Hỏi: Nước bị cứng, phèn có ảnh hưởng gì đến sức khỏe? Có cách nào làm nước đỡ cứng, phèn không thưa bác sĩ?
Phan Văn Ngọc (Phường 9, TPTuy Hòa)
Trả lời: Nước có nhiều chất sắt, dân gian gọi là nước bị phèn. Sự có mặt của chất sắt trong nước không ảnh hưởng đến sức khoẻ, tuy nhiên ở hàm lượng cao, gây khó chịu cho người dùng nước, vì chất sắt làm cho nước có vị tanh kim loại, để lại các vết rỉ trên áo quần, pha chè mất hương vị. Tiêu chuẩn chất sắt trong nước uống không quá 0,5 mg/lít.
Độ cứng trong nước hình thành bởi sự hòa tan các cation Canxi, Magiê, và Mangn. Độ cứng trong nước tùy thuộc vào pH, độ kiềm của mẫu nước.
Tương tự như chất sắt, canxi trong nước không ảnh hưởng đến sức khỏe, trái lại đó là một nguồn cung cấp canxi cho cơ thể, ở nhiều vùng có lượng canxi trong nước thấp thì tỉ lệ sâu răng ở trẻ em thường cao. Tuy nhiên trong nước sinh hoạt, có nhiều canxi quá sẽ trở ngại lớn. Vì tạo nên kết cặn ở các dụng cụ nấu, tốn nhiều xà phòng khi giặt áo quần, luộc rau lâu chín. Đối với các vùng có bệnh bướu cổ, nước dùng để ăn uống phải có độ cứng thấp, vì canxi ngăn chặn tuyến giáp sử dụng iốt, do đó làm cho bệnh bướu cổ phát triển.Tiêu chuẩn độ cứng (tính theo mg CaCO3/lít) không quá 350. Hàm lượng từ 0-60 mg/l: nước mềm; 60 - 120 mg/l: nước cứng vừa; 120- 180 mg/l: nước cứng; > 180 mg/l: nước rất cứng. Nước quá cứng nên tìm nguồn khác thay thế.
Khi còn ở trong mạch nước chất sắt ở dạng hòa tan: sắt hydrocarbonat [Fe(HCO3)2] hay FeSO4, nhưng khi nước từ mạch chảy vào giếng, một thời gian sẽ chuyển thành dạng hydroxyt sắt III [Fe(OH)3] và kết tủa thành các hạt oxyt sắt (Fe2O3) lơ lửng trong nước, làm nước giếng đục có màu vàng.
Muốn loại chất sắt ra khỏi nước, cần phải loại các hạt oxyt sắt thì nước sẽ trong, hết màu vàng. Để thực hiện khâu này, cần phải lọc nước qua hệ thống sỏi, cát.
Xây gần giếng một bể lọc và một bể đựng nước đã lọc. Bể lọc chia thành hai bể: một bể lọc phụ và một bể lọc chính. Trong bể lọc phụ chỉ đặt một lớp sỏi lớn, nếu nước giếng có nhiều chất sắt, thì thay sỏi lớn thành vôi sượng (vôi chưa chín trên miệng lò vôi). Trong bể lọc chính, lọc đặt từ dưới lên trên: một lớp sỏi nhỏ 30 cm, một lớp cát vàng 30 cm.
Tất cả vật liệu lọc phải được rửa sạch rồi mới sắp vào bể lọc. Nước giếng được đổ vào bể lọc phụ trước khi qua lớp sỏi lớn, nhờ cơ chế oxy hóa, sắt hai ở dạng hòa tan biến thành sắt ba kết tủa và nếu là vôi sượng thì sự tạo thành sắt ba nhanh hơn nhờ tác dụng của vôi và hydroxytcarbonat sắt.
Fe(HCO3)2 + Ca(OH)2Ca(HCO3)2 + Fe(OH)2
4Fe(OH)2+ O2+H2OFe(OH)3
2Fe(OH)3Fe2O3 + 3H2O
Sau khi nước qua lớp cát thì hầu hết chất sắt (Fe2O3) được loại bỏ.
(Theo Phu Yen online)