Hỏi: Trước đây, mẹ tôi bị sỏi mật, bác sĩ có cho thuốc uống và nói rằng mẹ tôi không cần phẫu thuật vì sỏi còn nhỏ. Gần đây, mẹ tôi hay bị đau bụng. Xin hỏi bệnh của mẹ tôi có cần phải phẫu thuật và khi nào thì nên phẫu thuật?
HOÀNG VY (quận Cái Răng, TP Cần Thơ)
Trả lời: “Sỏi mật” mà bạn nói ở đây có thể là sỏi ở ống mật chủ (hay đường mật chính) hoặc ở túi mật. Mẹ của bạn có thể đã bị sỏi túi mật. Vì vậy, bác sĩ đã tư vấn điều trị theo hướng như trên là đúng. Đối với sỏi túi mật hiện nay quan điểm điều trị như sau:
Nếu chỉ có 1 viên sỏi nhỏ (<2cm) và chưa từng bị viêm túi mật (biểu hiện bởi cơn đau quặn vùng bẹ sườn bên phải hay ở vùng thượng vị) thì có thể điều trị nội khoa (uống thuốc...) kèm theo phải kiểm tra mỗi 3-6 tháng xem sỏi có nhỏ lại hay gia tăng kích thước... Tuy nhiên, theo nhiều nghiên cứu ở nước ngoài thì khả năng tan sỏi khá thấp (khoảng 30% nếu điều trị bằng Ursodeoxycholic acid trong 12 tháng liên tục và chỉ 7% nếu điều trị Chenodeoxycholic acid) và bệnh nhân rất dễ bị tái phát khi ngưng thuốc.
Nếu có nhiều sỏi (hơn 2 viên sỏi) hay có 1 sỏi nhưng kích thước lớn hơn 2cm hoặc bệnh nhân đã có triệu chứng đau do sỏi gây nên hoặc túi mật mất chức năng co bóp... thì chỉ định phẫu thuật cắt bỏ túi mật. Một trường hợp khác là dù sỏi nhỏ, không có triệu chứng nhưng bệnh nhân có bệnh đái tháo đường hay mang van tim nhân tạo thì nên cắt túi mật vì ở những người này khi bị viêm túi mật rất dễ đưa đến những biến chứng nặng nề.
Hiện nay, phẫu thuật cắt túi mật qua ngã nội soi ổ bụng đã được thừa nhận là phương cách tốt nhất trong phẫu thuật cắt túi mật. Bạn nên đưa mẹ của bạn đến bệnh viện để khám và làm các xét nghiệm. Bác sĩ sẽ xem xét tình trạng hiện tại của mẹ bạn để có hướng điều trị đúng, kịp thời.
Ths. Bs TRẦN HIẾU NHÂN (Trường Đại học Y Dược Cần Thơ)
(Theo Cantho Online)