Tôi bị đau khớp và dùng thuốc giảm đau có steroid, sau một thời gian thấy trọng lượng cơ thể tăng gần 10kg. Xin hỏi tôi nên dùng thuốc và thực phẩm nào để giảm triệu chứng sưng đau khớp mà không bị tăng cân? Linh Hạnh (Đồng Nai)
Cơ chế tác dụng của thuốc NSAIDS lên ổ viêm khớp. |
Nếu tăng cân vì thuốc có nhân steroid thì có thể dùng loại thuốc không có nhân steroid, đó là cách để cơ thể không nhận thêm steroid.
Thuốc giảm đau không có nhân steroid (viết tắt là NSAID) là một trong số thuốc được kê đơn nhiều nhất, đặc biệt là cho những bệnh nhân có vấn đề như viêm khớp, viêm bao khớp, viêm dây chằng (hay còn gọi là viêm gân). Những thuốc được bán không cần đơn như ibuprofen, motrin, aleve hoặc cần có đơn như celebrex, daypro, relafen. Đó là những thuốc NSAID có tác dụng tốt để giảm đau và giảm sưng tấy (chống viêm).
Thuốc không có nhân steroid: Có tác dụng phong tỏa tác dụng của enzym có tên là cyclooxygenase; enzym này rất cần thiết để cơ thể tạo ra prostaglandine. Chính prostaglandine gây ra sưng và đau trong các bệnh như viêm khớp hay viêm bao khớp. Do đó, bằng tác động đến enzym cyclooxygenase mà sự tiết ra prostaglandine giảm đi, từ đó giảm đau và giảm sưng, hai dấu hiệu đi kèm với tiến trình viêm. Tuy nhiên, prostaglandine còn có nhiều chức năng khác trong cơ thể, ví dụ tiết ra niêm dịch để bảo vệ dạ dày; nếu sự tiết ra niêm dịch này giảm đi thì một số người có nguy cơ bị loét dạ dày. Thuốc mới như celebrex không ức chế các enzym có vai trò bảo vệ niêm mạc dạ dày, vì vậy thuốc ít nguy cơ gây ra loét dạ dày.
Ngoài ra, chế độ ăn hàng ngày cũng có thể giảm đau ở các khớp. Do mắc bệnh viêm xương khớp mạn tính, nhiều người bị đau và đơ cứng ở đầu gối. Các phương pháp điều trị gồm tập thể dục, giảm cân thừa, tiêm steroid hoặc thậm chí phẫu thuật. Các chuyên gia cũng cho biết, có thể cải thiện chứng đau khớp gối qua 3 loại thực phẩm sau:
Đậu nành: Những người bị đau đầu gối cho biết, họ cảm thấy dễ chịu và ít dùng thuốc giảm đau hơn sau khi bổ sung protein từ đậu nành mỗi ngày trong suốt 3 tháng (tạp chí Reader’s Digest dẫn kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học thuộc Đại học bang Oklahoma). Đó là do đậu nành giàu isofl avone, một loại hormon có đặc tính chống viêm sưng. Các tình nguyện viên đã bổ sung 40g protein từ đậu nành mỗi ngày.
Trái cây: Ăn nhiều trái cây giúp giảm nguy cơ bị thương tổn ở tủy xương, vốn là dấu hiệu cho thấy bệnh viêm khớp xương đầu gối. Nhiều loại hoa quả cung cấp lượng cao vitamin C được xem là tốt cho người bị đau khớp đầu gối. Đó là quả kiwi, cam, xoài, bưởi và đu đủ. Các chuyên gia cho rằng, chính vitamin C trong các loại hoa quả này có tác dụng bảo vệ khớp gối.
Cá: Theo nhiều khảo sát, cá và dầu cá giúp giảm đau, đơ cứng viêm khớp xương cổ tay, bàn tay, đầu gối, bàn chân. Và mới đây, một cuộc nghiên cứu khẳng định, acid béo omega-3 trong cá có thể ngăn chặn không chỉ các loại hóa chất gây viêm sưng ở bệnh nhân viêm khớp xương mạn tính mà còn loại bỏ protein được cho là bào mòn sụn. Ăn hai khẩu phần cá chứa nhiều dầu (như cá hồi, cá thu) hàng tuần hoặc uống một viên dầu cá chứa 1g acid béo omega-3 mỗi ngày.
(Theo BS. Xuân Anh // Sức khỏe & Đời sống)