Trong bối cảnh đời sống kinh tế khó khăn, khi giá xăng liên tiếp tăng cao, người tiêu dùng cũng buộc phải xem xét lại khả năng cầm cự với chiếc xe được đến đâu. |
Hẳn là nhiều độc giả sẽ thắc mắc tại sao bài viết liên quan đến xe cộ lại có tiêu đề… cờ Tướng. Vậy, tôi xin được hầu chuyện bằng một gợi ý khá thú vị mà tình cờ có lần tôi đọc trên một trang thông tin điện tử:
“Sau nhiều lần tổng kết và chiêm nghiệm, các cụ hưu trí ở câu lạc bộ cờ Tướng, công viên Thống Nhất, Hà Nội đã chính thức gọi quân Tốt trong bàn cờ là quân “Xăng”. Theo các cụ, sở dĩ quân Tốt mang tên này là bởi nó có đặc tính rất giống Xăng, luôn tiến lên phía trước, bí lắm thì đi ngang, không bao giờ lùi; giá Xăng cũng vậy, luôn luôn tăng, ổn định một thời gian ngắn rồi lại “xe tăng” tiếp, không chịu giảm bao giờ”.
Nhân có sự đồng âm về tên gọi của quân Xe trong môn cờ Tướng với chiếc Xe (ôtô, xe máy), tôi chợt liên tưởng đến một vài quan hệ thú vị giữa giá Xăng (quân Tốt) và chiếc Xe (quân Xe).
Bữa nọ, vừa ngồi xuống bàn cà phê, anh đồng nghiệp đã than “giá xăng độ này kinh quá”. Sau lần điều chỉnh ngày 20/4, giá xăng A92 đã vọt lên mức 23.800 đồng mỗi lít. Nếu như trước đây, mỗi chuyến gia đình anh về quê trên chiếc Ford Escape 2.3L, anh chỉ phải đổ 500.000 đồng tiền xăng cho toàn chặng thì bây giờ, số tiền ấy đã xấp xỉ 700.000 đồng.
Như cách ví von của các cụ bên bàn cờ tướng, trong một thế cờ mà đối phương (xem như người tiêu dùng) đang bị ép từ nhiều phía, một nước “dí Xăng” cũng đủ khiến bên kia phải lao đao. Quân Xe dù có lợi thế đến đâu cũng phải lùi xa, thậm chí để cầm cự chờ phản công, việc buộc phải “thí” Xe cho quân Xăng cũng là lẽ thường.
Trong bối cảnh đời sống kinh tế khó khăn, khi giá xăng liên tiếp tăng cao, người tiêu dùng cũng buộc phải xem xét lại khả năng cầm cự với chiếc xe được đến đâu.
Không phải tất cả những người có xe ôtô đều là những người giàu, hay chí ít là trung lưu, khá giả. Với họ, đôi khi giá xăng tăng vài nghìn đồng chẳng thấm vào đâu. Nhưng cũng không ít người dù chưa dư dả vẫn buộc phải dùng ôtô làm phương tiện kiếm sống, đi lại. Có khi, giá trị chiếc “bốn bánh” của họ chẳng bằng một chiếc xe máy; có khi, tiền mua xăng nửa năm cũng dư sức “thổi bay” giá trị của chiếc xe ấy. Phàm đã là xe rẻ tiền thì hoặc chất lượng kém hoặc xe đã quá “đát”. Mà xe càng cũ nát càng ngốn xăng dữ dội.
Anh bạn đồng hương của tôi vừa tậu được chiếc Toyota Camry đời “ơ kìa”. Anh chăm chút nó từng tí một, rảnh lúc nào lau rửa lúc ấy. Nhưng những ngày này, sự “yêu chiều” của anh cũng nhạt dần, thưa dần. Tội tình là chẳng mấy khi anh dám rong xe đi làm nữa, ngoại trừ những bận đưa vợ con đi cùng, chỉ vì cái khả năng “nốc” đến 13-15 lít xăng để đi được 100 cây số của chiếc xe.
Đi “bốn bánh” là thế, người đi xe “hai bánh” cũng không phải không xót ruột. Nói đâu xa, cô bạn tôi làm ở một cơ quan nhà nước cách nhà 15 cây số. Từ ngày giá xăng thêm một lần tăng, cô chuyển giao luôn nhiệm vụ đưa đón con cho chồng để bản thân mình đi sớm về muộn bằng xe buýt.
Bài toán của cô bạn tôi rất đơn giản: Chiếc Attila Victoria đời 2006 của cô tiêu tốn trung bình 200.000 đồng tiền xăng mỗi tuần, tức khoảng 40.000 đồng/ngày làm việc và 800.000 đồng/tháng. Số tiền này bằng đúng 25% tổng lương tháng của một công chức hưởng bậc lương 3.0 như cô. Chuyển sang đi xe buýt, cô chỉ mất tối đa 10.000 đồng/ngày, theo đó tiết kiệm được khoảng 600.000 đồng/tháng, vừa đủ khoản tiền học phí cho đứa bé đang theo trường mầm non.
Trở lại môn cờ Tướng. Trên một bàn cờ, vai trò và thực lực giữa quân Tốt với quân Xe là rất khác nhau và có sự cách biệt rất lớn. Trong khi Xe thường chiếm thế thượng phong và nắm vai trò quyết định đến từng ván cờ thì Tốt ngược lại. Tuy nhiên, cũng có những thế cờ, đặc biệt là ở giai đoạn tàn cuộc, quân Xe bỗng chốc trở nên vô dụng còn quân Tốt lại quyết định đến sự thành bại của một ván cờ.
Bây giờ, mỗi khi đến công viên Thống Nhất xem các cụ đánh cờ, hễ nghe cụ nào hô “tiến quân Xăng” là cảm giác buồn vui lẫn lộn lại trực ập về.
(Theo Vneconomy)