Sở hữu một chiếc xe phân khối lớn bây giờ dễ dàng, nhưng dòng Naked Bike như Hornet 1000, Hornet 919, FZ1, FZ6, hay Sport Bike như R1, R6, GSXR750, CBR1000… có thể thấy nhiều trên phố xá.
Và để một chiếc xe cùng đời, nhưng vẫn có khác biệt độc đáo riêng, dân chơi xe đưa xế cưng của mình đi độ lại theo phong cách và sở thích riêng, tạo thành một rào lưu độ xe lan rộng trong giới chơi phân khối lớn.
Khoảng ba năm trở về trước, chuyện nhập xe phân khối lớn về Việt Nam khá khó khăn, nên để sở hữu được một chiếc xe phân khối lớn đời mới là chuyện không đơn giản, có xe lưu hành đã được xem là hàng độc rồi thì dân chơi ít chú tâm đến chuyện độ xe.
Nhưng nay việc nhập xe thông thoáng hơn, người chơi xe nhiều hơn, kinh tế cũng khá hơn nên ở Việt Nam có người chơi dòng xe đỉnh cao mà ngay cả những nước trong khu vực "dân chơi" cũng chưa cập nhật đến như Agusta F4, Ducati 1098...
Còn những dòng xe phổ biến hơn, do yếu tố xuất hiện nhiều nên cái thú của người chơi xe, phải muốn xe mình có yếu tố khác lạ, độ xe lên sao cho độc đáo mới là niềm vui.
Độ từ các phụ kiện dùng trang trí, đến chuyện can thiệp bằng kỹ thuật để sao xe vừa đẹp, lại vừa hoạt động tối đa công suất máy đang là kiểu chơi thịnh hành của những tay chơi đam mê dòng xe phân khối lớn.
Giới độ xe và cung cấp phụ tùng độ xe ở Sài Gòn khá mạnh so với cả nước. Một thợ độ xe ở Bình Thạnh giấu tên cho biết: “Săn đồ độc cho xe khó lắm, cách dễ tiếp cận nhất là người chơi phải lân la các trang web nước ngoài, sách báo, tài liệu, tham gia các nhóm chơi trong khu vực để tìm hiểu xem những dòng đồ phụ tùng nào được ưa chuộng, chất lượng tốt, mới tính chuyện sưu tầm, nhập về bằng đủ con đường, từ xách tay đến nhập khẩu để phân phối lại cho anh em trong giới chơi."
"Mà khắp nơi ở đâu cũng có đồ làm nhái, đồ giả nhiều, nên phân biệt được thật giả, tốt xấu cũng là cả hành trình dài đi tìm hiểu và học hỏi.”
Oai hùng pô độ
Ở những dòng xe phân khối lớn đời mới, tính năng kỹ thuật hiện đại, do được sản xuất theo những quy chuẩn rất khắt khe như tiêu chuẩn khí thải, xiết chặt độ ồn theo các tiêu chuẩn của châu Âu, Mỹ, Nhật... tiếng pô xe được ém hơi nén tiếng cho thật êm khiến cho "con xế" hùng mạnh nhiều khi trở nên quá “nữ tính”, trong khi đó công suất máy do pô nén nên cũng bị hạn chế.
Và để khai thông, dân độ xe phân khối lớn bao giờ cũng nhắm đến việc độ đầu tiên phải là chiếc pô. Pô xe được thay đổi cho thoáng hơn, ấm mạnh hơn, tạo lên vẻ oai hùng mỗi khi xiết tay ga của xế cưng trên đường phố.
Dân chơi phân khối lớn Việt Nam có chung kiểu độ pô là tiếng pô phải mạnh mẽ, vũ lực, thể hiện đúng tố chất của chiếc xe mình sở hữu. Những hãng pô nổi tiếng hầu hết có xuất xứ từ Italy với những tên tuổi lẫy lừng góp phần vào sự thành công của các giải đua xe GP khắp thế giới.
Có thể kể đến như các dòng pô Giannelli, Arrow, Mivv, Devil (Pháp), và giới độ xe có những hâm mộ riêng với từng hãng xe, từng tay đua, từng dòng pô làm nên tên tuổi của các tay đua nổi tiếng để chọn gắn cho xe mình.
