Hộp xốp, hộp nhựa dùng đựng thực phẩm được làm từ chất Polystyrene (PS) đã và đang được sử dụng rộng rãi trên thế giới. Thời gian gần đây, các phương tiện thông tin đại chúng đã đề cập nhiều về tính an toàn của việc sử dụng hộp xốp để chứa đựng thực phẩm. Để cung cấp thêm thông tin cho bạn đọc, chúng tôi xin đưa ra một số luận chứng khoa học và khuyến cáo mới nhất từ Cục An toàn vệ sinh thực phẩm để người tiêu dùng hiểu đúng về bản chất của các sản phẩm hộp xốp, hộp nhựa khi chứa đựng thực phẩm.
Hộp xốp được dùng để đựng thực phẩm khá phổ biến. Ảnh: K.L |
- Hiểu rõ chất của Polystyrene:
PS là một chất trùng hợp (polymer) có tính dễ uốn dẻo, được điều chế từ nguồn dầu hỏa. Ở dạng rắn PS không màu, khi đun nóng ở nhiệt độ cao, hoặc ép đùn nó chuyển sang dạng lỏng. Nhờ đặc tính này mà PS được ứng dụng, sản xuất nhiều mặt hàng gia dụng trong đời sống như: dụng cụ chứa đựng thực phẩm, đĩa CD, phụ kiện máy tính, vật liệu cách nhiệt...
Chất PS được khám phá vào năm 1839. Đến năm 1949, khi kỹ thuật ép đùn áp dụng, người ta đã sản xuất ra nhiều vật liệu công nghệ và đến năm 1959, kỹ thuật ép đùn tạo độ xốp được hoàn chỉnh. Từ đó, vật liệu chống nhiệt, hộp xốp đựng thực phẩm ra đời, góp phần đáng kể trong việc thay thế sản phẩm bao gói từ nhựa dẻo. Hộp xốp rất tiện lợi cho người cung cấp thức ăn nhanh, thức ăn mang về nhà, dụng cụ chứa đựng thực phẩm thông thường...
- Khả năng thôi nhiễm của Polystyrene từ dụng cụ chứa đựng thực phẩm:
Xét về bản chất, PS không có độc tính cao (liều gây chết 50% ở chuột thí nghiệm LD50: 500- 5.000mg/kg thể trọng) và không có khả năng gây ung thư qua đường ăn uống. Cơ quan nghiên cứu ung thư quốc tế xếp styrene (thành phần của polystyrene) vào nhóm “có thể gây ung thư”, nhưng qua tiếp xúc với đường hô hấp và người làm việc trong môi trường sản xuất vật liệu, thời gian tiếp xúc lâu dài thì mới có thể bị bệnh. Styrene có trong môi trường không khí và có một tỷ lệ rất nhỏ trong một số thực phẩm như: trái cây, rau, quả, ngũ cốc, thịt gia súc... Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Tổ chức Lương nông Thế giới (FAO) đã tiến hành đánh giá và khuyến nghị mức ăn hàng ngày chấp nhận được (ADI) của styrene là 0,04mg/ 1 kg thể trọng đối với con người. Thí nghiệm trên động vật cho thấy tiêu thụ styrene ở mức 7,7 mg/ kg thể trọng/ ngày, trong 2 năm liền không có hiệu ứng độc tính. Thực tế, tại các nước châu Âu và Bắc Mỹ, một số bang đã từng có đạo luật cấm sử dụng hộp xốp được chế tạo từ Polystyrene, nhưng với lý do chính là dưới góc độ ảnh hưởng môi trường.
Nhiều năm qua đã có các nghiên cứu về khả năng thôi nhiễm từ vật liệu này vào thực phẩm. Cơ quan Quản lý Dược và thực phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã khảo sát và thu thập số liệu về khả năng các chất tồn dư như styrene hay ethylbenzene có thể thôi nhiễm vào thực phẩm trong nhiều năm. Kết quả cho thấy, lượng thôi nhiễm này là cực nhỏ và không có khả năng gây hại cho sức khỏe. Từ năm 1993 đến năm 2002, Hiệp hội Công nghiệp chất dẻo Hoa Kỳ đã kiểm tra và cho kết quả hàm lượng thôi nhiễm styrene và ethylbenzene vào thực phẩm bao gói nhỏ hơn 10.000 lần so với mức ăn chấp nhận được hàng ngày. Hội đồng Hóa học Hoa Kỳ nêu rõ: Dựa trên kết quả thử nghiệm khoa học trong suốt hơn 5 thập kỷ qua, các cơ quan an toàn thực phẩm của chính phủ xác định vật liệu từ PS là an toàn để sử dụng trong dịch vụ thực phẩm. PS đáp ứng được các tiêu chuẩn khắt khe của FDA và Cơ quan An toàn Thực phẩm châu Âu dùng làm bao gói để bảo quản và phục vụ đồ ăn.
- Biện pháp phòng ngừa sự thôi nhiễm:
Hộp xốp có thể được sản xuất dưới dạng tái chế (tuy nhiên, thực tế quy trình tái chế rất khó khăn) hoặc trong quá trình sản xuất, nhà sản xuất có thể dùng thêm một số chất phụ gia khác. Vì vậy, việc đề phòng khả năng thôi nhiễm có thể xảy ra vẫn được khuyến cáo:
+ Đối với người sử dụng:
- Chỉ sử dụng hộp xốp, hộp nhựa chứa đựng thực phẩm có nguồn gốc xuất, xứ rõ ràng, hợp vệ sinh.
- Sử dụng hộp xốp, hộp nhựa để đựng thực phẩm theo hướng dẫn của nhà sản xuất.
- Chỉ dùng các loại hộp xốp chứa đựng thực phẩm một lần. Không nên dùng các hộp xốp để chứa đựng và bảo quản thực phẩm, nước uống nóng trên 1000C.
- Không dùng hộp xốp để đựng mỡ, dầu ăn hay thức ăn, đồ uống có độ chua cao như: dưa muối, sa-lát trộn giấm, nước chanh...
- Không dùng lò vi sóng để làm nóng thực phẩm chứa trong hộp xốp.
+ Đối với nhà sản xuất, kinh doanh:
- Đảm bảo điều kiện vệ sinh trong quá trình sản xuất hộp xốp, hộp nhựa dùng chứa đựng thực phẩm.
- Chỉ sử dụng các loại vật liệu sạch, an toàn vệ sinh thực phẩm để sản xuất hộp xốp, hộp nhựa chứa đựng thực phẩm. Không sử dụng các chất phụ gia không được phép trong sản xuất hộp xốp, hộp nhựa dùng chứa đựng thực phẩm.
- Có hướng dẫn cụ thể về điều kiện sử dụng (giới hạn về nhiệt độ, dầu, mỡ, độ a xít, độ kiềm...) theo yêu cầu của sản phẩm.
- Khuyến khích việc công bố tiêu chuẩn sản phẩm hộp xốp, hộp nhựa dùng chứa đựng thực phẩm theo quy định của Bộ Y tế.
(Theo cantho online)