Thật khó hình dung ra được xã hội loài người hiện tại sẽ ra sao nếu như không có ô tô và không còn ô tô. Thời hoàng kim của thương hiệu ô tô Ford đã qua từ lâu, nhưng nếu như không có thương hiệu này thì thế giới ô tô chắc chắn chưa phát triển đến như hiện nay.
Nếu coi thành phố Detroit là kinh đô ô tô của nước Mỹ thì cũng có thể nói nước Mỹ không có kinh đô ấy nếu như không có Henry Ford. Henry Ford sinh năm 1863 trong một trang trại ở Dearborn, ngoại ô thành phố Detroit (Mỹ).
Herry Ford bên cạnh chiếc ô tô mình chế tạo
Ngay từ khi còn bé, Henry Ford đã thể hiện sự ham mê đặc biệt dành cho máy móc. Năm 16 tuổi, Henry đến Detroit để học nghề cơ khí, giúp việc trong một xí nghiệp chế tạo máy và sửa chữa đồng hồ để có thêm tiền. Dần dần, anh trở thành một chuyên gia về động cơ hơi nước và động cơ chạy bằng khí đốt. Năm 1893, Henry trở thành kỹ sư trưởng của Công ty Edison Illumination Company.
Nước Mỹ không phải là nơi chế tạo ra chiếc ô tô đầu tiên. Châu Âu mới là nơi đi vào lịch sử với vinh dự đó. Nhưng nước Mỹ không thiếu người mày mò và ấp ủ tham vọng chế tạo ô tô. Đa số những nhà phát minh và sáng chế này sử dụng năng lượng là hơi nước hoặc động cơ điện. Chỉ Ford là nghĩ khác. Ford cho rằng tương lai phải thuộc về loại xe ô tô trọng lượng nhẹ và chạy bằng nhiên liệu. Trong gian phòng không có than sưởi của ngôi nhà thuê trọ, anh đã mày mò tự chế tạo ra chiếc ô tô đầu tiên. Phải mất ba năm, đến rạng sáng ngày 4/6/1896, chiếc ô tô đầu tiên của Henry Ford được trình diện với thế giới. Người ta còn kể lại câu chuyện rằng, vì chiếc xe quá to nên không lọt qua cửa, Henry Ford đã phá tung cả bức tường để mở đường cho chiếc xe lăn ra ngoài. Nước Mỹ có được chiếc ô tô đầu tiên như vậy.
Và tất nhiên, cũng từ thời điểm đó, Henry Ford bắt đầu bước vào vòng sáng của vinh quang và sự nổi tiếng. Nhiều nhà tài trợ nhìn thấy ở sáng chế của anh cơ hội kiếm lời. Năm 1899, Ford rời Công ty Edison Illumination và cùng với một số người khác góp vốn thành lập công ty Detroit Automobile Company và bốn năm sau - cùng với các nhà tài trợ mới - Công ty Ford Motor Company chính thức ra đời. Thời đó, ở nước Mỹ, ô tô là hàng xa xỉ mà chỉ người giàu mới có thể sở hữu. Cũng ở thời đó, ngành chế tạo ô tô tuy còn non trẻ nhưng đầy hứa hẹn nên được tập trung đầu tư rất nhiều. Từ năm 1900 đến 1908, ở nước Mỹ có tới 500 công ty chế tạo ô tô và sản xuất phụ kiện ô tô được thành lập (dù rằng 300 trong số đó bị phá sản). Đa số những công ty này đều chỉ là nơi lắp ráp ô tô. Họ phá sản vì thiếu tiền sản xuất, vì không có được kiểu dáng mẫu mã mới. Họ phá sản vì xe ô tô là thứ hàng xa xỉ.
Henry Ford chắc chắn không phải là người đầu tiên ở Mỹ nghĩ đến việc sản xuất xe ô tô cho số đông, nhưng lại là người đầu tiên thực hiện được ý tưởng đó. Rắc rối ở chỗ những nhà tài trợ khác của Ford Motor Company không muốn công ty này chuyển hướng chiến lược sản xuất nhắm vào loại xe hạng trung bình cho số đông. Họ đe dọa giải tán công ty và buộc Ford phải lập mưu “gài bẫy”. Năm 1905, Ford thành lập một công ty con chuyên cung cấp phụ kiện ô tô cho công ty mẹ nhưng với giá đắt tới mức mọi lợi nhuận cứ dồn tụ vào công ty con. Những đối tác phản đối buộc phải bán dần cổ phần cho Ford. Ford giành về 51% cổ phần và năm 1919 sở hữu toàn bộ công ty mẹ.