Nhưng để sở hữu một chiếc pô, thị trường độ pô cũng đã rộng rãi, hàng phong phú nhưng số lượng cũng hạn chế, và giá cả cũng không phải là ai cũng mạnh dạn chơi được. Một pô nguyên cây ở cả các nhãn hiệu nổi tiếng, giá trung bình từ 800 - 1.300 USD.
Những dòng pô này khi gắn vào xe, do được thiết kế lại có độ thoát hơi cao, do đó công suất máy tăng lên hẳn. Nhưng có một kiểu chơi đỡ tốn kém hơn, là chỉ gắn lon pô chứ không độ nguyên cây pô. Gắn lon pô hiện được dân chơi xe chuộng hơn vì phù hợp khả năng kinh tế.
Hơn nữa có những dòng xe khi độ pô nguyên cây, phải trang bị thêm cục PC (Power Commander) để cưỡng chế phun xăng cho tương thích với độ thoát hơi của pô độ.
Nhỏ mà hiểm
Thêm một bộ phận nhỏ nhưng hiệu quả lớn của xe phân khối lớn là chiếc bugi, ở đa phần những dòng xe từ 2008 trở về trước, bugi thường được độ lại thay bằng dòng bugi iridium (hợp chất tựa như bạch kim) làm cho đầu bugi nhỏ gọn, nhưng có độ đánh lửa sắc, mạnh, bén, độ bền cao.
Trở lại với cục PC, cũng nhỏ gọn nhưng không kém phần quan trọng trong việc vận hành của một con xe phân khối lớn khi độ. PC với nhiệm vụ cưỡng chế phun xăng, tạo cho xe khi chạy ga hậu không bị hụt hơi, đều máy.
Thị trường có các dòng PC3, PC5 và Bazzaz. Giới chơi chuộng PC5 và Bazzaz nhiều hơn vì khi gắn vào xe sẽ tự căn chỉnh, với PC3 cần có can thiệp kỹ thuật, phải có thợ lành nghề mới gắn được “đồ chơi” này cho xe phân khối lớn. Riêng với dòng Bazzaz, ngoài công năng cưỡng chế phun xăng, còn có tính năng tự kiểm tra độ bám của xe để điều chỉnh tốc cho xe bám đường tốt.
Ở thị trường Việt Nam, PC cũng không phải đại trà nên giới chơi cũng khá hạn chế, giá PC3 trung bình 350-400 USD, PC5 khoảng 550 đôla, còn với dòng Bazzaz thì khủng hơn, trung bình từ 650-1.500 USD.
“Độ” an toàn
Có thêm những chi tiết nhỏ trong một chiếc xe phân khối lớn luôn được những tay chơi chú ý, và độ lại để tăng thêm tính an toàn cho xe, là bộ phận trợ lực tay lái.
Với những chiếc xe có tốc độ cao, trợ lực tay lái là điều cực cần thiết vì giảm thiểu đi sự mất cân bằng khi di chuyển hoặc lạc tay lái dễ bị quăng xe, không điều khiển được.
Một dân chuyên săn lùng các phụ kiện xe phân khối lớn cho biết, do tính năng an toàn, nên dân chơi phân khối lớn ai cũng thường gắn trợ lực tay lái để giảm thiểu khả năng mất lái.
Những tên tuổi của dòng đồ này có thể kể đến như Toby (Bỉ) giá trung bình 650 USD, Scott có xuất xứ từ Mỹ với giá 700-800 USD. Tuy vậy, ở thị trường cũng có nhiều hàng giả, được sản xuất từ Trung Quốc, Thái với giá chỉ ở mức 700 ngàn đến 1 triệu đồng, nhưng tất nhiên “tiền nào của nấy.”
Nói về độ xe, nếu xét góc độ giá trị kinh tế, một chiếc xe độ có thể gần bằng với giá tiền mua xe. Những dòng xe đặc chủng như Ducati, CBR1000, một tay chơi cho biết để độ lên phiên bản Racing, phun xăng điện tử, mâm thắng đã ngốn hết khoảng 20.000 USD, trong khi đó giá nhập xe này về Việt Nam cũng đã trên 20.000 USD.
Vấn đề độ xe, đã chơi rồi người chơi ít khi quan trọng chuyện tiền bạc, cái chính là đem lại sự độc đáo mang phong cách riêng của chủ sở hữu xe, “nhìn xe biết chủ,” đó mới là điểm nhấn ấn tượng trong phong trào chơi những dòng xe phân khối lớn./.