Chừng một tháng nay ở khu tập thể chúng tôi rộ lên phong trào uống 1 lít nước lọc vào buổi sáng mỗi ngày để phòng những bệnh như tiểu đường, cao huyết áp, sỏi đường tiết niệu, các bệnh về đường ruột tiêu hoá v.v...
Chúng tôi vẫn thắc mắc về hiệu quả của phương pháp này nhưng xét thấy nước cũng vô hại nên vẫn dùng. Vậy xin hỏi với lượng nước như vậy có ảnh hưởng gì đến cơ thể không, ngoài chuyện phải đi... nhiều lần?
Nguyễn Văn An (TP.Thanh Hoá)
- Mỗi người cần uống bao nhiêu nước mỗi ngày là câu hỏi đơn giản nhưng không dễ trả lời vì nhu cầu về nước cho cơ thể có tính cá biệt và phụ thuộc vào nhiều yếu tố như sức khoẻ, vận động và khu vực đang sống. Hiểu biết hơn về nhu cầu nước của cơ thể sẽ biết nên uống bao nhiêu nước mỗi ngày.
Nước chiếm khoảng 60% tổng trọng lượng cơ thể. Hệ thống nào trong cơ thể cũng phụ thuộc vào nước, ví dụ như nước loại trừ chất độc ra khỏi các cơ quan, mang chất dinh dưỡng đến các tế bào, làm ẩm các khu vực tai, mũi, họng. Thiếu nước có thể làm cho các chức năng cơ thể không hoạt đồng bình thường.
Cơ thể cần bao nhiêu nước? Người trưởng thành mất nước qua những hoạt động như hô hấp, ra mồ hôi, đại tiện (khoảng 1,5 lít/ngày) và tiểu tiện (cũng khoảng 1,5 lít/ngày). Để cơ thể hoạt động bình thường, cần bổ sung nước từ những đồ uống và thức ăn có chứa nước. Thông thường, khi đã uống đủ nước thì hiếm khi có cảm giác khát và vẫn đi tiểu khoảng 1-2 lít mỗi ngày.
Trung bình thực phẩm cung cấp 20% tổng lượng nước đưa vào cơ thể, số còn lại từ nhiều loại đồ uống khác như sữa, kể cả bia, rượu vang và đồ uống có chất cafeine như càphê, trà hay soda; nhưng nước vẫn là sự lựa chọn tốt nhất vì không chứa năng lượng, rẻ và dễ kiếm. Nếu uống 2 lít mỗi ngày (gồm nước và đồ uống khác) cùng với chế độ ăn bình thường là bổ sung đủ.
Cơ thể thiếu nước khi không được cung cấp đủ, ngay cả khi thiếu nước nhẹ cũng có thể phá hoại sinh lực và gây mệt mỏi. Những nguyên nhân thường gặp làm cho cơ thể mất nước là hoạt động căng thẳng, ra mồ hôi nhiều, nôn và tiêu chảy.
Ngoài ra, bệnh tật hay tình trạng thai nghén và cho con bú cũng làm tăng nhu cầu nước (đang có thai cần 2,4 lít, cho con bú 3 lít nước mỗi ngày).
Nguy cơ do thiếu nước? Ngay cả thiếu nước nhẹ (mất 1-2% trọng lượng cơ thể) cũng đã gây uể oải, lờ đờ, mỏi mệt. Khi thiếu nước, có cảm giác khát, mỏi mệt, nhức đầu, khô miệng, đái ít hay không đái, yếu cơ bắp, chóng mặt, choáng váng.
Thiếu nước nhẹ hiếm khi gây biến chứng nếu như được bổ sung kịp thời nhưng nếu thiếu nước nặng có thể đe doạ sinh mệnh, nhất là với trẻ em và người có tuổi. Đôi khi cần truyền dịch và chất điện giải theo đường tĩnh mạch.
Hãy giữ cho cơ thể đủ nước: Không đợi đến khi khát mới uống, vì có cảm giác khát đã là thiếu nước nhẹ. Người có tuổi ít khi có cảm giác khát vì cơ thể kém cảm nhận sự thiếu nước và báo động cho não. Nên uống một cốc nước trong bữa ăn và giữa 2 bữa ăn. Uống nước trước, trong và sau khi vận động.
Chúng tôi chưa thấy có một công trình nghiên cứu nào về cách chữa bệnh bằng uống nước, mọi ý kiến tham khảo chỉ dựa trên tin đồn nên không thể đưa ra một kết luận nào. Dù nước là vô hại và cần thiết nhưng thiết nghĩ các bạn hãy uống đủ lượng cần có của cơ thể mình là tốt nhất.
( theo báo lao động )