Bề ngoài không thật ấn tượng nhưng Escape vẫn hấp dẫn nhờ cảm giác lái ổn định - Ảnh: Bobi. |
Khi nhắc đến Ford Escape, không ít người còn bị ám ảnh về mức độ tiêu hao nhiêu liệu của mẫu xe này trong quá khứ.
Tuy nhiên, nếu một lần cầm lái chiếc xe Mỹ liên doanh thế hệ mới trên chặng đường dài, thì phần đông chắc hẳn sẽ phải suy nghĩ lại.
Ngoại hình không khác nhiều so với thế hệ cũ nhưng Escape mới vẫn nổi bật và bớt cục mịch hơn nhờ thiết kế cản trước phối hình hài hòa với lưới tản nhiệt kèm bộ đèn gầm đặt sâu trên cản trước. Trong khi phần đầu xe có thêm điểm nhấn là bộ đèn pha với chói sáng trắng trên nền đen thì ở phía sau, Escape hầu như vẫn giữ nguyên kiểu dáng giống người anh em trước đó.
Mặc dù bề ngoài thay đổi rất ít nhưng nội thất bên trong lại được làm mới tương đối nhiều bằng cách sắp đặt các chi tiết điều khiển thân thiện và dễ sử dụng hơn mà không làm mất đi vẻ “nam tính” vốn có trên những dòng xe Mỹ.
Không đi ngược lại xu thế như trước đây, Escape mới đã có đổi mới mạnh mẽ khi cần số được chuyển về vị trí truyền thống phía trước bảng điều khiển trung tâm chứ không nằm ẩn sau vô-lăng như trước nữa. Với sự thay đổi này, khoang lái của Escape mang tính thẩm mỹ và có phần hiện đại hơn trong khi người dùng lại dễ dàng làm quen và không cảm thấy ngượng nghịu mỗi lần vào số để vận hành chiếc xe.
Hơn nữa, bằng việc bố trí các chi tiết theo kiểu đối xứng và tăng kích thước các phím bấm và núm điều khiển kết hợp với đèn nền hỗ trợ mầu xanh dương đã làm cho không gian bên trong chiếc thể thao đa dụng 5 chỗ trẻ trung và bắt mắt hơn.
Tuy nhiên, sự thay đổi lớn nhất ở Escape mới lại tập trung nhiều ở cảm giác lái và được thể hiện rõ nét trong quá trình vận hành ở những điều kiện giao thông khác nhau. Dù đã có thời điểm không thật ấn tượng với mẫu xe này nhưng sau hành trình trải nghiệm dài 650 km từ Đà Nẵng đi Kon Tum, người viết cũng có nhiều suy nghĩ đổi mới về chiếc xe liên doanh có giá từ 752 triệu đồng.
Quá trình chuẩn bị và tìm hiểu xe trước mỗi hành trình dài luôn là công việc hết sức cần thiết và không thể bỏ qua. Nhưng với chiếc Escape, thời gian sắp xếp của cả đoàn đã được rút gọn lại nhờ khoang xe đủ rộng cho 4 người trong khi toàn bộ vật dụng cá nhân, máy quay và các thiết bị hỗ trợ test xe,… khá lỉnh kỉnh vẫn nằm lọt trong khoang hành lý rộng lớn.
Xuất phát từ Đà Nẵng, dưới ánh nắng chói trang của thành phố biển, hệ thống điều hòa điều hòa tự động hai vùng khí độc lập đã phải liên tục hoạt động ngay từ khi nổ máy xe. Tuy không gian bên trong chiếc xe có chiều dài 4.475 mm, rộng 1.825 mm, cao 1.770 mm và trục cơ sở 2.620 mm khá lớn nhưng nhờ điều hòa công suất lớn, nên chỉ cần để nấc gió thứ 2 ở nhiệt độ 25 độ C là đủ đem lại cảm giác dễ chịu cho toàn bộ 4 thành viên.
