Stress do công việc thường gây cảm giác kiệt sức, tự đánh giá thấp bản thân, tuyệt vọng, trầm cảm..., thậm chí tự tử; đồng thời liên quan đến các rối loạn trong nhiều chứng bệnh
Nhịp sống của xã hội hiện đại rất dồn dập và nhiều thách thức. Trong quá trình đối phó với nó, stress trong môi trường làm việc có thể nảy sinh. Stress xảy ra thường xuyên có tác hại khá nghiêm trọng đến sức khỏe và làm giảm chất lượng cuộc sống.
Nhiều nguyên nhân
Stress do công việc là những phản ứng có hại về mặt cảm xúc và cơ thể, xuất hiện khi yêu cầu của công việc vượt quá khả năng đối phó hay kiểm soát của bản thân. Đó cũng có thể là sự mất cân bằng gây căng thẳng quá mức giữa yêu cầu của công việc và cuộc sống cá nhân.
Nguyên nhân gây stress từ công việc được xác định là do những thay đổi về thời gian làm việc, nơi làm không ổn định (công ty dễ phá sản, sáp nhập), yêu cầu công việc cao (tăng năng suất, giảm chi phí...), thiếu nhân lực hay phương tiện, làm nhiều việc hay nhiều giờ... Môi trường làm việc đông người, ồn ào, nóng, không thoáng, nguy hiểm, không khí ô nhiễm, tư thế gò bó... cũng dễ gây ra stress. Ngoài ra, phong cách quản lý thiếu sự tham gia của nhân viên trong việc ra quyết định, các bộ phận trong đơn vị không liên kết với nhau, thiếu những chính sách tạo sự thân mật trong đơn vị, không quan tâm, bất tài, chuyên quyền, kiêu căng, không thể tiếp cận, không thành thật, đe dọa... cũng là nguyên nhân gây stress do công việc.
Những người làm nhiều việc, hoàn thành trong thời gian quá ngắn, ít khoảng nghỉ giữa giờ, thời gian làm việc quá dài, làm ca, việc đơn điệu không cần sử dụng đến kỹ năng hoặc quá nhiều xung đột, quá nhiều trách nhiệm, quá nhiều sếp chỉ huy... có nguy cơ đối diện với stress cao hơn người khác. Bên cạnh đó, công việc không ổn định, ít cơ hội thăng tiến, không học hỏi thêm được gì, thay đổi nhiệm vụ quá nhanh... cũng dễ gây ra stress.
Kiệt sức về thể chất lẫn tâm thần
Ngày nay, có khoảng 3/4 công nhân nghĩ rằng họ bị stress trong công việc nhiều hơn so với các thế hệ trước. Các vấn đề tại nơi làm việc liên quan rất chặt chẽ với chuyện sức khỏe, mạnh hơn cả các stress khác trong cuộc sống.
Triệu chứng sớm của stress do công việc thường là nhức đầu, rối loạn giấc ngủ, khó tập trung, dễ cáu kỉnh, khó chịu ở dạ dày, không hài lòng về công việc, xuống tinh thần. Stress dễ gây ra lo âu, mất tập trung chú ý, mất tự tin, mất động cơ làm việc, cảm giác thất vọng, dễ bị kích thích, dễ giận dữ, lạm dụng rượu hay chất gây nghiện, trầm cảm, tự tử. Đặc biệt, stress gây ảnh hưởng đến hiệu quả công việc hoặc làm tăng nguy cơ bị sai lầm, nhất là trong môi trường làm việc nguy hiểm hay cần duy trì sự chú ý cao độ. Stress trong công việc cũng làm ảnh hưởng đến các mối quan hệ với đồng nghiệp.
Nếu stress tại nơi làm việc không được giải quyết, dễ dẫn đến tình trạng kiệt sức liên tục về mặt thể chất và tâm thần, xuất hiện những cảm xúc tiêu cực như tự đánh giá thấp bản thân, cảm giác không ai có thể giúp mình được và tuyệt vọng. Những triệu chứng này sẽ dẫn đến các rối loạn mãn tính về sức khỏe, suy giảm trầm trọng khả năng tham gia cuộc sống hằng ngày. Những người bị stress trong công việc cũng thường để stress tác động tới đời sống gia đình do họ dễ bị kích thích, dễ giận, mất kiên nhẫn, buồn, kiệt sức, mất thích thú, quá mệt mỏi, giảm tình dục, ảnh hưởng đến sự chăm sóc con cái và đến quan hệ với các thành viên khác trong gia đình.
Về biểu hiện trên cơ thể, stress có liên quan đến các rối loạn như bệnh phổi, tim mạch, ung thư, tai nạn và tự tử, làm trầm trọng hơn các bệnh lý như loét dạ dày, tá tràng, suyễn, rối loạn tiêu hóa, rối loạn tình dục, rối loạn cơ xương...
Mỹ: 60%-80% tai nạn nghề nghiệp do stress
Thống kê tại Mỹ gần đây cho thấy có hơn 50% trong số 550 triệu ngày nghỉ việc của người dân nước này mỗi năm là do stress; gần 50% công nhân có triệu chứng kiệt quệ. Chi phí cho stress từ công việc là 300 tỉ USD/năm (nghỉ việc, giảm năng suất, thay người làm việc, khám bệnh, phí bảo hiểm... ). Đặc biệt, có tới 60%-80% tai nạn nghề nghiệp là do stress.
Còn tại Canada, khảo sát mới nhất ghi nhận có gần 50% người dân nước này cảm thấy bị stress do cố tìm cách cân bằng giữa công việc và cuộc sống riêng tư (10 năm trước tỉ lệ này là 27%).
( theo báo người lao động )