Sử dụng bao giờ cũng cần sự chỉ dẫn của thầy thuốc, kể cả là thuốc thông thường cũng không nên tùy tiện, tự ý hay dùng theo sự mách bảo sẽ gây nguy hiểm cho sức khỏe, thậm chí có thể dẫn tới tử vong…
Dùng thuốc phải theo chỉ định của thầy thuốc. Ảnh: minh họa - Internet |
Các loại thuốc giảm đau, kháng viêm: Là những loại thuốc được sử dụng rộng rãi nên dễ bị lạm dụng nhất. Thuốc dễ gây viêm loét dạ dày khi sử dụng liều cao kéo dài. Cần lưu ý: khi đang sử dụng các loại thuốc này, không được dùng phối hợp với các loại thuốc đông máu vì nguy cơ gây choáng tăng lên tới 10 lần.
Các loại thuốc thuộc nhóm codein: đều là dẫn chất của thuốc phiện. Tuy nhiên, khi dùng thuốc có thể gây táo bón, suy hô hấp, mất phản xạ ho hay che mất dấu hiệu bệnh lý. Hoặc như papaverin có thể gây hiện tượng quá mẫn ở gan, biểu hiện vàng da, rối loạn tiêu hoá, tăng bạch cầu eosin, thay đổi enzym gan. Không dùng cho người có tiền sử quá mẫn với thuốc này. Ngừng ngay thuốc khi có hiện tượng quá mẫn với gan.
Chưa có thông tin đầy đủ về tác hại của papaverin với thai, với quá trình sinh sản… Các tài liệu mới nhất ghi “Không dùng papaverin cho người có thai”. Chưa có thông tin đầy đủ về sự bài tiết papaverin vào sữa…
Những thuốc làm giãn mạch nhằm tăng lưu lượng tuần hoàn não và các thuốc tăng trao đổi ôxy giữa máu và phổi, giữa máu và mô, nhằm làm tăng khả năng hấp thụ ôxy của tế bào thần kinh. Chẳng hạn như nhóm cinnarizin, vinpocetin, flunarizin, ginko biloba, piracetam và nhóm meclofexonat, almitrine...
Tuy nhiên, có một điều lưu ý là các thuốc giãn mạch chỉ có tác dụng cải thiện lưu lượng tuần hoàn não khi tình trạng các mạch máu bình thường. Nghĩa là nếu mạch máu bị xơ cứng trầm trọng thì các thuốc này không hề có tác dụng. Song cũng cần hiểu rằng cinnarizin và flunarizin đều là những hoạt chất ức chế histamin và có tác dụng ức chế canxi.
Chính vì thế, chúng có tác dụng giãn mạch, đặc biệt là những mạch nhỏ của não. Nhưng nó lại gây buồn ngủ không cưỡng được và gây ra triệu chứng rối loạn vận động tự động (như run tay, tăng phản xạ, cử động giật cục...) mà y học gọi là ngoại tháp, gây ra trầm cảm.
Vì vậy, những thuốc này không được sử dụng ở những người phải điều khiển giao thông, những bệnh nhân có triệu chứng ngoại tháp như bệnh Parkinson, những bệnh nhân bị bệnh tâm thần kiểu trầm cảm. Trong những thử nghiệm trên động vật cho thấy dịch chiết ginko có khả năng gây quái thai và có thể gây chết lưu thai. Vì vậy, ginko được chống chỉ định cho phụ nữ có thai…
Thuốc levodofa chống bệnh Parkinson, ngoài công hiệu trị bệnh này, nó có thể gây lú lẫn hay làm hạ huyết áp. Đặc biệt, papaverin không được dùng cho người bị bệnh Parkinson, nhất là khi đang dùng thuốc chữa bệnh levodopa vì sẽ gây các tương tác bất lợi. Papaverin làm co mạch, tăng huyết áp, không được dùng nó cho người có chứng tăng áp lực sọ, tăng nhãn áp.
Thuốc chống đông wafarin, ngoài tác dụng chống đông, song có thể dễ gây nhạy cảm với người cao tuổi như gây ra xuất huyết.
Các loại thuốc an thần như là thuốc chống trầm cảm, ngoài công dụng an thần, nó có thể gây rối loạn huyết áp, ngủ gật, hay quên. Bởi vậy, mỗi khi cần dùng đến chỉ nên áp dụng liều ban đầu bằng ¼ liều so với những người trưởng thành.
Thuốc trị đái tháo đường vì có công hiệu làm giảm đường trong cơ thể, nếu lạm dụng dễ gây hạ đường huyết. Do vậy, trong quá trình trị liệu sử dụng loại thuốc này, người bệnh cần theo dõi đường huyết thường xuyên để khi thấy hạ đường huyết phải đến thầy thuốc để có kế hoạch xử trí kịp thời.
Các loại thuốc kháng histamin có thể gây lú lẫn tâm thần, hoang tưởng, ảo giác… Do vậy với người cao tuổi, mỗi lần dùng cần giảm từ 30 - 50% liều như thuốc cimetidin, có khi gây suy gan, thận. Các thuốc như ranitidin, famotidin cũng cần thận trọng, mỗi khi cần sử dụng nên dùng với liều thấp và ít hơn.
(Theo BS Hoàng Thanh Sơn // Sức khỏe và Đời sống)