Rong kinh là tình trạng ra máu nhiều hoặc kéo dài (trên 7 ngày) trong chu kỳ kinh hàng tháng. Rong kinh có thể không gây hại nhưng cũng có thể là dấu hiệu của một rối loạn sức khỏe nghiêm trọng.
Nguyên nhân
Một số bệnh ẩn dưới có thể gây rong kinh, như u xơ tử cung. Nếu bạn lo ngại về tình trạng rong kinh của bạn, hãy đi khám bệnh để loại trừ khả năng u xơ tử cung.
Các bệnh khác có thể gây rong kinh bao gồm:
· Không rụng trứng trong chu kỳ kinh
· Polyp nội mạc tử cung
· Ung thư nội mạc tử cung
· Tăng sản nội mạc tử cung
· Chức năng tuyến giáp hoặc tuyến yên bất thường
· Thay đổi nồng độ hóc-môn, chẳng hạn khi bị mãn kinh
· Thay đổi thuốc tránh thai
· Bệnh viêm tiểu khung hoặc các nhiễm trùng khác
Những thay đổi trong lối sống và thói quen ăn uống, stress, tăng hoặc giảm cân nhiều, đi du lịch, tập luyện quá mạnh, phẫu thuật hoặc mới bị chấn thương cũng có thể gây rong kinh.
Một số phụ nữ có thể bị rong kinh sau khi sinh một hoặc vài con.
Khi nào cần đi khám bệnh
Thường thì chu kỳ kinh sẽ thay đổi theo thời gian, vì vậy không cần phải đi khám nếu chỉ có một chu kỳ bị rong kinh. Nên đi khám khi có 3 chu kỳ rong kinh nhiều hoặc kéo dài bất thường.
Điều trị
Nếu đã loại trừ các bệnh khác và bạn vẫn bị rong kinh, có một số lựa chọn mà bạn nên cân nhắc. Hãy hỏi bác sĩ liệu bạn thay đổi lối sống và thói quen ăn uống có làm giảm rong kinh không hoặc cân nhắc dùng thuốc. Có nghiên cứu cho rằng viên progestogen đường uống thường được dùng để điều trị rong kinh. Sẽ hiệu quả hơn nếu phân phối hóc-môn progestogen levonorgestrel tổng hợp qua dụng cụ tử cung (IUD). Nghiên cứu khác cho thấy dùng thuốc chống viêm không steroid không cần đơn như ibuprofen và naproxen, có thể làm giảm 60% lượng máu mất trong chu kỳ kinh.
Một lựa chọn mới có kết quả tương tự dùng các thuốc chống viêm không steroid là axít tranexamic, được Cơ quan Quản lý Thuốc và Thực phẩm Hoa Kỳ phê chuẩn cuối năm 2009. Tuy nhiên, axít tranexamic có một số tác dụng phụ, nên chỉ được dùng sau khi đã thảo luận và có đơn kê của các bác sĩ sản-phụ khoa.
Trường hợp rong kinh nặng, bác sĩ có thể cân nhắc phẫu thuật cắt tử cung (nếu bạn đã có con và không muốn sinh thêm con), cắt đốt nội mạc tử cung (nếu bạn không dự định có con trong tương lai). Cả hai phương pháp điều trị này đều rất nghiêm trọng nên bạn và bác sĩ phải cân nhắc rất cẩn thận.
Thạc sĩ – Bác sĩ Vũ Tuyết Mai
(Theo Tiền phong)