Từ lâu, rau má đã được dùng làm rau ăn, nước giải khát và làm thuốc chữa nhiều bệnh.
Rau má có nhiều tác dụng chữa bệnh |
Theo Đông y, rau má có vị đắng, mùi thơm, tính mát, có tác dụng thanh huyết, giải nhiệt, nhuận gan, cầm máu, sát khuẩn, tiêu độc, lợi tiểu... được dùng để chữa nhiều bệnh thuộc gan, huyết, chảy máu cam, kiết lỵ, táo bón, mụn nhọt, nhưng tác dụng chủ yếu vẫn là giải nhiệt, giải độc, lợi tiểu.
Liều dùng mỗi ngày 30 - 40g rau má tươi, hoặc 12 - 24g rau má khô, sắc uống. Ngoài dạng thuốc sắc người ta còn thường dùng nước ép rau má tươi: Lấy 30 - 40g rau má tươi (cả thân và lá), rửa sạch ép lấy nước hoặc giã nhỏ vắt lấy nước uống (nên cho thêm đường cho dễ uống). Dưới đây là một số bài thuốc đơn giản thường dùng.
1- Chữa mụn nhọt: Rau má 50g, lá gấc 50g. Cách dùng: Rửa cả hai thứ thật sạch, giã nhỏ, cho ít muối vào trộn đều, đắp lên chỗ đau rồi băng lại. Ngày thay thuốc hai lần. Đắp đến khi khỏi.
2- Chữa vàng da, vàng mắt: Rau má 50g, lá ngải cứu 50g. Đem hai thứ rửa sạch, đun nước uống hàng ngày.
3- Chữa kiết lỵ: Bài 1 (rau má 150g, muối ăn 10g). Rửa rau má thật sạch, để ráo nước, cho vào cối sạch, bỏ muối vào, giã thật nhỏ, sau chế thêm một bát nước sôi, quấy đều, để lắng, gạn lấy nước trong uống. Người lớn uống cả một lần, trẻ em tuỳ theo tuổi mà giảm liều lượng. Khi uống thuốc nên ăn cháo, kiêng các thứ khó tiêu, kiêng mỡ, các thức ăn tanh, cay, nóng; Bài 2, rau má, rễ cây ngải cứu, rễ cỏ may, rễ mơ lông, liều lượng bốn vị bằng nhau (khoảng 100g), sao vàng, hạ thổ, sắc uống ngày hai lần cho tới khi khỏi.
4- Chữa chảy máu cam: Rau má giã nhỏ, vắt lấy nước, uống mỗi ngày 2 - 3 lần trong 5 ngày liền.
5- Chữa sốt xuất huyết nhẹ tại nhà: Rau má 30g, cỏ nhọ nồi 30g, lá và bông mã đề 20g (hay lá cối xay, rễ cỏ tranh). Đem các vị rửa sạch, giã nhỏ, cho nước sôi vào vắt lấy nước uống, hoặc sắc uống
(Theo BS Hương Liên // Bee)