Trên ghế lái, người viết không khó để lựa chọn một tư thế ngồi phù hợp và thoải mái nhất nhờ vô-lăng có chức năng gật gù mặc dù ghế ngồi vẫn chưa được điều chỉnh điện. Sau khi chỉnh lại hệ thống gương chiếu hậu bằng nút bấm điện để tăng thêm góc quan sát và thắt dây an toàn tự siết cho người lái, chiếc Escape XLS dẫn động cầu trước từ từ chuyển bánh thẳng hướng đường Hồ Chí Minh để lên Kon Tum.
Băng qua những cung đường đồng bằng thuộc tỉnh Đà Nẵng và Quảng Nam, chiếc xe mang động cơ Duratec 4 xy-lanh thẳng hàng 16 van DOHC dung tích 2.3 lít thể hiện khả năng vận hành mạnh mẽ với những cú tăng tốc đầy uy lực để vượt xe cùng chiều mà chân ga không cần phải đạp mạnh. Vô-lăng có phần đầm hơn tỉ lệ thuận với tốc độ chạy của xe trong khi người người ngồi trong xe lại nhận được cảm giác êm ái nhờ cấu tạo khung xe chắc chắn và khả năng chống ồn từ mặt đường cũng như bên ngoài tương đối hiệu quả.
Trên mặt đường bằng phẳng, máy đo độ ồn đặt trong xe luôn dao động quanh mức 63 Decibel (Db) và chỉ khi xe chạy qua những cung đường gồ ghề thì độ ồn mới bị đẩy lên mức 68 Db nhưng không bị vượt ngưỡng 70 Db nên 4 thành viên luôn được thoải mái để tận hưởng những bản nhạc Tây Nguyên hùng tráng phát ra từ hệ thống dàn âm thanh CD 6 đĩa nối với 4 loa chất lượng cao.
Di chuyển sang địa phận tỉnh Kon Tum, bề mặt đường có xu hướng thu hẹp lại và ngày càng dốc. Mặc dù vậy, chiếc đa dụng thể thao 5 chỗ vẫn thể hiện khả năng lái chính xác và mạnh mẽ cho dù chặng đường đi phải liên tục lên dốc. Giữ đều chân ga ở tốc độ 70 km/giờ, chiếc xe có trọng lượng tịnh 1.583 kg cho thấy khả năng leo dốc ổn định mà động cơ không bị gào trong khi đồng hồ vòng tua vẫn không vượt ngưỡng 2.500 vòng/phút.
Băng qua những cung đường nhựa và bê tông quanh co uốn lượn, chiếc Escape XLS không mất nhiều thời gian để đưa người viết cùng 3 đồng nghiệp đặt chân đến chân đèo Violắc, nơi được mệnh danh là đèo Hải Vân thu nhỏ với những đoạn đường gấp khúc và vách núi thẳng đứng.
Mặc dù đã làm quen với những con dốc cao trên chặng đường trước đó, nhưng 4 thành viên trong đoàn thử xe vẫn không khỏi e dè trước những con dốc thẳng đứng trên đèo. Tuy nhiên, cỗ máy công suất cực đại 143 mã lực không vì thế mà tỏ ra yếu đuối. Chỉ với thao tác chuyển cần số sang số 2 của hộp số bán tự động 4 cấp, người viết nhích nhẹ chân ga là chiếc xe đã có thể vượt dốc nhẹ nhàng.
Khoảng sáng gầm xe chỉ ở mức 200 mm cũng là thuận lợi lớn khi vận hành trên đèo núi. Trọng tâm thấp giúp khả năng tăng tốc để tận dụng đà ở cuối mỗi góc cua rất dễ dàng mà không lo bị văng đuôi hay bênh bánh sau. Cũng bởi vậy mà động cơ xe không phải liên tục hoạt động ở cường độ cao làm cho người ngồi trong xe không bị ù bởi tiếng ồn cũng như làm giảm thiểu việc tiêu tốn nhiên liệu khi đi đường đèo dốc.
