Các cơ quan chức năng đã khuyến cáo: ăn uống không vệ sinh là điều kiện để dịch tả lây lan. Thế nhưng hình như không ai quan tâm đến khuyến cáo này, ngay cả những nơi đã có người mắc bệnh tả - cụ thể là các trường học.
Khu vực trước trường có HS mắc tả
![]() |
Học sinh ăn uống bát nháo trước cổng trường THCS Hà Huy Tập (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) - Ảnh: Minh Nam |
Ngôi trường chúng tôi đến đầu tiên là trường THCS Hồng Bàng (Q.5, TP.HCM) - nơi vừa có một nữ sinh lớp 8 mắc bệnh tả; và thức ăn hàng rong trước khu vực trường này được cho là "thủ phạm" khiến 3 người khác ở Q.8 mắc bệnh tả phải nhập viện. Theo ghi nhận của chúng tôi, tình trạng buôn bán thức ăn trước cổng trường vẫn diễn ra như trước khi xảy ra dịch bệnh. Học sinh (HS) tan trường, thậm chí cả phụ huynh khi đứng chờ đón con em vẫn vô tư "chén" các món, từ súp cua, há cảo, cá viên chiên… của những xe đẩy, gánh hàng rong trông rất không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP).
Nhìn cảnh những người bán dùng tay không (tay trần), móng tay sơn xanh, sơn đỏ bốc, hốt thức ăn cho khách, chúng tôi không khỏi ái ngại. "Không có gì đâu anh chị ơi, tại đứa HS ấy nó xui xẻo đó thôi, chứ tui bán ở đây bao năm rồi có thấy đứa nào dính bệnh tả tiết chi đâu", một người bán hàng rong vừa cắm cá viên chiên vào que đưa chúng tôi, vừa nói như để trấn an thực khách.
Cần nói thêm, trước đó, một nhóm chị em đến ăn uống hàng rong trước cổng trường này, sau khi ăn, 3 người bị đau bụng, tiêu chảy, trong đó 2 người phải nhập viện, và được chẩn đoán mắc bệnh tả. Cơ quan y tế đã đến đây điều tra dịch tễ, khử khuẩn khu vực trường học, và đưa ra cảnh báo: "thủ phạm" phát tán bệnh tả là thức ăn hàng rong không đảm bảo vệ sinh bán trước khu vực trường này.
Trước tình trạng xảy ra nhiều ca bệnh tả trong những ngày qua, Sở Y tế TP.HCM vừa yêu cầu các đơn vị y tế quận, huyện tăng cường kiểm tra về điều kiện vệ sinh của thực phẩm hàng rong, xe đẩy trước các cổng trường học. Sở cũng đã phối hợp cùng Sở Giáo dục - Đào tạo TP để tuyên truyền khuyến cáo các phụ huynh đảm bảo VSATTP cho HS, không để các em ăn uống hàng rong, đặc biệt trong thời điểm bệnh tả đang diễn ra, và các bệnh lây qua đường tiêu hóa đang gia tăng trên địa bàn TP… |
Món khoái khẩu... mất vệ sinh
Trước tình trạng xảy ra nhiều ca bệnh tả trong những ngày qua, Sở Y tế TP.HCM vừa yêu cầu các đơn vị y tế quận, huyện tăng cường kiểm tra về điều kiện vệ sinh của thực phẩm hàng rong, xe đẩy trước các cổng trường học. Sở cũng đã phối hợp cùng Sở Giáo dục - Đào tạo TP để tuyên truyền khuyến cáo các phụ huynh đảm bảo VSATTP cho HS, không để các em ăn uống hàng rong, đặc biệt trong thời điểm bệnh tả đang diễn ra, và các bệnh lây qua đường tiêu hóa đang gia tăng trên địa bàn TP…
Thời gian gần đây, "bánh tráng trộn" được xem là món "khoái khẩu" của HS và cả SV. Hầu như trước các cổng trường nào cũng có người bán thức ăn này. Theo ghi nhận của chúng tôi, phần lớn những người bán món bánh tráng trộn xách từng bịch ni-lông đựng các nguyên liệu chế biến, đem đến trước các cổng trường vào trước giờ nhập học, hay tan trường, ngồi xuống đất bày biện các gia vị chế biến ra, nào là bột tôm, xoài sống bào, khô bò đen, tôm khô, dầu, ớt, rau răm… rồi tay không cầm bánh tráng cắt, bốc các nguyên liệu nhồi trộn, và cho vào từng túi ni-lông nhỏ, bán với giá 5.000 đồng/bịch. Tan lớp, hầu như HS nào (nhất là HS nữ) cũng chọn món ăn này. Có em mua ăn giấu cha mẹ; nhưng cũng có những bà mẹ tự mua cho mình và cả cho con ăn.
