Việc “chạy” phí trót lọt trước ngày 1/1/2012 không hề dễ trong thời điểm hiện nay, vì thời gian còn quá ít và lượng xe bán ra cũng không có sẵn - Ảnh: Bobi. |
Sau ngày 1/1/2012, số tiền để sở hữu một chiếc xe hơi sẽ bị đội thêm từ vài chục tới cả trăm triệu đồng, thậm chí cả tỷ đồng với những dòng xe siêu sang hoặc siêu xe.
Tuy thế, cả người muốn mua xe lẫn kẻ mong bán đều đang có cái khó trong cuộc đua chạy phí trước bạ tại Hà Nội và Tp.HCM hiện nay.
Chẳng dễ cán đích 1/1/2012
Mua xe chạy thuế, phí không còn là hiện tượng hiếm ở Việt Nam khi mà cứ sau một thời gian, các loại thuế và phí liên quan đến xe hơi lại có sự điều chỉnh, mà phần lớn là theo chiều hướng gia tăng, khiến không ít người tiêu dùng đang và sắp có nhu cầu phải vội vàng mua xe.
Còn nhớ cùng thời điểm này 3 năm trước (cuối 2008), thị trường xe tại Hà Nội ít nhiều nổi sóng vì phí trước bạ tăng từ 10% lên 12%. Cũng vào dịp cuối năm 2009, việc điều chỉnh thuế nhập khẩu xe làm thị trường xe sôi động hơn hẳn và khiến người tiêu dùng phải “nhấp nhổm” mua nhanh để chạy thuế.
Năm nay cũng vậy, người có nhu cầu mua xe đang rất “nóng ruột” khi phí trước bạ tại Hà Nội tăng thêm 8% còn phí ở Tp.HCM tăng thêm 5%. Ngoài ra, mức phí làm biển số xe cũng tăng thêm gấp 10 lần so với trong năm nay.
Có thể nhẩm tính số tiền chênh lệch khi mua một chiếc xe trị giá 1 tỷ đồng trước và sau ngày 1/1/2012, người tiêu dùng Hà Nội sẽ phải chi thêm 8% x 1 tỷ + 18 triệu = 98 triệu đồng trong khi đó số tiền tăng thêm tại Tp.HCM ít nhất cũng phải là 50 triệu đồng.
Nóng ruột là vậy nhưng việc “chạy” phí trót lọt trước ngày 1/1/2012 không hề dễ trong thời điểm hiện nay, vì thời gian còn quá ít và lượng xe bán ra cũng không có sẵn. Một số khách hàng đã chọn giải pháp chỉ cần có xe để mua đúng nhu cầu mà không quan tâm đến thương hiệu, đặc biệt là các dòng xe bình dân dưới 1 tỷ đồng, nhưng thực tế trên thị trường cũng không dễ để họ có thể thực hiện được điều đó.
Có xe thì khó bán, dễ bán thì không có xe
Sẽ là không khách quan nếu nói thị trường “náo loạn” hoặc sốt xình xịch vì phí trước bạ bởi nếu so với những đợt chạy thuế phí trước đây, thị trường xe cuối năm nay không quá sôi động mà chỉ ít nhiều “ấm” hơn trước.
Các dòng xe và thương hiệu xe “hot” thì không có xe để bán, còn một số dòng xe và thương hiệu bán chậm thì cũng không cải thiện nhiều về doanh số.
Những dòng xe hạng sang như Porsche, BMW, Audi thì đều đã bán hết chỉ tiêu trong năm từ hơn một tháng nay. Nhà phân phối cũng đã có những biện pháp xin hạn ngạch xe của năm sau để bán nhưng nếu nhận được sự hỗ trợ từ hãng thì cũng không kịp vận chuyển xe về để giao cho khách hàng còn lại là không được do kế hoạch của nhà sản xuất chỉ đủ làm trong năm cho từng thị trường. Do vậy, khách hàng muốn mua các dòng xe này từ các nhà phân phối chính hãng để chạy thuế cũng rất khó khăn.
