“Viêm tai giữa là bệnh hay gặp ở trẻ nhỏ. Nguyên nhân là do thời tiết nắng mưa thất thường, tạo điều kiện cho vi rút phát triển nhanh, làm tăng bệnh viêm nhiễm đường hô hấp, kéo theo các bệnh về tai”, BS Đỗ Tuấn Hùng cho biết.
->> Tìm hiểu về bệnh viêm tai giữa ở trẻ nhỏ
->> Thận trọng khi dùng thuốc chữa viêm tai giữa ở trẻ em
->> Coi chừng bệnh viêm tai giữa ở trẻ nhỏ
Ở trẻ nhỏ, bệnh thường khởi phát sau khi bị cảm, viêm xoang, viêm amiđan, viêm hạnh nhân hầu… Khi các nguyên nhân trên không được điều trị dứt điểm, tai trẻ sẽ chảy mủ (đây là đặc trưng nổi bật của bệnh)
Bệnh biến chứng do chủ quan
Cháu Hoàng Văn Công, 8 tháng tuổi (Từ Liêm, Hà Nội) cấp cứu tại viện Tai mũi họng TƯ trong tình trạng bị viêm tai xương chũm cấp xuất ngoại sau tai trái. Mẹ bé - chị Thu Hoài cho biết: “Lúc đầu cháu chỉ bị viêm đường hô hấp trên, sau một đợt điều trị thuốc tôi nghĩ con khỏi rồi nên không để ý. Thời gian sau thấy cháu hay quấy khóc, bỏ ăn, tai có mùi… và đến khi cháu sốt cao co giật, đến viện mới biết cháu bị viêm tai giữa biến chứng”.
Cũng như bé Công, bé Nguyễn Thuỳ Trang, 2 tuổi (Thái Thuỵ, Thái Bình) nhập viện trong tình trạng viêm tai xương chũm cấp hai bên, biến chứng liệt mặt, phải nhập viện để mổ cấp cứu xương chũm trái và đặt ống thông khí hai bên. Mẹ bé Trang cho biết: “Do chủ quan, tôi nghĩ bị viêm tai giữa chỉ khi bị nước vào tai, mà khi tắm cho con tôi rất cẩn thận, không để nước vào tai cháu. Hơn nữa, tai cháu cũng không bị chảy mủ ra ngoài, tôi không ngờ đến tình huống này”.
Trẻ viêm tai giữa thường có biểu hiện - Trẻ sốt cao 39 - 40oC, quấy khóc nhiều, kém ăn, nôn trớ, co giật (trẻ nhỏ), thêm triệu chứng đau tai (ở trẻ lớn)... - Trẻ đi ngoài (kèm sốt). |
Cần điều trị dứt điểm, không tự ý dùng thuốc
Trao đổi với Dân Trí, BS Đỗ Tuấn Hùng, khoa Tai mũi họng bệnh viện Bạch Mai cho biết: “Một số bà mẹ bất ngờ khi thấy bác sĩ chẩn đoán con bị viêm tai giữa. Họ cho rằng khi có nước chảy vào tai thì mới bị viêm, và nếu bị viêm thì tai chảy mủ. Một số gia đình không biết rằng viêm tai giữa là hậu quả của bệnh viêm đường hô hấp trên nên ngay cả khi không bị nước vào tai trẻ vẫn bị bệnh này”.
Cũng theo bác sĩ, biểu hiện của bệnh thường xuất hiện sau khi trẻ bị viêm mũi họng vài ngày. Trẻ có thể bị sốt, ho, chảy mũi, tiêu chảy và đau tai (đây là một trong những biểu hiện đặc trưng của bệnh viêm tai giữa).
“Khi thấy tai con bị chảy mủ một số bà mẹ nhét bông gòn hoặc rắc thuốc bột vào tai trẻ, làm mủ không thoát ra được, gây thủng màng nhĩ dẫn tới viêm màng não. Thuốc bột cũng làm tăng nguy cơ mủ chảy vào tai. Bệnh hay gặp nhất ở lứa tuổi từ 6 tháng đến 12 tháng tuổi. Khi bị viêm tai giữa, nếu trẻ không được điều trị dứt điểm hoặc cha mẹ tự ý dùng thuốc không đúng cách, sẽ gây hậu quả nghiêm trọng”.
Viêm tai giữa chia làm 2 loại, viêm tai giữa cấp và viêm tai giữa tiết dịch. Viêm tai giữa cấp biểu hiện bằng sự đau tai dữ dội, trẻ quấy khóc không ngủ, có thể bị sốt, ói, ù tai, chóng mặt, sau đó trẻ bớt đau khi xuất hiện chảy mủ tai, thính lực bị giảm. Viêm tai giữa mãn: trẻ chảy mủ tai liên tục và giảm thính lực, thủng màng nhĩ...
Khi thấy trẻ có một trong các biểu hiện trên, cần đưa trẻ đến ngay các cơ sở chuyên khoa thăm khám và điều trị, BS Đỗ Tuấn Hùng khuyến cáo.
Biện pháp phòng ngừa - Theo BS Hùng, để tránh mắc viêm tai giữa ở trẻ biện pháp tốt nhất là phòng chống nhiễm khuẩn đường hô hấp trên bằng cách nâng cao thể trạng chung cho trẻ (điều chỉnh chế độ ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý, nhằm tăng cường sức đề kháng). - Hàng ngày, vệ sinh cho trẻ bằng cách nhỏ nước muối sinh lý làm sạch bụi bẩn trên đường hô hấp. - Giữ ấm cho trẻ, tránh gió lùa, bảo vệ đường mũi họng cho trẻ trong mùa lạnh. |
(Theo Thu Hà // Dân trí)