Băng qua bản làng của người H'rê với những nếp nhà sàn còn hoang sơ, chiếc Escape XLS vẫn lầm lũi leo lên đỉnh đèo với tốc độ chỉ ở mức 40 km/giờ trên mặt đường ngày càng xấu. Ổ gà, ổ voi liên tục xuất hiện khiến chiếc xe không khỏi bị rung lắc. Nhưng nhờ hệ thống treo trước độc lập dạng lò xo trụ thanh giằng kết hợp với treo sau đa điểm nối hoạt động linh hoạt nên chiếc xe không mất nhiều thời gian để trở lại vị trí cân bằng.
Gần đến đỉnh đèo, không khí trở nên loãng và trong lành hơn, cả đoàn thử xe quyết định tắt điều hòa và hạ kính để cảm nhận khí thiêng rừng núi mà rất ít khi được tận hưởng khi sống trong thành phố.
Mặc dù đã 11 giờ trưa mùa hè, nhưng trên con đường giữa một bên là vách núi, bên kia là vực sâu vẫn đâu đó còn những đám sương mù che phủ kín cả cung đường. Những hạt nước li ti cũng vì thế mà đọng lại trên kính lái của chiếc Escape mỗi khi băng qua một đám sương dầy. Hệ thống gạt nước cũng vì thế mà có lý do để hoạt động và nhanh chóng xua đi những lớp nước mỏng để trả lại tầm quan sát cho người điều khiển.
Ở độ cao 1.300 m so với mực nước biển, trên đỉnh đèo mà 4 bề là núi và núi, chúng tôi phải sử dụng đến hệ thống đèn gầm trang bị trên Escape thì mới đủ tầm nhìn cho xe vận hành tiếp. Và dưới lớp sương dầy, mặt đường trở nên trơn trượt, bộ lốp 215 mm/70R16 có phần mẫn cảm với bóng nước trên đường.
Trong một số trường hợp, chiếc Escape cũng có những hạn chế và tỏ ra khó khăn khi phải leo trên con dốc cao trên 15% phủ đầy nước. Khi đó, nếu người viết nhấn chân ga hơi mạnh là lốp sau của chiếc xe quay tít và mài trên mặt đường trước khi đủ lực đẩy xe băng qua dốc. Tuy vậy, để khắc chế điểm yếu này, chỉ cần gài số 1 và nhấn ga nhẹ nhàng là Escape XLS lại trở lại chính mình.
Vượt qua đèo, bầu trời trở nên quang đãng, những cung đường quanh co uốn lượn liên tiếp nối nhau xuất hiện. Và chiếc xe có trang bị hai túi khí phía trước lại tiếp tục chứng tỏ khả năng vận hành linh hoạt nhờ vô-lăng điều khiển chính xác trên từng khúc cua cho dù xe đang chạy với tốc độ không hề chậm (trên dưới 70 km/giờ).
Sau 6 giờ di chuyển liên tục trên quãng đường đèo núi dài 320 km, đoàn thử xe cũng đã đặt chân đến Kon Tum. Một đêm nghỉ ngơi và thăm thú vùng đất Tây Nguyên tuy không nhiều nhưng cũng đủ đem đến cảm giác đầy thích thú và làm xua đi cảm giác mệt mỏi trước hành trình đổ đèo quay trở về Đà Nẵng vào sáng sớm hôm sau.
Kết thúc hành trình trở về dưới sự hỗ trợ của hộp số bán tự động cùng hệ thống phanh đĩa tản nhiệt phía trước và tang trống phía sau kết hợp với hệ thống phân bổ lực phanh EBD và chống bó cứng phanh ABS, chiếc Escape XLS đã đưa chúng tôi đến đích an toàn mà tiêu tốn vỏn vẹn 70 lít xăng.
Hình ảnh chi tiết Ford Escape XLS:
(Theo Vneconomy)