Nói đến Ferrari người viết e rằng mình không đủ từ ngữ để tả hết vẻ đẹp và sức mạnh mà mỗi sản phẩm của nó mang lại. Quả thật nhìn thấy hình ảnh những chiếc "F" mới chào đời người ta sẽ hiểu được thế nào là tình yêu sét đánh.
Một khối hình rực đỏ với những đường cong hoàn hảo sẵn sàng “tấn công” thẳng vào tất cả các giác quan của người chiêm ngưỡng và chinh phục hoàn toàn những ai lỡ nhìn thấy nó.
Để rồi từ đó về sau cứ mỗi lần nhìn thấy logo mang hình con tuấn mã đang tung vó (the Prancing horse) người ta lại thắc thỏm: Lẽ nào đó là kiệt tác của con người!
Phải chăng biết bao người cũng từ đó mà tương tư, mong một lần được chạm vào tay lái, được thử cảm giác say đă khi tăng tốc trong chớp mắt và lướt đi với tốc độ hơn 300km/h. Cũng dễ hiểu vì sao người ta dành cho Ferrari một tình yêu tuyệt đối, vì bản thân sự ra đời của nó cũng bắt nguồn từ tình yêu và niềm đam mê của Enzo Ferrari huyền thoại.
Cậu bé Enzo ấy lúc lên 10 đã "thầm thương trộm nhớ" những chiếc xe đua; 13 tuổi đã bắt đầu ôm tay lái; sau khi bỏ học vì cha mất, cậu bắt đầu làm việc như một thợ cơ khí tại garage và ôm giấc mơ trở thành tay đua kiệt xuất. Năm 20 tuổi, Enzo tham gia cuộc đua đầu tiên và xếp hạng thứ 4; hai năm sau cậu được tham gia vào nhóm lái xe đua Alfa Romeo nổi đình nổi đám tại Ý và nhanh chóng trở thành một cuarơ thực thụ.
Tuy nhiên, nhận thấy mình thích hợp trong vai trò quản lý đội đua hơn là cầm lái, Ferrari trẻ tuổi chuyển sang tập trung vào công việc tổ chức và sau đó chiếm giữ vị trí trụ cột trong việc tổ chức xe đua Alfa Romeo. Năm 1929 Enzo lập ra đội ngũ riêng là Scuderia Ferrari chuyên hỗ trợ trang bị, sửa chữa và lái xe đua Alfa Romeo.
Những năm 1930, dưới sự dẫn dắt của Ferrari, đội đua liên tục giành nhiều thắng lợi lớn. Sau chiến tranh thế giới thứ II, Enzo bắt đầu cho ra đời chiếc xe của riêng mình với khả năng vận hành mạnh mẽ nhất thời bấy giờ. Chiếc Ferrari đầu tiên là chiếc 125S động cơ 12 xylanh ra mắt vào tháng 3 năm 1947.
Không thể nghi ngờ gì về kỹ thuật của những chiếc xe do Ferrari sản xuất, hơn thế nữa kiểu dáng đặc sắc và quyến rũ của nó cũng chinh phục cả thế giới và trở thành đối tượng của những nghệ sĩ, ngôi sao điện ảnh và các đại gia ở khắp nơi. Những con ngựa đỏ chắc chắn không thể thiếu trong bộ sưu tập xe của các siêu sao thể thao như Michael Owen, David Beckham hay ca sĩ, diễn viên điện ảnh nổi tiếng Quách Phú Thành...
Ferrari cũng là niềm khao khát của phái yếu, nhưng dường như nó chỉ phù hợp với những người đẹp cá tính hay những tay đua nữ siêu hạng. Hiện nay, Ferrari thuộc sở hữu của tập đoàn Fiat và đứa con thứ hai của Enzo là Piero Ferrari cũng nắm 10% cổ phần, tiếp tục phát triển sự nghiệp cha để lại.
Những điều mà Ferrari mang lại cho công nghệ ôtô nước Ý nói riêng và thế giới nói chung quả thật vô giá. Tuy nhiên, lịch sử 60 năm lừng lẫy nắm giữ vô số thành tích kỷ lục trong giải đua F1 của Ferrari hẳn sẽ hoàn hảo hơn nếu mùa giải năm nay Ferrari không bị thất bại thảm hại, cách xa điểm số của hai đối thủ hiện đang dẫn đầu bảng là Brawn GP và Renault.
Đáng buồn thay chỉ còn 2 tháng nữa là mùa giải kết thúc và dường như không còn hy vọng cho đội đua màu đỏ huyền thoại này. Tại Việt Nam, những ai là “fan” hâm mộ thể thao đặc biệt là đam mê tốc độ và những cuộc đua F1 chắc chắn đều ngưỡng mộ thương hiệu siêu xe thể thao này. Chiếc Ferrari lần đầu tiên xuất hiện tại Sài Gòn chỉ mới cách đây hai năm, chủ nhân của nó là một "thiếu gia" nổi tiếng trong làng chơi xe.
Tay chơi... trội này sở hữu tới 3 chiếc Ferrari gồm 360 Spider đời cuối năm 2004, chiếc F430 và F430 Spider về cùng cho... có bạn. Cạnh tranh với "thiếu gia Sài thành", Hà Nội cũng xuất hiện chiếc 360 Spider vào cuối năm 2008 và gần đây nhất là Ferrari 559 GTB, chiếc xe có động cơ mạnh nhất từ trước đến nay mà hãng từng sản xuất với giá bán không dưới 260.000 USD.
Những chiếc siêu xe hẳn cũng thỏa mãn niềm tự hào, nỗi đam mê hoặc lý do đặc biệt nào khác của chủ nhân nhưng thiết nghĩ với giới hạn vận tốc và địa hình khó thở ở Việt Nam hiện nay thì ngoài việc khoe sắc đẹp nó chỉ có thể được đem "trùm mền" chứ không thể phô diễn hết khả năng vận hành của mình. Nhưng liệu sự xa xỉ này có giúp cho các nhà sản xuất Italy đoái hoài đến thị trường Việt Nam? Chúng ta hãy cùng chờ đợi!