Nấm bàn chân thường tác động tới khoảng giữa các ngón chân, nhưng có thể lan tới móng chân, gan bàn chân và mu bàn chân. Nhiễm nấm cũng có thể xuất hiện ở gan bàn tay, bẹn hay nách.
Mặc dù chủ yếu xuất hiện ở người lớn, nhưng nấm bàn chân cũng có thể tác động đến trẻ em.
Dấu hiệu và triệu chứng
Có nhiều dấu hiệu và triệu chứng của nấm bàn chân, nhưng bạn có thể không mắc phải tất cả trong số chúng:
· Ngứa, nhức và nóng ở giữa các ngón chân, đặc biệt là ngón thứ 4 và ngón thứ 5.
· Ngứa, nhức và nóng ở gan bàn chân.
· Phồng giộp da.
· Ngứa và tróc da, đặc biệt là giữa các ngón chân và gan bàn chân.
· Mùi khó chịu
· Da dày
· Móng trở nên dày, dễ gãy, dễ xước, đổi màu hoặc bị bật móng.
Điều trị
Nếu bị nhẹ, bác sĩ có thể khuyên bạn dùng thuốc chống nấm tại chỗ không cần đơn dạng mỡ, dung dịch, bột hoặc xịt. Hầu hết nhiễm trùng đáp ứng tốt với các thuốc dùng tại chỗ này.
Nếu bạn bị nhiễm nấm nặng hoặc không đáp ứng với thuốc dùng tại chỗ, bác sĩ có thể kê cho bạn thuốc uống.
Bác sĩ có thể kê kháng sinh đường uống nếu bạn có nhiễm khuẩn đi kèm.
Trong quá trình điều trị, nếu bạn đột ngột ngừng thuốc khi thấy triệu chứng thuyên giảm, bệnh có thể nặng trở lại. Vì vậy, để bệnh khỏi hoàn toàn, bạn cần tuân thủ phác đồ và thời gian điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ.
Phòng ngừa
Những lời khuyên dưới đây có thể giúp bạn phòng tránh nấm bàn chân hoặc làm giảm các triệu chứng nếu bị nhiễm nấm:
· Giữ cho chân bạn luôn khô, đặc biệt là giữa các ngón chân.
· Đi tất được làm từ nguyên liệu tự nhiên như là cotton hay sợi.
· Thay tất thường xuyên. Nếu chân bạn ra nhiều mồ hôi, thay tất 2 lần/ngày.
· Đi giầy nhẹ, thoáng. Tránh đi giầy làm từ chất liệu tổng hợp như nhựa vinyl hay cao su.
· Đi xen kẽ hai đôi giầy để chúng có thể khô trong vòng 2-3 ngày.
· Đi dép không thấm nước trong phòng tắm công cộng, bể bơi, trung tâm thể hình và những khu vực công cộng khác.
· Dùng thuốc chống nấm hàng ngày.
· Không mượn giầy.
(Theo Thạc sĩ - Bác sĩ Vũ Tuyết Mai // Tiền phong)