Những sản phẩm điện thoại sử dụng công nghệ AMOLED của Samsung: Samsung Jet, Omnia II, Omnia HD. |
Màn hình sáng đẹp, rõ nét là một trong những yếu tố đầu tiên thu hút người sử dụng điện thoại di động. Với touchphone (điện thoại màn hình cảm ứng), mọi tương tác với điện thoại đều thông qua màn hình.
Chính vì thế, công nghệ màn hình AMOLED với ưu điểm hiển thị hình ảnh cực nét, màu sắc đầy đặn, thiết kế mỏng và đặc biệt là ít tiêu hao năng lượng đang được coi là công nghệ tiên tiến nhất hiện nay…
AMOLED là gì?
AMOLED - Active Matrix Organic Light Emitting Diode - là công nghệ màn hình diode phát quang hữu cơ ma trận động. Đây được xem là công nghệ chế tạo màn hình cao cấp nhất hiện nay dành cho các thiết bị di động. Công nghệ AMOLED có lịch sử gắn liền với sự phát triển của màn hình diode phát quang hữu cơ (tức OLED).
Lịch sử OLED bắt nguồn từ những công nghệ sơ khai vào những năm 1950, sau đó trải qua rất nhiều thử nghiệm và nghiên cứu, những thiết bị diode đầu tiên được phát triển thành công bởi tiến sĩ Chin W. Tang (Công ty Eastman Kodak) và Steven Van Slyke đã làm nền tảng cho công nghệ OLED hoàn thiện ngày nay.
AMOLED sử dụng các pixel OLED gắn trên một tấm film bán dẫn mỏng (TFT) nhằm tạo nên một ma trận pixel, cho phép hiển thị tín hiệu dưới tác động của dòng electron với công dụng tạo nên một loạt các công tắc kiểm soát các pixel.
Bên cạnh các ưu điểm chung của công nghệ OLED là độ mỏng, chất lượng hiển thị hình ảnh cao, AMOLED còn nổi trội hơn với mức tiêu thụ điện năng cực thấp phù hợp với việc ứng dụng trong các thiết bị di động cầm tay như điện thoại, máy ảnh, laptop...
Trên thế giới có nhiều hãng sản xuất thiết bị dùng OLED, trong đó Samsung là một trong những nhà sản xuất hàng đầu về cả công nghệ OLED và AMOLED. Samsung SDI, một phân nhánh của Tập đoàn Samsung được xem là nhà sản xuất OLED lớn nhất thế giới, hiện nay cứ 2 chiếc màn hình OLED, thì trong đó có một chiếc được sản xuất từ Samsung SDI.
Đặc biệt, đối với công nghệ AMOLED, Samsung là công ty đầu tiên nghiên cứu, phát triển cũng như ứng dụng rộng rãi màn hình AMOLED.
Ưu điểm của công nghệ AMOLED
Nếu so với các thế hệ màn hình LCD TFT hay màn hình LED, bạn có thể dễ dàng nhận thấy sự khác biệt lớn về chất lượng hiển thị. Trong đó, hai điểm đáng chú ý nhất là độ tương phản và độ no màu.
Màn hình AMOLED cho hình ảnh độ tương phản cao, kéo theo việc gia tăng về độ chi tiết và độ sâu của hình ảnh. Ngoài ra, còn phải kể đến khả năng tái tạo gam màu rộng hơn, hiển thị video tốt hơn nhờ vào thời gian đáp ứng nhanh, góc nhìn rộng.
Bên cạnh đó, màn hình AMOLED không chịu nhiều ảnh hưởng của môi trường ngoài, nội dung hình ảnh vẫn có thể hiển thị khá tốt dưới điều kiện ánh sáng trực tiếp. Một ưu điểm mà ít ai biết được chính là màn hình AMOLED có khả năng chịu tác dụng lực cơ học tốt hơn so với công nghệ màn hình trước đây, chính vì thế tạo được độ bền cao cho các thiết bị sử dụng.
Tất cả những ưu điểm nói trên tỏ ra rất phù hợp cho việc ứng dụng vào các thiết bị di động như điện thoại, máy ảnh, máy quay, laptop. Nhưng hơn hết, nhà sản xuất và cả người dùng đều thấy được những ưu điểm vượt trội của công nghệ AMOLED khi được ứng dụng vào điện thoại đặc biệt là những mẫu điện thoại màn hình cảm ứng cao cấp với kích thước màn hình lớn.
Chính công nghệ AMOLED đã tạo nên một thế hệ điện thoại mới có màn hình đẹp chưa từng thấy, đơn cử như sản phẩm dẫn đầu hiện nay là Omnia HD, những clip HD được thể hiện hoàn hảo với độ phân giải cao, không bị lóa dưới nguồn sáng mạnh và đặc biệt là ưu điểm thời gian đáp ứng nhanh đã giúp chiếc điện thoại này trở thành một công cụ xem phim mini hoàn hảo.
Một trong những ưu điểm được xem là vượt trội nữa của công nghệ AMOLED chính là khả năng tiết kiệm điện năng tiêu thụ. Năng lượng được xem là yếu tố sống còn trên các thiết bị di động, với công nghệ AMOLED, điện năng tiêu thụ được xem là đạt mức tối thiểu, với màn hình LCD kích thước lớn 3inch, 3,5inch, 4inch... đặc biệt ngốn pin, nhưng với công nghệ AMOLED có thể thấy lượng điện năng tiêu thụ giảm từ 40 đến 50%.
Tương lai và sự phát triển của AMOLED
Hầu hết các nhà sản xuất điện tử đều rất quan tâm đến công nghệ này, trong đó Samsung sẽ là nhà đầu tư mạnh nhất, dự đoán thị phần các sản phẩm điện thoại AMOLED của Samsung vào năm 2015 sẽ đạt 37,5%.
Một xu hướng có thể nhận thấy rất rõ là ngoài công nghệ cảm ứng điện dung, các mẫu điện thoại có màn hình lớn sẽ dần chuyển sang dùng công nghệ AMOLED, giúp tiệt kiệm điện năng, lại cho màu sắc hiển thị tốt hơn nhiều so với công nghệ LCD cũ.
Và trong một tương lai rất gần, AMOLED không chỉ xuất hiện ở các thiết bị di động mà sẽ lấn sân sang các sản phẩm điện tử gia dụng, nhà sản xuất Samsung vừa cho ra mắt mẫu concept về chiếc tivi có kích thước màn hình 40inch dùng công nghệ HD-AMOLED.
Quay lại với các thiết bị di động, rõ ràng với nhiều ưu điểm vượt trội về màu sắc, độ tương phản, độ bền, tiêu thụ năng lượng thấp, thời gian thích ứng nhanh... AMOLED chứng tỏ là công nghệ hiện không có đối thủ và các sản phẩm điện thoại có màn hình AMOLED sẽ còn phát triển nhanh và mạnh hơn nhiều trong thời gian sắp tới./.