Nhiều người giúp đỡ bệnh nhân cảm lạnh bằng cách cố làm ấm tay chân. Việc này rất nguy hiểm, có thể dẫn đến tử vong.
Cảm lạnh (nhiễm lạnh) là biến cố lạnh một phần hoặc toàn bộ cơ thể do tác dụng kéo dài của nhiệt độ dưới ngưỡng bình thường (-10 độ C đến 10 độ C). Ở trong môi trường lạnh thời gian dài, cơ thể không điều chỉnh nhiệt được, dẫn đến giảm nhiệt độ cơ thể. Các nguyên nhân khác bao gồm quần áo ướt, không trùm đầu, mặc quần áo không đủ ấm trong mùa lạnh, rơi vào nước lạnh... làm thân nhiệt giảm xuống dưới 35°C.
Các triệu chứng cảm lạnh: Rùng mình, nói líu nhíu, thở chậm một cách bất thường, da lạnh tái, mất phối hợp vận động, mệt, ngủ lịm, lãnh đạm. Người lao động ngoài trời, người già, trẻ em, người gầy, trẻ sơ sinh là nhóm có nguy cơ bị nhiễm lạnh cao khi tiếp xúc với nhiệt độ lạnh.
Không nên làm ấm tay chân
Khi thấy có người bị cảm lạnh, những việc cần làm ngay là gọi cấp cứu và theo dõi nhịp thở, nếu có ngưng thở thì thực hiện hô hấp nhân tạo ngay. Di chuyển bệnh nhân ra khỏi chỗ lạnh; nếu không thể mang vào nhà thì bảo vệ bệnh nhân tránh gió, phủ kín đầu, cởi bỏ quần áo ướt (nếu có).
Không dùng nước nóng, miếng sinh nhiệt hoặc đèn tỏa nhiệt để làm ấm bệnh nhân, thay vào đó bằng áp gạc ấm vào cổ, thành ngực, háng.
Đừng cố gắng làm ấm tay chân vì nhiệt sẽ đẩy máu lạnh về tim, phổi và não, tiếp tục làm giảm nhiệt cơ thể nên có thể dẫn đến tử vong.
Đừng làm ấm bằng cách cho bệnh nhân uống rượu. Không massage hoặc chà xát cho nạn nhân mà chỉ sơ cứu nhẹ nhàng vì bệnh nhân có nguy cơ ngưng tim.
Đừng đánh gió mạnh
Mục đích của đánh gió là đem khí nóng vào cơ thể ngay trên kinh thái dương để cho thấm qua da. Vật liệu gồm một đồng xu tròn (hoặc thìa kim loại cạnh tròn, không bén), một chai dầu (cù là, dầu nóng...). Có thể dùng củ gừng tươi thay thế cho dầu.
Bôi dầu và dùng tay chà xát dọc hai bên cột sống, cổ, vai, rồi dùng cạnh của đồng xu hoặc thìa chà vào vùng đó theo chiều lên hoặc xuống, chà nhiều lần cho đến khi mặt da nóng lên, cơ thể mất cảm giác ớn lạnh và đau nhức cổ gáy.
Nhiều người quan niệm phải chà xát thật mạnh cho tới khi vùng đánh gió bầm tím lên thì mới tốt. Quan niệm này là sai lầm và vô tình đã gây nên xuất huyết dưới da.
Nếu dùng củ gừng tươi thay thế dầu thì nên chọn củ to, rửa sạch, cho vào cối giã nhuyễn (cả vỏ), vắt nước cốt lên vùng cần đánh gió rồi dùng bã chà xát cho đến khi người nóng lên. Dùng khăn khô lau sạch bã gừng. Vùng cơ thể được chà xát sẽ nóng ấm lên rất dễ chịu mà sau đó vùng da tại chỗ sẽ không bị lạnh như một vài loại dầu nóng khác.
Ba biện pháp phòng cảm lạnh hữu hiệu
- Không ở lâu trong môi trường lạnh từ 15 độ C trở xuống. Khi nhiệt độ môi trường từ 10 độ C trở xuống, không nên ra ngoài trời nếu không thật cần thiết.
- Mặc ấm, đội mũ, đi găng, tất đủ chống rét. Tuyệt đối không mặc quần áo ướt.
- Ăn uống no và đầy đủ các chất dinh dưỡng, bổ sung vitamin và khoáng chất để tăng cường chuyển hóa. Dùng đồ ăn, thức uống có tính cay, nóng như thịt bò, thịt chó, thịt dê, gừng, ớt, hạt tiêu... để giữ ấm cơ thể.
Theo NLĐ