Những lo toan của đời thường tăng lên với cái lạnh của những ngày cuối năm làm cho nhiều người có thể bị đột quỵ. Tuy chưa có một công trình nghiên cứu khoa học về chuyện này, nhưng với kinh nghiệm dân gian và những cảm nhận của hơn hai chục năm làm nghề thầy thuốc, chúng tôi thấy đây là một hiện tượng có thật, cần phải được quan tâm.
Nói chung, đột quỵ có thể xảy ra ở bất kỳ ai và bất kỳ tuổi nào. Tuy nhiên, các chuyên gia y tế dựa trên nhiều công trình nghiên cứu khoa học cũng đã thấy rằng tỷ lệ người bị đột quỵ gia tăng ở nhóm những người có nguy cơ cao. Vậy những người dễ bị đột quỵ là ai?
Trước tiên, đó là người lớn tuổi, hiện trên 70 tuổi; bệnh nhân bị cao huyết áp mà không biết hoặc không được điều trị triệt để; bệnh nhân bị tiểu đường, đặc biệt là tiểu đường type 2; bệnh nhân bị xơ vữa động mạch, rối loạn chuyển hóa mỡ; người bị bệnh tim, nhất là bị bệnh van tim. Ở những bệnh nhân này, các cục máu đông hình thành trong buồng tim có thể đi lên làm tắc mạch não trong một buổi sáng đẹp trời nào đấy; người hút nhiều thuốc lá, lạm dụng bia rượu, béo phì và ít vận động.
Sơ cứu có một vai trò rất quan trọng
Khi gặp người bị đột quỵ, chúng ta phải nhanh chóng thực hiện một số điều sau: Đỡ người bệnh không cho bị té, vì bị té sẽ thêm tổn thương làm cho nạn nhân nặng hơn; để nạn nhân nằm nghiêng qua một bên, cho ói hết ra, móc đàm để dễ thở; đưa ngay người bệnh tới một cơ sở y tế gần nhất. Tuy nhiên, trừ trường hợp những bệnh nhân nặng, cơ sở y tế ở xa thì việc chuyển bệnh nhân đi cũng phải cân nhắc vì có thể làm nặng thêm tình trạng bệnh lý và có thể tử vong trên đường chuyển bệnh; không tự ý sử dụng thuốc hạ huyết áp nếu không có chỉ định của thầy thuốc vì có thể làm nặng thêm tình trạng bệnh; đặc biệt là không được cạo gió, cúng vái hay cắt lể - một thói quen dân gian rất nguy hiểm.
Phòng ngừa thế nào cho hiệu quả?
Nên khám và kiểm tra sức khỏe định kỳ mỗi 3 đến 6 tháng. Hiện nay có khá nhiều bệnh viện và phòng khám đa khoa thuộc hệ thống y tế tư nhân đã triển khai những hình thức khám kiểm tra sức khoẻ trọn gói cho từng đối tượng, ở mỗi lứa tuổi và tùy giới nam hay nữ.
Thực tế, chúng tôi đã thấy với những đối tượng là doanh nhân trên 40 tuổi trở lên, khám kiểm tra sức khỏe định kỳ giúp phát hiện rất nhiều bệnh trong đó có cao huyết áp, bệnh tim mạch, rối loạn chuyển hóa lipide, tiểu đường... là những yếu tố nguy cơ cao có khả năng gây ra đột quỵ.
Trên cơ sở khám bệnh định kỳ, tầm soát các rối loạn và các yếu tố nguy cơ này. Người thầy thuốc của bệnh nhân sẽ có những điều trị và các lời khuyên thích hợp cho mỗi bệnh nhân.
(Theo PGS TS. Nguyễn Hoài Nam (Đại học Y dược TP.HCM) // Báo Bình Dương)