Trước cổng trường Tư thục Vạn Hạnh (Q.10) vào giữa buổi trưa nắng nóng, đầy bụi đường nhưng đúng giờ tan học, các tốp HS chạy ùa ra hai điểm bán món bánh tráng trộn đặt trên vỉa hè ngay trước cổng trường, khiến các chị bán hàng không kịp chế biến. Cạnh đó là những chiếc xe đẩy bán xoài, me, cóc, ổi ngâm nước màu, mà các nữ sinh rất hay dùng.
Trước khu vực trường THCS Tân Bình (Q.Tân Bình) cũng vậy, đoạn đường gần ngã ba Cách Mạng Tháng Tám - Phạm Văn Hai luôn đông đúc, tấp nập, cộng với việc đào bới thi công của "lô cốt" khiến môi trường nơi đây bụi bặm, ô nhiễm. Thế nhưng các gánh hàng rong, xe đẩy bán các món bánh tráng trộn hoạt động rôm rả; cùng các loại thức uống pha màu xanh đỏ, trà trân châu… cũng được bày bán chen chúc giữa dòng xe cộ, khói bụi.
Đủ món: phá lấu, bắp xào, cá viên chiên...
Đảo qua trường THCS Hà Huy Tập (Q.Bình Thạnh) chúng tôi cũng bắt gặp tình trạng tương tự, vỉa hè đường Phan Đăng Lưu ở khu vực này, từ lâu đã bị hàng rong chiếm hết làm nơi buôn bán. Cứ vào tầm 11-12 giờ trưa, khi HS tan học cũng là lúc khu vực nơi đây trở nên bát nháo, lộn xộn. Tấm bảng treo trước cổng trường "Cổng trường em sạch đẹp an toàn" có cũng như không. Vừa bước ra khỏi cổng trường, HS chạy ngay đến các xe đẩy hàng rong đang bày bán đủ loại thức ăn "bắt mắt" như: phá lấu, bắp xào, cá viên chiên, bột chiên, gỏi cuốn… Để giải cơn khát dưới cái nắng gay gắt, các em vô tư dùng các loại nước ngọt do người bán tự pha chế, với đủ màu xanh, đỏ, cam lòe loẹt…
Trước cổng trường THPT Võ Thị Sáu, nằm trên đường Đinh Tiên Hoàng (Q.Bình Thạnh) cũng không khá hơn, rất đông hàng rong, xe đẩy cung cấp thực phẩm cho HS. Nhưng một trong những nơi bát nháo nhất về hàng rong lại là trước cổng trường ĐH Sư phạm (TP.HCM), phía đường Nguyễn Văn Cừ (Q.5). Trước cổng trường này luôn túc trực "đội quân" bán món bánh tráng trộn; xe đẩy trái cây, và nhiều loại thực phẩm món ăn, thức uống khác, trông vừa lộn xộn, vừa mất vệ sinh và cản trở lưu thông. Khách hàng ở đây phần lớn là những… thầy cô giáo tương lai.
Bó tay?
