Rối loạn tiêu hóa có thể do nhiễm khuẩn, nhiễm nấm; do mất cân bằng hệ vi sinh đường ruột. Nhiễm nấm Candida là một trong các nguyên nhân đó. Trước khi dùng thuốc kháng nấm, cần xác định có phải do nhiễm Candida đường tiêu hóa hay không?
Nấm Candida có ở khắp nơi, bất cứ lúc nào cũng có thể theo thức ăn nhiễm vào đường ruột, song chỉ khi có điều kiện thuận lợi, sinh sôi nảy nở nhiều mới gây bệnh. Tùy theo tình trạng, cơ địa người bệnh chọn dùng một trong các kháng nấm sau:
Nystatin:
Khi bị nhiễm nấm Candida đường tiêu hóa nên dùng thuốc gì?. Ảnh minh họa. |
Khi bệnh nhẹ, không có sự bội nhiễm nên chọn dùng nystatin. Đây là thuốc kháng nấm chiết từ môi trường nuôi cấy Streptomyces nourseri có phổ kháng nấm hẹp, chủ yếu trên nấm Candida và Crytococcus.
Nystatin liên kết với ergosterol của màng tế bào sợi nấm, làm rối loạn chuyển hóa kali của nấm rồi diệt nấm mà không gây hại cho người. Mặt khác, do nystatin không thấm qua màng ruột, chỉ có tác dụng chữa bệnh ở trong ruột mà không thấm vào để gây độc nên dùng đường ruột có tính an toàn cao.
Ketoconazol:
Khi bệnh ở mức vừa, có dấu hiệu bội nhiễm chọn dùng ketoconazol. Ketoconazol là thuốc kháng nấm phổ rộng, kháng Candida nội tạng cũng như kháng các nấm nội tạng khác như Paracoccidioses, Coccidioses, Histoplasma, Blastomyces. Ngoài ra, ketoconazol còn kháng vi khuẩn gram dương (+).
Ketocionazol ức chế enzym alphademethylase (enzym tham gia vào tổng hợp ergosterol), ngăn cản sự tổng hợp ergosterol, làm thay đổi lipid của màng tế bào sợi nấm, ức chế chức năng, ức chế sự phát triển của nấm. Dùng liều thấp có tác dụng kìm nấm; dùng liều cao, có tác dụng diệt nấm.
Một vài lưu ý khi dùng: Không được dùng cùng lúc ketoconazol với thuốc trực tiếp trung hòa acid (nabicarbonat hay alluminium hydroxyt trong viên maalox), các thuốc ức chế bơm proton kháng tiết acid (cimetidin, omeprazol) vì sẽ làm giảm tác dụng của thuốc. Nếu cần phải dùng phối hợp thì phải dùng ketoconazol trước hoặc sau đó 2-3 giờ mới dùng các thuốc trên. Ketoconazol có thể gây ra buồn nôn, đau bụng, tiêu chảy, rối loạn tiêu hóa...
Fluconazol:
Khi bệnh nặng hơn, có tình trạng bội nhiễm nấm nhiều, chọn dùng kháng nấm phổ rộng mạnh fluconazol. Fluconazol bài tiết qua thận (80%), khi chức năng thận suy giảm, phải giảm liều. Khi dùng thuốc nếu có biểu hiện tróc vảy, hoại tử nhiễm độc da cần báo cho bác sĩ điều trị biết để có hướng xử trí kịp thời.
Thời gian dùng thuốc tùy thuộc vào sự cải thiện bệnh. Cần chú ý, khi khỏi bệnh (lâm sàng) nhưng Candida ở đường ruột vẫn còn (nhưng số lượng ít hơn) chứ không phải đã sạch hẳn.
(Theo DS. Bùi Văn Uy // Sức khỏe & đời sống)