Hỏi: Cháu năm nay 20 tuổi, cháu đã đến chuyên gia tư vấn giảm cân và được biết cháu đang bị thừa cân (BMI= 25). Cháu nghe nói uống dấm táo mèo có tác dụng giảm cân. Điều này có đúng không ạ?Bác sĩ cho cháu hỏi nếu uống được, cháu nên uống bao nhiêu để không ảnh hưởng đến sức khỏe? (Hồ Thu Trang, Cẩm Giàng, Hải Dương).
Trả lời:
Chào bạn!
Trước hết chúng ta cần có hiểu biết về táo mèo:
Quả táo mèo hay quả chua chát, Sán Sá (theo tiếng Tày), sơn tra (tên gọi trong đông y), thuộc họ hoa hồng (Rosaceae).
Theo y học cổ truyền, sơn tra vị chua ngọt, tính hơi ôn. Qui kinh Tỳ Vị Can. Thuộc nhóm thuốc tiêu thực hóa tích, có tác dụng kiện vị, khoan cách, tiêu khí tích huyết cục, chủ trị các chứng tích trệ, đầy bụng khó tiêu, tiêu chảy, sản hậu ứ kết, đau tinh hoàn…
Theo kết quả các nghiên cứu dược lý, sơn tra có các tác dụng quý như an thần, tăng tính thấm thành mạch, tăng lưu lượng mạch vành, giãn mạch, hạ áp, chống loạn nhịp tim. Đối với hệ tiêu hóa, sơn tra làm tăng lượng enzym trong dạ dày, giúp tiêu hóa tốt hơn.
Về thành phần hoá học, thịt quả sơn tra tươi chứa 0,7% chất đạm, 0,2% chất béo, 22% chất đường, có các acid hữu cơ như Crategolic acid, Malic acid, Oxalic acid, Succinic acid, Acetic acid, Citric acid, Ursolic acid, Linoleic acid, Linolenic acid, Palmitic acid, Oleic acid, Stearic acid, giàu vitamin C (0,03% - 0,1%, đứng hàng thứ tư trong các loại hoa quả giàu vitamin C), vitamin B2 (đứng hàng đầu trong các loại hoa quả, ngang với chuối tiêu), Caroten (đứng thứ hai trong các loại hoa quả) và Canxi (mỗi 100g sơn tra có chứa 85mg Canxi thuộc loại cao nhất trong các loài hoa quả). Ngoài ra, sơn tra còn chứa Chì, Sắt, Tanin, Acetylcholine, Phytosterrin.
Tác dụng giảm cân của táo mèo
Sơn tra có tác dụng làm hạ lipid máu rõ rệt và giảm xơ vữa động mạch. Cơ chế chủ yếu do vị thuốc này có tác dụng tăng nhanh bài tiết cholesterol làm cơ thể không kịp hấp thu chứ không phải chống hấp thu cholesterol. Do đó, sơn tra là một vị thuốc rất tốt với bệnh nhân béo phì, rối loạn lipid máu.
Với những người béo phì, đặc biệt là người có tỷ lệ mỡ cơ thể cao, táo mèo là loại quả rất tốt cho việc giảm cân. Với những người hay bị đầy bụng do ăn đồ mỡ, chiên xào nhiều, táo mèo sẽ giúp giảm nhanh chóng các triệu chứng đầy hơi khó tiêu,giúp giảm lượng chất béo no không tốt hấp thu vào cơ thể, giúp bạn có vóc dáng thon gọn và sức khỏe tốt hơn.
Táo mèo mua về có thể chế biến theo nhiều cách như phơi khô làm trà, ngâm đường làm nước giải khát, ngâm rượu, làm ô mai…
Một số món ăn/ thức uống giảm cân từ táo mèo:
Sơ chế táo mèo:
- Rửa táo với nước sạch, để ráo
- Cắt bỏ núm hai đầu, bỏ chỗ dập, không gọt vỏ, không bỏ hạt vì hạt táo rất tốt
- Bổ đôi, ngâm trong nước sạch một tiếng (nếu không muốn có vị chát của táo)
- Ngâm nước muối loãng 30 phút
- Rửa sạch lại, để ráo
Táo mèo ngâm đường
- Nguyên liệu: 2 kg táo, 2 kg đường
- Xếp táo và rải đường, xen kẽ một lượt táo một lượt đường trong hộp (lọ/bình thủy tinh hoặc nhựa chuyên dùng đựng thực phẩm)
- Ngâm trong 2 tuần-1 tháng, khi thấy táo bắt đầu nổi lên khỏi nước đường là đã bắt đầu dùng được.
Táo mèo ngâm dấm
- Bỏ táo vào một bình thủy tinh, dùng nước sôi để nguội đổ vào bình
- Bỏ thêm chút đường cho táo nhanh lên men. Cuối cùng, lấy một chiếc đĩa ép táo xuống và lấy vải màn buộc bình lại
- Sau một tuần, chắt dấm táo ra một bình thủy tinh. Một tháng sau bạn sẽ có dấm táo để dùng
Hoặc có thể phơi khô táo mèo để làm trà, hay làm ô mai táo mèo cũng là một món rất hấp dẫn mà vẫn có thể giúp giảm cân.
Tuvangiamcan.vn xin gợi ý một số cách sử dụng táo mèo trong thực đơn giảm cân của bạn như sau:
- Pha một thìa café dấm táo mèo (5ml) với 250ml nước, uống sau ăn sáng và bữa phụ lúc 4h chiều hoặc sau bữa tối (2ly/ngày). Nước dấm táo mèo có thể thay thế cho nước chanh để giảm cân hàng ngày của bạn.
- Sử dụng ô mai táo mèo trong các bữa phụ
Cách làm trà giảm béo
Táo mèo 20g, hoa cúc 12g, thảo quyết minh 20g, sắc lấy nước uống hàng ngày như uống trà, có tác dụng mát gan, giảm béo.
Bài thuốc chữa đầy bụng, khó tiêu do ăn nhiều mỡ, thịt
Sơn tra (sao cháy)12 g, củ sả 12 g, trần bì 16 g.
Cách dùng: Cho vào ấm, đổ 500 ml nước, sắc còn 200ml. Người lớn chia làm hai lần uống trong ngày. Trẻ em tùy tuổi chia làm 3 - 4 lần uống trong ngày, lượng nhỏ.
Bác sĩ Uông Thành
(Theo Tiền Phong)