Căn nguyên của bệnh viêm loét đại trực tràng chảy máu chưa rõ ràng, thường xảy ra ở người trẻ, với biểu hiện lâm sàng chủ yếu là đau bụng, tiêu chảy phân máu kém theo sốt và sút cân. Nếu không được phát hiện và điều trị tích cực, bệnh có thể dẫn tới ung thư.
Hình ảnh đại trực tràng. Ảnh: Ảnh minh họa. |
Năm nay tôi 28 tuổi, cách đây gần 1 năm lần đầu tiên tôi bị đi đại tiện ra máu tươi với số lượng nhiều, đi khám được chẩn đoán là viêm loét đại trực tràng chảy máu, đã qua hai đợt điều trị, tiến triển tương đối tốt. Nhưng tôi nghe nói bệnh này rất khó điều trị phải không thưa bác sĩ?
Trả lời
Viêm loét đại trực tràng chảy máu là bệnh thường gặp ở châu Âu và Bắc Mỹ, nhưng thời gian gần đây đang có xu hướng tăng lên ở châu Á. Căn nguyên của bệnh chưa rõ ràng, thường xảy ra ở người trẻ, với biểu hiện lâm sàng chủ yếu là đau bụng, tiêu chảy phân máu kém theo sốt và sút cân, bệnh mạn tính tiến triển từng đợt, để lại nhiều biến chứng như abces hậu môn, hẹp đại tràng, chảy máu trầm trọng, phình đại tràng nhiễm độc, ung thư hoá…Việc điều trị cho đến nay còn gặp rất nhiều khó khăn.
Nổi bật và thường gặp nhất trong viêm loét đại trực tràng chảy máu là đau bụng và tiêu chảy phân máu, kèm theo sốt và sút cân. Tùy từng giai đoạn mà có các biểu hiện khác nhau, thông thường người ta chia làm 3 thể: thể nhẹ, thể trung bình và thể nặng
Thông thường trong viêm loét đại trực tràng chảy máu các thuốc thường được dùng phối hợp là corticoid, Sulfasalazin và các dẫn chất của nó, azathioprin, cyclosporin. Tuy nhiên, tùy theo tình trạng, giai đoạn của bệnh, tổng trạng của bệnh nhân mà bác sỹ sẽ chỉ định dùng thuốc cụ thể.
Ngoài việc sử dụng thuốc cũng cần chú ý đến chế độ ăn uống và sinh hoạt của bệnh nhân, trong trường hợp thiếu hụt men lactase thì không cho bệnh nhân dùng sữa, trong đợt tiến triển khẩu phần ăn cần hạn chế chất xơ. Không dùng các chế phẩm của thuốc phiện, thuốc chống tiêu chảy và thuốc kháng cholin; đặc biệt trong trường hợp có biến chứng phình đại tràng nhiễm độc bệnh nhân phải được theo dõi và điều trị trong trung tâm hồi sức tích cực.
Viêm loét đại trực tràng cháy máu cần được theo dõi thường xuyên mỗi 6 tháng một lần bằng soi đại tràng và sinh thiết nhiều mảnh ở đại tràng và đại tràng sigma để kịp thời phát hiện giai đoạn loạn sản nặng hoặc là giai đoạn đầu của tiến triển ung thư.
(Theo BS An Nguyễn // Tienphong Online)