Thực phẩm có thể chia thành 2 nhóm: Mang tính kiềm hoặc axít, dựa trên quá trình chuyển hoá trong cơ thể. Chính đặc tính kiềm hay axít mà thực phẩm có công hiệu bồi bổ sức khoẻ hay phòng bệnh khác nhau.
Ảnh: minh họa - Internet |
* Thực phẩm mang tính axít: Là những thực phẩm có nguồn gốc động vật (trừ sữa, các loại đậu và ngũ cốc), chứa tương đối nhiều các khoáng chất như lưu huỳnh, phốtpho, clo... Khi tham gia vào quá trình trao đổi chất trong cơ thể, các thực phẩm này đã tạo ra sản phẩm cuối cùng mang tính axít. Thịt bò, lợn, gà, cá thu, cá bơn, hàu, gạo, mạch, bánh mì, phomát, ngô, lạc, hồ đào, đường cát, bánh quy, bia, các loại rượu... là những thực phẩm mang tính axít mạnh. Loại mang tính axít yếu như trứng gà, tôm, cá mực, bạch tuộc, cá sông, lươn, thịt hun khói, hành, sôcôla...
* Thực phẩm mang tính kiềm thường có nguồn gốc thực vật (trừ ngũ cốc) và sữa, huyết động vật. Các thực phẩm này chứa tương đối nhiều các khoáng chất như kali, natri, canxi, magiê... tham gia vào quá trình trao đổi chất trong cơ thể, đã tạo ra sản phẩm cuối cùng mang tính kiềm. Thực phẩm mang tính kiềm mạnh như trà, cà chua, dưa chuột, càrốt, rau chân vịt, bắp cải, cải thảo, khoai môn, rong biển, cam quýt, sung, dưa hấu, nho, nho khô, hạt dẻ, càphê, rượu nho... Những loại có tính kiềm yếu bao gồm như đậu phụ, đậu tương, măng, khoai môn, nấm hương, bí đỏ, rau cần, ngó sen, hành tây, cà, sữa, táo, lê, chuối tiêu, anh đào...
Khi bình thường máu trong cơ thể con người mang tính kiềm. Khi sử dụng trí não hoặc thể lực quá độ, máu sẽ chuyển sang môi trường tính axít. Nếu con người sử dụng thực phẩm mang tính axít dài ngày cũng có thể khiến máu chuyển thành tính axít. Cứ như vậy sẽ khiến não bộ và chức năng thần kinh bị thoái hoá, dẫn đến tình trạng suy giảm trí nhớ. Lúc này cần bổ sung các thực phẩm tính kiềm, ít ăn các thực phẩm tính axít.
Thực đơn hằng ngày cần phối hợp giữa 2 nhóm thực phẩm này hài hoà, hợp lý thì việc bảo vệ sức khoẻ mới đạt yêu cầu và không gây ra sự suy giảm trí nhớ.
(Theo BS Hoàng Xuân Đại // Báo Lao Động)