm nên không có nhiều thời gian cho việc tập luyện, vì vậy tôi chỉ giảm cân được bằng phương pháp ăn kiêng.
Tôi nghe nói ăn bí đỏ rất tốt cho bệnh nhân tiểu đường và có tác dụng giảm cân. Điều đó đúng không thưc bác sĩ?
Đặng Thị Thu, 35 tuổi, Hà Nội
Trả lời:
Chào chị!
Để biết quả bí đỏ có những tác dụng gì, trước tiên chúng ta cần tìm hiểu một số đặc điểm của loại cây này:
Đặc điểm cây bí đỏ
Cây bí đỏ mọc lan trên mặt đất, quả khi chín có màu vàng đỏ giống như hạt ngô (vì thế nên có tên gọi khác là bí ngô). Hầu hết các bộ phận của cây bí như dây, lá, hoa, quả non, quả chín, hạt đều có thể dùng làm thức ăn được. Mỗi bộ phận của bí lại có những lợi ích khác nhau, tuy nhiên chúng đều có điểm chung là rất tốt cho sức khỏe, giàu vitamin, khoáng chất, chất xơ và các chất chống oxy hóa. Đặc biệt, các bộ phận của bí dùng làm thức ăn đều có hàm lượng calo thấp nên đều có thể đưa vào thực đơn ăn kiêng của mỗi người.
Y học cổ truyền gọi bí ngô là nam qua, vị ngọt, tính bình, quy kinh tỳ, vị và đại trường. Tác dụng bổ khí, kiện tỳ, hòa vị, sinh tân, chỉ khát và nhuận tràng. Ngày nay, khoa học còn tìm ra rất nhiều tác dụng khác của bí ngô như hỗ trợ điều trị tiểu đường, giúp sáng mắt, hạ áp, có lợi cho tim mạch và giảm béo.
Tại sao bí lại được coi là món ăn giúp giảm béo?
- Bí đỏ giàu vitamin và khoáng chất nhưng lại cung cấp khá ít năng lượng (100g bí đỏ chỉ cung cấp 27 Kcal) nên khá được trọng dụng trong các thực đơn giảm cân
- Gần như tất cả các phần của bí đều tốt cho người muốn giảm cân, ngoại trừ hạt bí bởi hàm lượng chất béo trong chúng rất cao nên sinh nhiều calo (100g hạt bí phần ăn được có 25g protein, 46g chất béo và sinh 541 calo).
Bạn nên chế biến bí đỏ bằng cách luộc hoặc nấu canh không có dầu mỡ. Quả bí non còn có tác dụng nhuận tràng, thích hợp với những người thừa cân, hay bị táo bón, tuy nhiên nếu ăn quá nhiều sẽ dễ bị tiêu chảy.
Tại sao nói bí ngô giúp trị bệnh tiểu đường?
- Theo các nhà nghiên cứu, trong bí đỏ có D-chiro-inositol và các chất chống oxy hóa giúp tăng nồng độ insulin, làm giảm lượng đường glucose trong máu và giảm các thiệt hại do đường glucose tạo ra ở các tế bào tụy beta. Kết quả là các tế bào này ít bị hỏng hơn nên có thể tái sinh và sản xuất insulin.
Mặt khác, Beta-caroten trong bí đỏ còn có tác dụng ngăn cản quá trình oxy hoá của chất Lipoprotein gây nên mảng xơ vữa động mạch, ngăn cản sự hình thành cholesterol LDL (Cholesterol xấu), ngăn chặn xơ động mạch, giúp glucose phân tán được ra khỏi mạch máu để đến các mô, từ đó làm giảm glucose huyết.
Hơn nữa, hàm lượng glucid của bí đỏ khá thấp (6.1g/100g), chỉ tương đương với hàm lượng glucid trong cùi dừa già hoặc su hào (6.2g/100g) nên rất được ưa chuộng trong thực đơn của người tiểu đường.
Cây bí đỏ còn có tác dụng nào khác nữa?
- Quả bí chín có màu vàng đỏ, chứa rất nhiều beta-caroten, khi vào cơ thể sẽ chuyển hóa thành vitamin A, giúp sáng mắt, trị quáng gà, khô mắt, hạt bí đỏ trị giun sán, làm tăng sữa cho phụ nữ sau sinh, hoa bí có tác dụng cố tinh, tăng cường khả năng tình dục nam giới.
- Do bí ngô rất giàu Beta-caroten nên có tác dụng ngăn cản quá trình oxy hoá của chất Lipoprotein gây nên mảng xơ vữa động mạch, ngăn cản sự hình thành cholesterol LDL (Cholesterol xấu), ngăn chặn xơ vữa động mạch. Ngoài ra, chất xơ hòa tan trong bí đỏ cũng góp phần hấp thu cholesterol và kéo chúng theo phân, từ đó làm giảm cholesterol trong máu.
Một số món ăn từ bí đỏ có thể áp dụng trong thực đơn giảm cân:
- Canh bí đỏ nấu thịt nạc (bí đỏ 100g, thịt nạc 10g) - 50Kcal
-Canh bí đỏ (100g bí) - 42 Kcal
-Thịt trâu nấu bí đỏ: (100g bí đỏ, 30g thịt trâu)139Kcal
Bác sĩ Uông Thành
(Theo Tiền Phong)