Đây là sự băn khoăn của rất nhiều bệnh nhân mắc phải căn bệnh này.
-> Tìm hiểu thêm về bệnh bướu cổ Basedow
-> Bệnh basedow ở trẻ em
-> Cường giáp khi có thai dùng thuốc như thế nào?
Việc phẫu thuật bướu cổ phải được sự chỉ định của bác sĩ - Ảnh: shutterstock |
Tuyến giáp là một tuyến nội tiết lớn nhất của cơ thể, cân nặng vào khoảng 20-30 gam. Nội tiết tố do tế bào của tuyến giáp tiết ra rất quan trọng đối với sự tăng trưởng của cơ thể và tiến hóa của nòi giống.
Nóng nực vì bệnh
Theo cá thể phát sinh học, tuyến giáp thuộc về một trong những loại cơ quan phát triển sớm nhất, sự phát triển của tuyến giáp hoàn thành vào tháng thứ 8-9 của thai nhi. Lúc đó tuyến giáp đã có cấu tạo gần giống với tuyến giáp của người lớn. Các nang tuyến được cấu tạo bởi các lớp tế bào biểu mô hình trụ và hình vuông chứa đầy chất keo. Thể tích của tuyến giáp thay đổi tùy theo những yếu tố: giới, tuổi, khí hậu, dinh dưỡng, những biến đổi bên trong cơ thể (sự dao động về tinh thần, về đời sống sinh lý...) hay của các yếu tố bên ngoài cơ thể (nhiễm độc, nhiễm khuẩn...). Số lượng máu lưu thông trong tuyến ảnh hưởng nhiều tới sự thay đổi thể tích của tuyến giáp. Trong tuyến giáp có rất nhiều mạch máu, trung bình mỗi phút có tới 560ml máu chảy qua 100 gam tổ chức tuyến, đứng hàng thứ ba sau tim, gan và trên cả thận. Khi tuyến giáp to ra một phần hay toàn bộ do một nguyên nhân nào đó gây nên, sinh lý hoặc bệnh lý, người ta thường gọi là bướu cổ hay bướu giáp, ở viện ung bướu gọi là u giáp.
Theo PGS.TS.BS Nguyễn Hoài Nam (trường ĐH Y dược TP.HCM), tuyến giáp có ảnh hưởng rất lớn trên chuyển hóa cơ bản của cơ thể. Các hormone tuyến giáp làm gia tăng mức độ tiêu thụ oxy, từ đó làm gia tăng chuyển hóa cơ bản. Hiện tượng này thấy rất rõ trong bệnh basedow (bướu cổ), đi kèm với tăng chuyển hóa cơ bản là gia tăng thân nhiệt, làm cho người bệnh luôn cảm thấy nóng nực và không dung nạp với nhiệt độ. Việc giảm sức cản ngoại vi do tác dụng vận mạch của hormone tuyến giáp đi kèm với gia tăng nhịp tim đưa đến tăng tần số tim, áp lực mạch và rút ngắn thời gian tuần hoàn. Bệnh cũng ảnh hưởng lên trên chuyển hóa chất đạm: làm gia tăng sự phân hóa chất đạm, làm cơ thể gầy mòn, bệnh nhân sụt cân nhanh chóng. Tuy nhiên trong một số trường hợp hiếm gặp chúng ta có thể thấy hiện tượng trái ngược: chất mỡ ứ đọng và làm bệnh nhân béo phì.
Qua thực tế lâm sàng, GS Nguyễn Khánh Dư cho rằng, bướu lành tuyến giáp gặp nhiều nhất (75,6%), ung thư tuyến giáp là ít gặp hơn cả.
Khi nào phải mổ?
Theo PGS.TS.BS Nguyễn Hoài Nam, trên thực tế điều trị ngoại khoa là giai đoạn nối tiếp sau khi điều trị nội khoa không có kết quả. Trên cơ sở đó việc điều trị bằng phẫu thuật được đề nghị trong một số trường hợp sau đây:
Tất cả các loại bướu giáp trong bảng phân loại trên đều có chỉ định điều trị ngoại khoa, nếu điều trị nội khoa bảo tồn và điều trị bằng iode đồng vị phóng xạ không có kết quả.
Bướu giáp thể nhân nhu mô cần cắt bỏ sớm vì dễ ung thư hóa, nhất là ở bệnh nhân nam trên 40 tuổi.
Các loại bướu giáp thể nang to nhanh chứa đầy máu và các bướu chìm sau xương ức, có kèm theo các dấu hiệu chèn ép rõ rệt các cơ quan trong trung thất hoặc đe dọa vỡ.
Các u độc tuyến giáp với các dấu hiệu rối loạn chức năng rõ rệt.
Ung thư tuyến giáp giai đoạn đầu.
Basedow đã ổn định.
Basedow chưa ổn định nhưng có các cơn độc giáp trạng, chèn ép gây khó thở... Tuy nhiên, để phẫu thuật được an toàn cần chuẩn bị bệnh nhân tốt trước khi phẫu thuật.
Trong một số trường hợp đặc biệt vì lý do thẩm mỹ, kinh tế, xã hội... nhất là ở những bệnh nhân nữ trẻ tuổi, việc mổ bướu cổ sớm sẽ giúp bệnh nhân bớt đi sự mặc cảm trong cuộc sống.
(Theo Yên Minh // Thanhnien Online)