Tắm nắng sáng để cơ thể sản sinh vitamin D. |
Ngày càng có nhiều bằng chứng khoa học cho thấy ai cũng cần bổ sung vitamin D, bởi hàm lượng sinh tố này trong cơ thể thấp có thể dẫn đến nhiều vấn đề về sức khỏe.
Tầm quan trọng của vitamin D
Mới đây, nghiên cứu của Đại học Bistol (Anh) chỉ ra rằng thai phụ có hàm lượng vitamin D trong cơ thể cao sinh ra em bé cao và cứng cáp hơn. Một nghiên cứu khác cho thấy thiếu vitamin D khi còn trong bụng mẹ và thời thơ ấu có thể làm tăng nguy cơ phát triển bệnh đa xơ cứng khi trưởng thành. Không chỉ vậy, những người có hàm lượng sinh tố D thấp có nguy cơ cao mắc chứng viêm ruột mãn tính. Ngoài ra, thiếu vitamin D cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến loãng xương, bệnh tim, đột quị, cao huyết áp, một số bệnh ung thư, tiểu đường và viêm khớp.
“Vitamin D đóng vai trò quan trọng trong chế độ ăn uống. Nó dễ dàng được hấp thu vào cơ thể và là yếu tố quan trọng giúp chúng ta hấp thu canxi và phốt pho, hai dưỡng chất thiết yếu giúp xương chắc khỏe”, Bridget Benelam, chuyên gia thuộc Quỹ Dinh dưỡng Anh, cho biết. Còn theo Tiến sĩ William Grant, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Sức khỏe, Dinh dưỡng và Ánh nắng Mặt trời ở California (Mỹ), với 17 loại ung thư có liên quan đến thiếu vitamin D, tỷ lệ tử vong ở Anh – nơi ít thấy ánh nắng Mặt trời vào mùa đông – có thể giảm đến 19% nếu mọi người bổ sung sinh tố này. Các nhà nghiên cứu cho rằng tỷ lệ mắc cảm cúm vào mùa lạnh có thể giảm nếu người dân tăng cường bổ sung vitamin D.
Thiếu có hại nhưng thừa cũng không tốt
Theo chuyên gia dinh dưỡng Benelam, chỉ khi thử máu chúng ta mới biết được cơ thể có đủ vitamin D hay không, và tiêu thụ quá nhiều vitamin D cũng nguy hiểm. Hiện nay, hầu hết vitamin D bán trên thị trường được làm từ dầu cá (chủ yếu là dầu gan cá tuyết), mỗi viên cung cấp 1.000 UI vitamin D (UI là đơn vị quốc tế, 40 UI vitamin D = 1 microgam). Trong khi đó, các chuyên gia sức khỏe khuyên chúng ta không nên bổ sung quá 1.000 UI vitamin D/ngày. Vì vậy, bạn có nguy cơ dung nạp quá giới hạn khuyến cáo nếu đồng thời uống thêm thuốc có chứa vitamin D như viên đa vi chất và dầu cá.
“Vitamin D là vitamin hòa tan trong chất béo nên nó không dễ bài tiết ra ngoài như các vitamin hòa tan trong nước (B, C). Do đó, nếu tiêu thụ quá nhiều sẽ gây hại, chẳng hạn như làm xương yếu đi và làm tổn thương các mô mềm như tim, phổi và thận”, Benelam khuyến cáo. Vitamin D nằm trong nhóm dưỡng chất calciferol nên dùng nhiều cũng có thể làm tăng canxi máu, gây ngộ độc. Vì vậy, theo nhà nghiên cứu Oliver Lillie thuộc Diễn đàn Nghiên cứu Sức khỏe, một tổ chức hoạt động nhằm nâng cao nhận thức về sự nguy hiểm của tình trạng thiếu vitamin D ở Anh, nếu không nằm trong nhóm có nguy cơ thiếu vitamin D (người trên 65 tuổi và người ít tiếp xúc ánh nắng), chúng ta không nên uống thêm vitamin D khi chưa có ý kiến của bác sĩ.
Các nguồn cung cấp vitamin D
Một ly sữa cung cấp gần 100 UI sinh tố D. |
Nguồn sản sinh vitamin D tốt nhất là ánh nắng. Việc tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng giúp cơ thể tạo ra cholecalciterol, một dạng vitamin D ít hoạt tính. Chất này sau đó lưu thông trong máu và được tích trữ bên trong cơ hoặc lớp mỡ, hoặc nó sẽ đi qua gan và thận để phát triển thành dạng vitamin D hoạt tính cao. Theo giáo sư Graham Bentham thuộc Đại học East Anglia (Anh), chỉ cần phơi nắng sáng 20 phút mỗi ngày từ tháng 4 đến tháng 10 là chúng ta có thể đảm bảo cung cấp đủ hàm lượng vitamin D cho cơ thể trong cả năm.
Bổ sung vitamin D từ thực phẩm. Sinh tố này hiện diện trong nước cam, bơ, ngũ cốc, các chế phẩm từ sữa, cá có nhiều dầu (như cá thu, cá hồi, cá mòi, cá trích) và lòng đỏ trứng. Tuy nhiên, khi bổ sung vitamin D từ thực phẩm cần lưu ý: tình trạng thừa cân có thể hạn chế quá trình tổng hợp vitamin D bởi một số vitamin D có thể tích tụ và bị kẹt lại trong lớp mỡ thừa khiến nó không thể phát huy tác dụng. Nói chung, để bảo đảm chế độ ăn uống cung cấp đủ lượng vitamin D cần thiết cho cơ thể, mỗi ngày bạn nên dùng cá có nhiều dầu và một ly sữa, hoặc ăn sáng với ngũ cốc và một ly sữa, một quả trứng, một ít phô mai và bơ. Thường xuyên kiểm soát thể trọng để phát huy tối đa tác dụng của vitamin D từ thực phẩm.
(Theo Daily Mail)