Các nghiên cứu tại Bệnh viện Nhi T.Ư cho thấy, tỷ lệ trẻ em bị bệnh dạ dày đang gia tăng. Mỗi tháng, bệnh viện này tiếp nhận và điều trị cho khoảng 200 bệnh nhi bị các bệnh liên quan đến dạ dày. Đáng báo động là tình trạng trẻ em bị bệnh dạ dày do nhiễm Helicobacter pylori (Hp) rất cao.
Bệnh nhi Nguyễn Quốc Thắng (11 tuổi, ở Hà Nội) bị viêm loét dạ dày tá tràng . Ảnh: T.Hà |
Đau dạ dày do stress và nhiễm vi khuẩn
Nằm trên giường bệnh, cậu bé Nguyễn Quốc Thắng (11 tuổi, ở Hà Nội) nhăn mặt, tay ôm bụng vì những cơn đau dội đến liên tục. Chị Lê Bích Liễu, mẹ Thắng cho biết, từ 1 tuần nay, Thắng liên tục đau đầu, chóng mặt, choáng váng, da xanh nhợt nhạt.
Thấy con xanh xao, nên gia đình đưa Thắng đến Bệnh viện Huyết học và Truyền máu T.Ư, vì nghĩ con thiếu máu. Qua thăm khám, bác sĩ xác định Thắng bị thiếu máu nên truyền máu và cho chuyển sang Bệnh viện Nhi T.Ư kiểm tra tổng thể. Tại đây các bác sĩ xác định Thắng bị xuất huyết đường tiêu hóa, viêm loét hành tá tràng.
Thắng là trường hợp may mắn hơn nhiều so với bệnh nhi N.V.T (ở Bắc Ninh) vì đến bệnh viện điều trị sớm. Bệnh nhi T. nhập viện trong tình trạng cấp cứu vì bị xuất huyết dạ dày với khối lượng máu lên tới 1 lít.
Trước đó nửa tháng, khi thấy con kêu đau bụng âm ỉ, gia đình nghĩ bé bị đau bụng giun nên cho uống thuốc tẩy giun. Tuy nhiên, những cơn đau không giảm mà tăng dần lên, khi thấy T. đau quằn quại, gia đình vội đưa đến Bệnh viện Nhi T.Ư. Các xét nghiệm cho thấy, bé T. bị xuất huyết dạ dày nặng.
Trẻ bị đau dạ dày do stress (căng thẳng), lo âu không phải là hiếm gặp. Chị H.M.H. (Hà Nội) cho biết, thấy các bạn cùng lớp con học thêm nhiều nên chị cũng cho con là bé M.A.T. (10 tuổi) học thêm mấy môn.
Đã học thì phải ăn để đảm bảo sức khỏe, chị H. nghĩ như vậy. Vì thế, một ngày T. hết ăn lại học, học lại ăn. Nhiều khi hai ca học gần nhau nên hai mẹ con lại ra quán ăn rồi vào lớp. Nỗi ám ảnh ăn và học khiến bé T. bị stress.
Chị H. cho biết, nhiều khi phải dọa nạt, quát mắng để bé ăn cho hết suất. Bác sĩ Bùi Thu Hương - Phụ trách Khoa Tiêu hóa cho biết, khi bị stress, trẻ có nguy cơ bị ợ, gây hiện tượng trào ngược dạ dày thực quản, tức là a-xít trong dạ dày trào lên thực quản gây ợ nóng, trào lên họng sẽ gây ho. Hiện tượng này lặp đi lặp lại nhiều lần sẽ gây viêm loét dạ dày.
Thạc sĩ Nguyễn Thị Út- Khoa Tiêu hóa (Bệnh viện Nhi T.Ư) cho biết, vi khuẩn gây bệnh dạ dày ở trẻ em cũng giống như ở người lớn, là loại vi khuẩn Helicobacter pylori (Hp), thường phát tán trong môi trường, sau đó bằng nhiều cách xâm nhập vào thực phẩm rồi vào cơ thể con người gây bệnh.