Trong khi đó, đối với các dòng xe bán chạy nhất tại Việt Nam trong những năm qua là Toyota lại cũng không có nhiều xe để bán. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này đối với liên doanh Nhật Bản chính là ảnh hưởng của trận động đất và sóng thần hồi đầu năm, tiếp theo đó là ảnh hưởng của lũ lụt kéo dài tại Thái Lan dẫn đến thiếu phụ tùng, linh kiện để lắp ráp xe.
Mặc dù, hai thương hiệu Hyundai và Kia hầu như không bị ảnh hưởng gì trong năm nay, và cũng đang có doanh số bán hàng nằm trong nhóm cao nhất. Khi lượng khách hàng dồn vào hai thương hiệu này tăng đột biến đã dẫn đến tình trạng dồn ứ, nên nhiều trường hợp cũng đành ngậm ngùi nhận xe vào năm sau.
Với Ford, dòng xe có nhiều khách hàng đặt mua nhất là Fiesta cũng luôn trong tình trạng thiếu hàng kể từ ngày tung ra thị trường (21/4/2011), còn các dòng khác tuy bán tốt hơn nhưng cũng không gây đột biến do mẫu mã không có nhiều thay đổi so với các năm trước đây. Gần giống như Ford, Honda với hai mẫu xe Civic và CRV ít đổi mới cũng làm giảm sức hút của lượng khách mua chạy thuế trong dịp này.
Cũng có những thương hiệu lớn như Volkswagen và Renault không nằm trong danh sách lựa chọn mua xe chạy thuế của người tiêu dùng, do lượng xe cung cấp từ hai đơn vị này quá ít, mức giá bán lại tương đối cao và thiếu khả năng cạnh tranh.
Ngược với quy luật các năm trước đây, khi các liên doanh và nhà nhập khẩu chính hãng trong tình trạng thiếu cung, thì hệ thống bán hàng không chính hãng vẫn luôn là lựa chọn bổ sung và hợp lý với người tiêu dùng. Tuy nhiên, sau thông tư 20 về hạn chế xe nhập khẩu, hệ thống bán hàng này cũng thiếu xe trầm trọng, hầu hết đều xe đang bán nằm trong dạng nhập khẩu trước khi thông tư 20 có hiệu lực.
Chọn làm “nông dân”
Trong khi người mua muốn có xe để đăng ký trước giờ G, thì người bán đang rất sốt ruột với những hợp đồng mua bán vào thời điểm gần đây. Những hợp đồng giao xe trong năm nhưng đến nay vẫn chưa có hàng vì lý do sản xuất hay vận chuyển đang là vấn đề nan giải. Chỉ cần bước sang ngày 1/1/2012, rất có thể khách hàng sẽ hủy hợp đồng mua bán để tìm một phương án khác phù hợp hơn.
Khi đó, không những người bán phải trả lại tiền cọc vì thực hiện sai hợp đồng mà còn phải chi trả hàng loạt chi phí phát sinh do xe không giao được như lãi ngân hàng, phí lưu xe,… Cũng vì lẽ đó, mà một số cơ sở bán hàng đã chuẩn bị trước phương án đứng ra chịu thuế trước bạ và tiền biển hoặc đàm phán với khách hàng nhằm chia sẻ phần phí chênh lệch. Mặc dù vậy, với phương án nào đi chăng nữa thì người bán cũng vẫn bị ảnh hưởng đến kế hoạch kinh doanh, giảm nguồn thu, thậm chí phải bán lỗ để thực hiện đúng hợp đồng.
Chạy thuế không nổi vì thời gian ngắn, không ít người đành chọn giải pháp thành “nông dân” khi từ bỏ biển Hà Nội và Tp.HCM để tậu biển ngoại tỉnh cho đỡ tiền bởi nếu có “ngán” xe mới, chơi xe cũ cũng không dễ. Giá xe cũ hiện không hề thấp và lựa chọn mua xe cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro.
(Theo Vneconomy