Xa xỉ không của riêng ai
Chiến lược kinh doanh của Henry Ford là chế tạo loại xe ô tô mới mà đặc trưng của nó có thể gói gọn trong hai từ: Đơn giản. Chế tạo đơn giản, lái xe đơn giản và duy tu bảo dưỡng đơn giản, đương nhiên với giá bán ở mức độ mà nhiều người bình thường có thể mua được. Nền tảng cho sự thăng hoa của thương hiệu này chính ở chỗ đó. Loại xe Model T được xuất xưởng năm 1908 đáp ứng tất cả các tiêu chuẩn ấy và phá vỡ mọi kỷ lục đã được thiết lập trong ngành công nghiệp chế tạo ô tô của nước Mỹ. Loại xe này có bánh xe cao, trọng lượng nhẹ mà rất bền vững, động cơ mạnh và thích hợp trên mọi loại địa hình, rất dễ sửa chữa và thay thế phụ tùng. Tất cả phụ tùng đều được tiêu chuẩn hóa nên ngay cả người lái xe bình thường cũng có thể tự sửa chữa và thay thế. Giá bán 850 USD/chiếc, rẻ hơn nhiều so với các loại xe xa xỉ vốn bán ra với giá không dưới 2.000 USD.
Xe bán chạy có nghĩa là phải sản xuất nhiều. Muốn sản xuất nhiều thì phải tăng năng suất và tăng ca sản xuất. Các kỹ sư của Ford rút ngắn quy trình sản xuất, chế tạo ra nhiều máy móc chuyên dụng và tiêu chuẩn hóa đến mức người lao động bình thường cũng dễ dàng làm được những công đoạn chính xác. Và Ford là người đầu tiên đưa vào thực hiện sản xuất hàng loạt bằng băng chuyền, phân chia thành những công đoạn liên hoàn. Trong hồi ký, Ford kể lại là đã có được ý tưởng ấy nhân một lần quan sát hệ thống vận chuyển treo trong… một lò mổ bò. Ford là người đầu tiên để ý đến việc cải tiến tổ chức quy trình sản xuất mà về sau này được gọi chung bằng khái niệm “hợp lý hóa sản xuất”. Henry Ford không chỉ đã phát minh ra dây chuyền sản xuất mà còn cả cái gọi là “học thuyết về sức mua” với nội dung chủ yếu là giảm giá bán và tăng lương của công nhân. Giảm giá bán để ngày càng có nhiều người đủ khả năng mua xe mới, tức là tăng tiêu thụ. Tăng lương nhân công để giữ chân họ gắn với công ty, tránh tình trạng chảy máu chất xám và chuyên môn sang phía các đối thủ cạnh trạnh. Thời đó, các tổ chức công đoàn ở châu Âu đổ xô sang học tập kinh nghiệm ở Ford chính vì lẽ đó.
Mặc dù vậy, Ford không tính hết là khi khách hàng trở nên giàu có hơn thì nhu cầu của họ cũng thay đổi. Xí nghiệp của Ford chuyên môn hóa cao nên khó đổi mới thiết bị và dây chuyền công nghệ. Khi chiếc ô tô không còn chỉ là phương tiện đi lại, mà còn là một vật sở hữu đáng hãnh diện thì xe rẻ tiền của Ford mất dần sức hấp dẫn. Henry Ford có được thời kỳ hoàng kim, nhưng rồi lại bị mắc vào cái bẫy của chính mình. Ford càng bám giữ vào ý tưởng cũ, càng chậm đổi mới thì càng tạo cơ hội cho đối thủ cạnh tranh vươn lên thắng thế. Giai đoạn từ năm 1926 đến 1927, Ford buộc phải đầu tư vào loại xe mới và cũng bán rất chạy, nhưng khi đó đã quá muộn - General Motors đã vươn lên bỏ Ford lại phía sau. Các nhà viết sử ngành công nghiệp chế tạo ô tô ở Mỹ đều nhất trí rằng, GM sẽ không bao giờ có cơ hội giành vị trí đầu bảng nếu Ford không mắc phải những sai lầm nói trên.
Theo thời gian, giờ đây Ford chỉ còn là một trong vô vàn thương hiệu ô tô khác ở Mỹ và trên thế giới. Nhưng quá trình xây dựng và phát triển thương hiệu này vẫn có ý nghĩa như một cuộc cách mạng thực sự từng xảy ra trong ngành công nghiệp chế tạo ô tô.
(Theo Ngư Phủ // Báo Doanh nhân)