Theo thói quen, người ta thường chỉ hay nói đến và sợ bệnh tăng huyết áp chứ ít có người lo ngại huyết áp thấp. Họ đâu có biết rằng: huyết áp quá thấp thì lại có nhiều rủi ro cho sức khỏe, có khi còn đe dọa tới tính mạng. Bài viết sau đây sẽ giúp bạn đọc hiểu và phòng tránh bệnh huyết áp thấp cùng những tác hại do nó gây ra.
->> Xử lý nhanh khi bị tụt huyết áp
->> Bệnh huyết áp thấp và những điều cần biết
->> Bệnh cao huyết áp và những điều cần biết
Huyết áp bao nhiêu là thấp?
Theo các nhà chuyên môn, gọi huyết áp thấp khi số đo huyết áp tối đa (huyết áp tâm thu) bằng hoặc dưới 90mmHg và huyết áp tối thiểu (huyết áp tâm trương) bằng hay dưới 60mmHg. Tuy nhiên, đó chỉ là trị số trung bình, để nói rằng đó là huyết áp thấp, trên thực tế số đo huyết áp đó đối với người này là thấp nhưng ở người khác lại là bình thường vì họ không có các triệu chứng của huyết áp thấp như chóng mặt, ngất xỉu hoặc bất tỉnh. Những người tập luyện thể thao như cử tạ thường có huyết áp và nhịp tim hơi thấp hơn bình thường mà họ vẫn khỏe mạnh.
Người ta phân biệt các loại huyết áp thấp như sau: thấp với tư thế đứng, như một người đang nằm hay ngồi mà đứng lên, nhất là lại đứng lên quá nhanh hoặc đứng lâu cả ngày sẽ bị xây xẩm, lảo đảo, chóng mặt. Bình thường, khi thay đổi tư thế như vậy sẽ có khoảng từ 300 - 800ml máu dồn xuống phần dưới cơ thể theo trọng lực, khi đó cơ thể bị rơi vào tình trạng thiếu máu não. Nhưng nhờ cơ thể có phản ứng tim mạch, thần kinh, sinh hóa để đối phó với trường hợp này như: cơ bắp ở chi dưới co hẹp, thành bụng ép vào mạch đẩy máu từ dưới ngược lên phía trên. Vì vậy hậu quả của huyết áp thấp chỉ thoảng qua khoảng mấy giây. Trường hợp các cơ chế này hoạt động kém hiệu quả thì tác hại của cơn hạ huyết áp tư thế sẽ kéo dài, thường gặp ở người cao tuổi, người suy nhược, người khỏe mạnh khi họ ngồi lâu với cẳng chân bắt chéo rồi bất chợt đứng dậy. Nguyên nhân có thể do dùng một số thuốc, suy giảm chức năng tĩnh mạch, giảm khối lượng máu, suy tim, rối loạn thần kinh.
Thấp do rối loạn dẫn truyền giữa thần kinh tim - não. Ở người đứng quá lâu, huyết áp thường thấp nhưng cơ thể có thể điều chỉnh để huyết áp bình thường. Nhưng ở một số người, nhất là người trẻ thì cơ chế điều chỉnh bị rối loạn: thay vì báo huyết áp thấp, thần kinh tại tim lại phát ra tín hiệu ngược lại (huyết áp cao) làm cho não ra lệnh giảm nhịp tim và hạ huyết áp. Máu đưa xuống phần bụng và chi dưới nhiều, lên não ít, bệnh nhân cảm thấy xây xẩm, chóng mặt.
Thấp sau bữa ăn: trong vòng 2 giờ sau khi ăn, huyết áp có thể giảm tới 20mmHg, nhất là ở người cao tuổi, người đang bị tăng huyết áp, có bệnh tim mạch, đang dùng thuốc điều trị tăng huyết áp. Bệnh nhân có thể bị ngất xỉu, cơn đau thắt ngực, chóng mặt, mệt, buồn nôn, mờ mắt, thậm chí cả đột qụy. Người ta cho rằng sau khi ăn, máu dồn về ruột, dạ dày để giúp sự tiêu hóa thức ăn, vì vậy giảm khối lượng máu đến não và các bộ phận khác. Cũng có khi do tác dụng của insulin làm giảm đường huyết kéo theo giảm huyết áp… Cơ thể điều chỉnh được bằng cách tăng lượng máu bơm ra từ tim và co mạch máu ngoại vi. Nếu cơ chế này suy giảm dẫn đến thiếu máu não gây các triệu chứng nói trên.
Một người bị huyết áp thấp thường có các triệu chứng như sau: chóng mặt, ngất xỉu, buồn ngủ, kém tập trung, buồn nôn, mờ mắt, hơi thở nhanh, da lạnh, khát nước. Nếu huyết áp quá thấp, bệnh nhân có thể bị trụy tuần hoàn, sốc…
Chữa trị và phòng bệnh
Ở người khỏe mạnh bị thấp huyết áp mà chỉ có triệu chứng chóng mặt thoảng qua khi đứng lên ngồi xuống thì không cần phải điều trị. Các trường hợp nặng, cần điều trị nguyên nhân gây huyết áp thấp. Đối với người huyết áp xuống quá thấp gây ra sốc thì cần được điều trị cấp cứu tại bệnh viện. Tăng khối lượng máu bằng cách dùng các thuốc: fludocortion, clonidin, viên uống tránh thai, thuốc co mạch như: midrodin, ritalin, thuốc epinephrin/norepinephrin, thuốc ức chế beta: atenolol, propanolol.
Các phương pháp để giảm thiểu triệu chứng huyết áp thấp: uống nhiều nước để ngăn ngừa cơ thể khô nước và nâng cao huyết áp. Dùng thêm muối để có thể nâng cao huyết áp. Hạn chế uống rượu vì rượu làm mất nước và làm giãn mạch. Không nên đứng quá lâu. Khi đứng lên từ tư thế nằm hay ngồi, chỉ nên đứng lên từ từ. Người bị huyết áp thấp sau khi ăn: không nên uống thuốc điều trị tăng huyết áp trước khi ăn, nên nằm nghỉ sau khi ăn, ăn làm nhiều bữa nhỏ. Uống cà phê có tác dụng làm co mạch nhưng nên uống vào buổi sáng để tránh mất ngủ.
Huyết áp thấp do đâu? Có nhiều yếu tố dẫn đến huyết áp thấp, đó là: mất nước vì nôn, ói, tiêu chảy, sốt, dùng nhiều thuốc lợi tiểu, bỏng nặng, đổ mồ hôi nhiều. Xuất huyết làm giảm khối lượng máu và huyết áp thấp. Phụ nữ có thai, mạch máu giãn mở, giàm sức ép của máu lên động mạch do đó áp huyết áp xuống thấp. Bệnh tim: suy tim, rối loạn van tim, nhịp chậm… Các bệnh nội tiết: đái tháo đường, cường tuyến giáp, Parkinson, chấn thương sọ não, ngộ độc hóa chất, suy gan, nằm lâu ngày… Các bệnh nhiễm khuẩn huyết, dị ứng nặng, thiếu vitamin B12, acid folic… Sử dụng các thuốc: lợi tiểu, giãn mạch, thuốc viagra, chống trầm cảm, giảm đau… |
(Theo ThS. Trần Quốc An // Suckhoe & Đoisong)