Trao đổi với PV Báo Thanh Niên, tiến sĩ Bạch Văn Hợp, Hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm TP.HCM, nhìn nhận: "Chúng tôi nhận thấy nguy cơ về mất VSATTP của những món ăn trước cổng trường. Nhưng, phải nói, đây là "bài toán" khó mà trường chưa có cách nào giải quyết được. Trường cũng đã nhiều lần đề nghị, thậm chí ký kết với chính quyền, công an địa phương để hỗ trợ lập lại trật tự, tình trạng buôn bán không đảm bảo vệ sinh trước cổng trường… nhưng khổ nỗi, khi có lực lượng chốt, tuần tra thì sạch đẹp, nhưng khi các anh rút đi thì đâu lại vào đấy".
Anh H., bảo vệ trường Trần Bội Cơ (Q.5) thì tâm sự: "Thấy HS đứng ngoài đường ăn uống vừa mất vệ sinh, vừa gây ách tắc giao thông, nhà trường đã nhiều lần cử người ra mời những người bán thực phẩm hàng rong, xe đẩy đi bán ở nơi khác, nhưng không ai nghe, thậm chí có người còn chửi mắng anh em bảo vệ chúng tôi thậm tệ. Có người còn nói lại: chính quyền không đuổi, nhà trường lấy tư cách gì đuổi?!".
Ông Nguyễn Bá Hoàng, Hiệu trưởng trường THCS Hà Huy Tập cũng than: "Khổ lắm, nhà trường đã nhiều lần khuyến cáo phụ huynh về tình trạng mất vệ sinh từ các món ăn hàng rong, xe đẩy bán trước cổng trường, nhưng vẫn không có kết quả. Theo tôi, để giải quyết tình trạng này, cần có sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương, vì các hàng rong bày bán bên ngoài cổng trường, chỉ có chính quyền địa phương mới giải quyết được".
Ở góc độ chính quyền, ông Nguyễn Xuân Vĩnh, Phó chủ tịch UBND P.14, Q.5 (địa phương của trường Trần Bội Cơ) đã nhìn nhận, vấn đề VSATTP trước cổng trường là mối lo của địa phương. Thế nhưng, ông lại cho rằng: "Việc dẹp tình trạng buôn bán lộn xộn trước cổng trường là rất khó, vì phần lớn những người buôn bán trước cổng trường là dân nghèo địa phương. Nếu mạnh tay với họ thì đời sống họ càng khó khăn hơn (!?)".
Thêm nhiều trường hợp mắc bệnh tả Thông tin từ Sở Y tế TP.HCM hôm qua cho biết, có thêm 2 trường hợp dương tính với phẩy khuẩn tả. Đó là bệnh nhân T.V.E (26 tuổi) và con trai T.V.L (18 tháng tuổi). Bố con anh T.V.E sinh sống trên ghe số 2 tại khu vực tập trung 14 ghe (với 51 người) neo đậu trên sông (thuộc đường Trần Xuân Soạn, P.Tân Thuận Tây, Q.7). Hiện T.V.E đang điều trị tại Bệnh viện Nhân dân 115. Ngoài ra, ở khu ghe này còn có 2 trường hợp bị tiêu chảy, nghi ngờ mắc tả là Đ.T.T.H (19 tuổi) và C.T.B.M (9 tháng tuổi), đang được chữa trị ở Bệnh viện Q.7. Như vậy, đến nay tại TP.HCM đã có 7 trường hợp mắc bệnh tả. *Cục Y tế dự phòng và môi trường, Bộ Y tế hôm qua chính thức xác nhận về ổ dịch tả bùng phát tại Hải Dương. Từ ngày 14 - 18.4, tại thôn Me Trai, xã Vĩnh Hồng, H.Bình Giang đã ghi nhận hơn 30 trường hợp tiêu chảy cấp, trong đó 5 trường hợp xét nghiệm dương tính với phẩy khuẩn tả. Điều tra dịch tễ ban đầu cho thấy, ổ dịch bùng phát sau một bữa ăn uống tập trung đông người. (T.Tùng - L.Châu) |
(Theo Thanh Niên)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |