Dùng phô mai không kem hoặc ít kem giúp giảm mỡ trong máu một cách tự nhiên (theo một nghiên cứu ở Mỹ). Ảnh: Reader’s Digest |
Tháng 2 được Hiệp hội Tim mạch Mỹ coi là “Tháng Sức khỏe Tim mạch”. Với nhiều người Mỹ, đây là thời điểm tập trung vào các biện pháp giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh tim mạch – “sát thủ” hàng đầu ở cả hai giới. Tại Việt Nam, theo thống kê của Bộ Y tế, suy tim và nhồi máu cơ tim lần lượt xếp thứ 4 và thứ 8 trong tốp 10 căn bệnh gây tử vong nhiều nhất ở nước ta (với tỷ lệ tương ứng 1,48 và 0,71 người chết/100.000 dân). Tuy không phải là chất hoàn toàn “xấu” trong cơ thể, nhưng cholesterol (mỡ trong máu – chiếm 60-70% thành phần chất béo trong máu) là tác nhân chính tham gia vào quá trình hình thành mảng bám gây tắc nghẽn động mạch, làm phát sinh bệnh nhồi máu cơ tim và tai biến mạch máu não. Hiện nay, tỷ lệ người có lượng mỡ trong máu cao hơn bình thường ở Việt Nam không phải là nhỏ, nhất là ở lứa tuổi trung và cao niên.
Cơ thể có hai loại cholesterol chính là lipoprotein tỉ trọng cao (HDL) và lipoprotein tỉ trọng thấp (LDL). 75% lượng cholesterol là do cơ thể tự sản sinh và 25% có nguồn gốc từ thực phẩm chúng ta ăn (sữa, trứng, mỡ động vật, thịt đỏ...). HDL được gọi là cholesterol “tốt” vì nó vận chuyển cholesterol từ các mô và lòng mạch đào thải ra ngoài. Còn LDL bị coi là cholesterol “xấu” vì vận chuyển theo chiều ngược lại, gây ứ động mỡ trong lòng mạch máu tạo hiện tượng xơ mỡ động mạch, rất nguy hiểm vì nó cứ nhắm mạch máu ở tim và não mà đóng đô, làm nghẽn dòng máu tuần hoàn và cục máu đông xuất hiện gây nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não (đột quị). Khỏi cần phải nói, hàm lượng LDL càng thấp và HDL càng cao thì càng tốt cho sức khỏe cơ thể. Ngoài ra, cũng cần phải kể đến kích cỡ của các phân tử LDL. Chúng càng nhỏ và càng dày thì càng nguy hiểm bởi như vậy sẽ dễ dàng xâm nhập vào thành mạch máu.
Nếu bị mỡ trong máu cao, bên cạnh việc dùng thuốc, các nghiên cứu cho thấy bằng cách ăn uống đúng thực phẩm, tập thể dục đầy đủ, và nói chung là chăm sóc tốt sức khỏe bản thân, bạn có thể giảm đến 80% nguy cơ tử vong do các bệnh tim mạch.
1. Mỗi ngày uống 3 ly nước cam. Một nghiên cứu của Đại học Western Ontario (Canada) chỉ ra rằng uống 3 ly nước cam mỗi ngày trong 4 tuần làm tăng 21% lượng HDL và cải thiện 16% tỷ lệ nồng độ cholesterol tốt và cholesterol xấu.
2. Mỗi ngày ăn 6 bữa (nhỏ) hoặc nhiều hơn. Một nghiên cứu qui mô lớn ở Anh cho thấy người lớn tuổi ăn 6 lần (mỗi lần một ít) hoặc nhiều hơn trong ngày hạ được đáng kể lượng cholesterol trong máu so với người ăn 2 bữa, cho dù những người ăn nhiều bữa dung nạp nhiều calorie và chất béo hơn. Thực ra, sự khác biệt nồng độ cholesterol giữa hai nhóm đủ lớn để giảm 10-20% nguy cơ bệnh mạch vành ở người “ăn vặt”. Chú ý 6 bữa ăn phải thật sự nhỏ.
3. Bữa tối dùng kèm một ly rượu vang. Nhiều nghiên cứu nhận thấy mỗi ngày uống một ly rượu vang hoặc bia có thể tăng cường cholesterol “tốt”. Nên dùng vang đỏ bởi loại rượu này chứa nồng độ saponin (chất có nguồn gốc thực vật, đóng vai trò chính làm nên tác dụng có lợi của rượu vang với cholesterol tốt) cao gấp 3-10 lần.
4. Dùng dầu ô-liu làm món rau trộn. Theo nghiên cứu của Đại học Baylor (Mỹ), chế độ ăn giàu chất béo không bão hòa đơn tính (có trong dầu ô-liu) làm giảm lượng cholesterol “xấu” ở người bị tiểu đường hoặc mắc chứng rối loạn trao đổi chất – nhóm yếu tố nguy cơ gồm cholesterol “tốt” thấp, nồng độ insulin cao và thừa cân – tương tự như khi theo đuổi chế độ ăn uống ít chất béo.
(còn tiếp)
(Theo Reader’s Digest, moh.gov.vn)