Món ngon thường là món độc! Thậm chí nếu hợp khẩu vị thì thực khách khen thơm đáo để cho dù món ăn có mùi khó thương như mắm, như sầu riêng.
Đã vậy lại thêm khung cảnh khi ăn, bằng hữu cùng bàn cũng quan trọng không thua món ngon. Bằng chứng là tết mà thiếu cảnh đoàn tụ bên mâm cơm thịt mỡ dưa hành, thiếu mâm ngũ quả, thiếu khay bánh mứt, thiếu bánh tét bánh chưng thì còn gì là tết.
Từ Bắc vào Nam đâu đâu cũng thế, giàu nghèo cũng vậy, người người đều hăm hở ăn tết. Ấy thế mà cũng có nhà khoa học báo động về tác hại của chuyện ăn uống trong ba ngày tết khiến bệnh tiểu đường bộc phát, huyết áp tăng vọt hay khớp xương đau hơn dao cắt vì bệnh gút! Cũng chính vì thế mà báo tất niên hay bàn chuyện kiêng khem thế nào trong ba ngày tết. Kẹt một nỗi là mấy ai sẵn lòng kiêng cữ khi nàng xuân thấp thoáng ngoài ngõ?
Không sai là thịt kho nước dừa tăng mỡ trong máu. Nếu tính thêm phần muối trong dưa hành thì khỏi nói cũng biết huyết áp thừa thắng xông lên như thế nào. Đúng là đường huyết khó giậm chân tại chỗ nếu gia chủ vừa mạnh miệng với lượng tinh bột trong bánh tét bánh chưng lại thêm tráng miệng toàn mứt bí, hạt sen ngọt lịm vì ướp đường mấy lớp. Càng đúng hơn nữa nếu khớp bỗng sưng đỏ hơn tôm luộc vì lượng acid uric trong rượu bia tích lũy trong máu đông hơn người xem chợ hoa. Nhưng không lẽ vì thế mà nhịn ăn trong ba ngày tết? Không lẽ vì quá sợ bệnh mà biến ba ngày đầu năm thành dịp ăn chay?
Dưới góc nhìn “bới lông tìm vết” lại thêm thói quen “quét nhà ra rác”, nhiều chuyên gia ngành dinh dưỡng chắc chắn nhảy dựng la làng khi phân tích các món ăn truyền thống trong dịp tết của xứ mình. Cách mấy cũng có nhà khoa học dẫn chứng về hàm lượng của chất đường, chất béo, chất đạm gốc động vật thấy mà ghê trong bốn chữ “thịt mỡ dưa hành” cũng như trong thói quen “chén chú chén anh”, cứ như xưa nay ai mạnh miệng ăn tết sau đó đều... bệnh! Các nhà khoa học quá trọng lý thuyết đã bỏ sót một yếu tố quan trọng khiến nhiều người tuy ăn tết như cả năm chưa ăn nhưng vẫn khỏe re. Đó là yếu tố tinh thần. Đừng quên là cũng chính các nhà khoa học đã chứng minh người có thừa nội tiết tố endorphin sản sinh từ tâm trạng sảng khoái là đối tượng ít bị xơ vữa mạch máu cho dù ăn uống không kiêng cữ.
Nhưng nói thế không có nghĩa là ăn uống thả giàn sau khi rước ông bà để rồi trong ba ngày tết phải mời xe cấp cứu. Vấn đề quanh đi quẩn lại chỉ là nên ăn ra sao để sau đó bước vào năm mới vẫn còn khỏe re. Muốn vậy cần nhớ nằm lòng vài nguyên tắc tương đối đơn giản:
• Tránh già néo đến độ đứt dây vì quá nhiều bữa ăn đánh bồi liên tục. Trái lại, cứ lựa món nào ngon nhất nhưng cương quyết theo tiêu chí “miếng khi đói bằng gói khi no”.
• Đừng bao giờ nhậu mà không ăn vì độ cồn, dù chỉ trong vài ly bia, khi đó thừa sức xơi tái lá gan.
• Pha loãng chất đường trong bánh mứt, chất béo trong thịt mỡ bằng lượng nước ngay trong bữa ăn, càng nhiều càng tốt.
• Đừng ăn một lần quá nhiều tinh bột và chất đường, chẳng hạn vừa xong đòn bánh tét lại tráng miệng ngay bằng mứt, chè.
• Giảm rượu bia cữ tối vì lá gan bao giờ cũng thấm mệt sau 19g.
• Phối hợp các loại trà dược thảo có công năng lợi mật, lợi tiểu, nhuận trường như atisô, râu mèo, râu bắp, linh chi... càng thường càng tốt trong ba ngày tết, thậm chí trước đó và sau tết cả chục ngày càng hay.
• Vận động cho thường trước và sau bữa ăn thay vì bình chân như vại chờ... thầy thuốc!
• Quan trọng không kém là người bị cao huyết áp, bệnh tiểu đường, bệnh gút... đừng quên uống thuốc đúng giờ.
Trong ngôn ngữ nước mình làm gì có tiếng... nhịn tết! Ăn tết thì có, thậm chí có người hết tết vẫn còn ăn! Lễ quanh năm không bằng ba ngày tết. Nhưng mặt khác, ăn tết đến ngã bệnh thì đúng là vụng về. Trái lại, ăn vẫn ăn nhưng khéo liệu cơm gắp mắm thế nào để giọt nước đừng tràn ly chính là giải pháp cho người không muốn chưa ra giêng đã phải lì xì thầy thuốc.
Theo phong tục xứ mình, trong ba ngày xuân bao giờ cũng có lắm điều kiêng cữ trong phong cách ứng xử. Kiêng gì tùy người trong cuộc, nhưng tính lại cho cùng ăn tết gọi là đúng nghĩa vui xuân khi làm sao kiêng cho bằng được chỉ mỗi một thứ. Đó là kiêng... thầy thuốc!
(Theo tinsuckhoe.com)