Theo nghiên cứu của thạc sĩ Út, có tới 70% số trẻ bị bệnh do vi khuẩn Hp, tức là do ăn uống những thực phẩm nhiễm vi khuẩn gây bệnh. Ngoài ra, vi khuẩn Hp còn có trong nước bọt, lợi và chân răng của con người. Các bác sĩ cảnh báo, việc người lớn không biết bản thân mắc vi khuẩn Hp mà nhai thức ăn rồi mớm cho trẻ ăn cũng dễ dàng làm bé bị lây bệnh.
Bác sĩ Bùi Thu Hương cho biết, phụ huynh thúc ép trẻ học hành, ăn đủ khẩu phần tạo cảm giác căng thẳng, ăn không ngon, học không vào đầu đối với trẻ, khiến trẻ luôn rơi vào trạng thái lo lắng thái quá dễ dàng dẫn tới những cơn đau bụng tăng dần. Đây là biểu hiện ban đầu của bệnh dạ dày.
Dễ bị bỏ qua
Hiện nay, đau dạ dày là bệnh đứng đầu trong các bệnh liên quan đến đường tiêu hóa ở trẻ em. Tuy nhiên, nhiều cha mẹ không nghĩ trẻ có dấu hiệu của bệnh đau dạ dày vì nghĩ chỉ người lớn mới mắc bệnh này.
Bác sĩ Hương cho biết, một số trẻ bị đau dạ dày có biểu hiện đau bụng âm ỉ, có khi kéo dài đến vài tháng. Nhưng cũng có nhiều trường hợp trẻ có các cơn đau cấp tính như đau bụng dữ dội, nôn ra máu, đi ngoài phân đen.
Ở trẻ em, thường cơn đau diễn ra khắp bụng chứ không chỉ đau vùng thượng vị như người lớn nên cha mẹ thường không nghĩ tới việc con mình đau dạ dày.
Hơn 50% bệnh nhi kháng thuốc Trong quá trình điều trị cho bệnh nhi, các bác sĩ nhận thấy có tình trạng kháng kháng sinh ở trẻ em mắc bệnh lý dạ dày do nhiễm Hp. Tỷ lệ kháng kháng sinh ở trẻ em Việt Nam rất cao, cụ thể là 50,9% với thuốc Clarithromycin và 65,3% với thuốc Metronidazole. Đây là hai thuốc đóng vai trò quan trọng trong điều trị bệnh viêm dạ dày tá tràng do nhiễm Hp. |
TS Nguyễn Việt Hà - Khoa Tiêu hóa (Bệnh viện Nhi T.Ư) cho hay, theo các nghiên cứu trên thế giới, ở trẻ em tỷ lệ nhiễm Hp có chỉ định làm nội soi chiếm 17 - 68%. Tại Việt Nam, trẻ nhiễm Hp chiếm 50% trong số các trẻ có chỉ định làm nội soi. Còn lại là các bệnh lý dạ dày tá tràng không do nhiễm Hp.
Theo TS Hà, triệu chứng lâm sàng bệnh lý dạ dày tá tràng ở trẻ em thường không rõ ràng. Chủ yếu là đau bụng tái diễn, nôn hoặc buồn nôn, ợ hơi, ợ chua, đầy bụng khó tiêu. Một số trẻ có biểu hiện loét dạ dày tá tràng sẽ có đau bụng vùng thượng vị khi đói, đau về đêm làm trẻ thức giấc, thiếu máu, nôn ra máu. Mọi trẻ em đều có thể mắc bệnh lý dạ dày tá tràng. Với bệnh lý do nhiễm Hp, tỷ lệ nhiễm vi khuẩn ở trẻ em tăng dần theo tuổi.
Viêm loét dạ dày tá tràng làm trẻ không ăn uống được do nôn trớ hoặc chậm tăng cân. Đau bụng tái diễn và kéo dài ảnh hưởng đến các sinh hoạt bình thường của trẻ. Bệnh nếu không được điều trị dứt điểm, kịp thời sẽ là nguyên nhân dẫn tới ung thư dạ dày, ung thư đường tiêu hóa sau này.
(Theo Tienphong Online)