Ford đã “qua mặt” đối thủ đồng hương General Motors (GM), vươn lên thành hãng xe có doanh số cao nhất tại Mỹ trong tháng 2/2010. Doanh số của Toyota tại Mỹ giảm mạnh, nhưng không đồng nghĩa với việc khách hàng đã bỏ Toyota để đến với các hãng xe khác vì sự cố thu hồi xe.
CNN cho biết, theo thống kê công bố ngày 2/3, trong tháng 2/2010, Ford bán được 142.285 xe tại Mỹ, so với mức 141.951 xe của GM. Đây là tháng đầu tiên mà Ford vượt GM về mặt doanh số kể từ năm 1998, năm mà doanh số của GM giảm mạnh do đình công.
Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Ford, ông Alan Mulally, lau bóng cho mẫu xe Ford Focus mới tại một triển lãm ôtô quốc tế ở Detroit, Mỹ, ngày 12/1/2010 - Ảnh: Reuters. |
Ford cũng đạt mức tăng trưởng doanh số tới 43% so với cùng kỳ năm trước tại thị trường quê hương trong tháng 2 vừa qua. Trong khi đó, GM - hãng xe trước đó vẫn giữ ngôi quán quân của thị trường ôtô Mỹ - chỉ đạt mức tăng trưởng doanh số 12%.
Tháng 2 vừa qua đã ghi nhận sự khởi sắc xa hơn của thị trường ôtô Mỹ sau thời gian khủng hoảng và suy thoái, với mức tăng doanh số toàn thị trường là 13%. Ngoài Ford và GM, một số hãng xe khác như Nissan, Honda, và Hyundai cũng đạt mức tăng trưởng doanh số hai chữ số tại thị trường Mỹ trong tháng vừa qua, tương ứng lần lượt là 29%, 13% và 11%. Một ngoại lệ là Toyota. Một phần do ảnh hưởng của sự cố thu hồi xe nghiêm trọng đang diễn ra, số xe mà hãng này bán được tại Mỹ trong tháng 2 đã giảm 9%.
Tuy nhiên, giới phân tích tỏ ra thận trọng khi chỉ ra rằng, đóng góp chủ yếu cho sự tăng trưởng doanh số này là các khách hàng mua buôn, chẳng hạn các công ty cho thuê xe, thay vì người tiêu dùng cá nhân. Thời gian này, những đợt thu hồi xe của Toyota, thời tiết bão tuyết ở Mỹ, và những mối lo kinh tế chưa dứt là vài trong số những lý do khiến người dân nước này ít lui tới các cửa hàng bán xe hơn.
Mặt khác, cũng do tháng 2/2009 là tháng tồi tệ nhất của ngành thị trường xe Mỹ trong gần 3 thập kỷ, nên mức tăng trưởng doanh số trong tháng 2 năm nay cũng không được giới quan sát đánh giá quá cao.
Do ảnh hưởng từ vụ thu hồi 8,5 triệu xe trên toàn cầu, Toyota đã chứng kiến sự suy giảm doanh số của hầu hết các mẫu xe trong tháng 2 tại Mỹ. Mặc dù vậy, doanh số của loại xe chạy nhiên liệu tổ hợp (hybrid) hiệu Prius của hãng trong tháng vẫn tăng tới 10%, bất chấp Prius cũng bị liệt vào danh sách thu hồi do sự cố chân phanh.
Theo ông Bob Carter, Tổng giám đốc Toyota tại thị trường Bắc Mỹ, số khách mua Toyota lần đầu có giảm, nhưng số khách đã từng sở hữu xe Toyota không giảm là mấy. Ông Carter cho rằng, nhiều người tiêu dùng đang trì hoãn việc mua xe để chờ các chương trình ưu đãi nhằm giành lại khách hàng của hãng.
Cho tới thời điểm này, Toyota đã tung ra nhiều chương trình thu hút khách hàng, bao gồm cho vay mua xe lãi suất 0% kỳ hạn 5 năm đối với 80% số mẫu xe, giảm giá thuê, hai năm bảo hành định kỳ miễn phí đối với khách hàng đang sử dụng xe của hãng… GM cũng đáp trả bằng một chương trình cho vay mua xe không tính lãi áp dụng cho hơn một nửa số mẫu xe đời 2010. Về phần mình, Ford đang cân nhắc những biện pháp hút khách mới.
Các chuyên gia nhận định, trong tháng 2 vừa qua, khủng hoảng thu hồi xe đã không tác động tới doanh số của Toyota cũng như làm lợi cho các đối thủ của hãng tới mức mạnh như dự báo. Bằng chứng là mức giảm doanh số 9% của Toyota không sâu như những gì người ta lo ngại, trong khi mức tăng trưởng doanh số 12% của Ford thấp hơn mức kỳ vọng của các nhà chuyên môn. Đối với Ford, nếu không tính mảng xe bán đổ cho các công ty, thì doanh số cũng chỉ tăng 13%.
Nếu như hình ảnh Toyota đang bị sứt mẻ nặng nề vì sự cố thu hồi, thì GM cũng vừa công bố một đợt triệu hồi 1,3 triệu xe tại một số thị trường bao gồm Mỹ. Bởi vậy, theo giới phân tích, Ford đang có cơ hội tốt để củng cố vị trí tại “sân nhà”.
5 hãng xe hàng đầu tại Mỹ về doanh số trong tháng 2/2010 lần lượt là Ford, GM, Toyota, Chrysler, và Honda.
(Theo Mai Phương // Vneconomy)