Hỏi: Tôi bị cao huyết áp, đi khám bệnh, xét nghiệm, bác sĩ bảo là bị rối loạn mỡ máu. Đây có phải là dư mỡ máu không, bệnh nguy hiểm như thế nào, có cần kiêng chất béo tuyệt đối không?
Nguyễn Văn Sang, Phường 5, TP Tuy Hòa)
Trả lời: Để đảm bảo cung cấp năng lượng cho các hoạt động bình thường và cung cấp các vật liệu cần thiết duy trì cấu trúc các cơ quan bộ phận trong cơ thể, cần có ba hệ thống chuyển hóa: hệ thống chuyển hóa protein (đạm), chuyển hóa gluxit (đường) và chuyển hóa lipid (mỡ). Ba hệ thống chuyển hóa này giúp cơ thể tiêu hóa, hấp thu các chất từ thức ăn hàng ngày sau đó phân phối, dự trữ và sử dụng theo đúng nhu cầu của cơ thể. Khi các thành phần mỡ vốn có trong máu thay đổi và vượt quá giới hạn bình thường, thì gọi là rối loạn mỡ trong máu. Nói theo cách dân gian là tăng mỡ trong máu hay cao mỡ trong máu, dư mỡ trong máu,… Khi có rối loạn mỡ trong máu, thường có sự gia tăng quá nhiều chất béo gây bệnh, cụ thể là những chất béo gây ra xơ vữa động mạch. Các chất béo này, đặc biệt là LDL - Cholesterol sẽ đọng lại, gắn vào thành mạch máu tạo thành những vệt mỡ, những mảng vữa xơ làm hẹp lòng mạch máu lại. Lòng các mạch máu bị hẹp sẽ làm giảm việc cung cấp máu cho các cơ quan quan trọng. Nếu giảm cung cấp máu cho tim thì sẽ bị bệnh thiếu máu cơ tim, nhồi máu cơ tim; nếu giảm cung cấp máu cho não thì sẽ bị tai biến mạch máu não như đột quỵ; nếu giảm cung cấp máu cho tay chân thì sẽ bị tê lạnh đầu ngón chân tay, đau buốt khi đi lại… Rối loạn mỡ trong máu không phải là nguyên nhân duy nhất hoặc trực tiếp gây ra các bệnh nói trên mà nó là một trong những yếu tố góp phần gây bệnh. Nghĩa là việc điều trị và phòng ngừa bệnh tim mạch bao gồm việc phát hiện và điều chỉnh tất cả các yếu tố nguy cơ có trên một bệnh nhân. Việc phân tích, nhận định các kết quả xét nghiệm mỡ máu cũng như mức độ cần can thiệp, những lời khuyên về chế độ ăn uống, thay đổi thói quen, lối sống và quyết định chọn lựa loại thuốc nào tốt nhất phải do bác sĩ điều trị quyết định. Ngoài việc dùng thuốc điều chỉnh lipid máu, cần bỏ thuốc lá, điều trị tăng huyết áp, điều trị đái tháo đường, giảm cân (nếu có) và tăng cường luyện tập thể dục, vận động, dưỡng sinh. Một khẩu phần ăn có tỷ lệ cân đối giữa đạm - đường - mỡ là cần thiết cho việc đảm bảo một chế độ dinh dưỡng hợp lý, đối với người bình thường cũng như người bị rối loạn mỡ máu, chứ không phải là kiêng chất béo tuyệt đối. BS ĐOÀN VĂN HẢI
(Theo Phú Yên Online)