Xe hơi Trung Quốc thương xuyên ăn cắp mẫu mã từ nhiều hãng xe nước ngoài - Ảnh: Bobi. |
Nhiều chuyên gia Trung Quốc thừa nhận, người dân nơi đây đang tỏ ra kém mặn mà với các dòng xe thuộc những thương hiệu xe hơi nội địa.
Sau 3 thập kỷ thực hiện quy định bắt buộc các hãng ôtô nước ngoài muốn vào thị trường Trung Quốc thì phải thành lập liên doanh với các nhà sản xuất trong nước. Cho đến nay, chính sách này đã gần như thất bại khi không đạt được kết quả đáng kể nào cho ngành công nghiệp ôtô Trung Quốc.
Mặc dù đã tạo ra hàng triệu công ăn việc làm cho người dân Trung Quốc, nhưng chính sách liên doanh vẫn không tạo được một thương hiệu xe hơi nội địa mạnh mẽ đủ sức cạnh trạnh với các thủ nước ngoài và bành trướng ra các thị trường bên ngoài biên giới.
Lý giải cho sự thất bại của chính sách này, Bloomberg chỉ ra nguyên nhân xuất phát từ việc Trung Quốc đã phát triển ngành công nghiệp ôtô dựa trên sự phụ thuộc vào lợi nhuận sản xuất cho đối tác nước ngoài, mà quên đi các doanh nghiệp trong nước. Không có đối tác nước ngoài nào dễ dàng chuyển giao công nghệ cho nước khác, trong khi có rất ít doanh nghiệp trong nước chú ý đến vấn đề đó bởi họ chỉ quan tâm đến lượng tiêu thụ sản phẩm.
Cũng không thể phủ nhận chính sách liên doanh đã tạo đà khởi sắc cho ngành công nghiệp ôtô Trung Quốc khi biến quốc gia đông dân nhất thế giới trở thành một trong những thị trường tiêu thụ ôtô lớn nhất thế giới kể từ năm 2009. Mặc dù thị trường ôtô có sự tăng trưởng mạnh mẽ như vậy, nhưng số liệu thống kê đã chỉ ra rằng, trong khi các sự cố liên quan đến chất lượng ôtô tại đây giảm 30% thì tỉ lệ trục trặc của ôtô Trung Quốc lại vẫn vượt xa xe nhập khẩu đến 75%.
Vậy nên, đến thời điểm hiện tại, các thương hiệu xe hơi Trung Quốc đã để mất 25% thị phần chỉ trong 2 năm vừa qua. Theo các chuyên gia, trong vòng 3 năm tới quốc gia này sẽ mất đi khoảng một nửa trong số 171 nhà sản xuất ôtô nội địa, hiện đang chiếm 37% thị phần so với 49,2% hồi năm 2010.
Mặc cho một số hãng xe nước này đã thuê người nước ngoài để tạo nên xe hơi Trung Quốc, như công ty mẹ của BAIC đã thuê Leonardo Fioravanti, tác giả chiếc Ferrari Daytonam làm trưởng phòng thiết kế hay Great Wall Motor bổ nhiệm cựu chuyên gia thiết kế Mercedes-Benz, Andreas Deufel, làm giám đốc thiết kế,… thì cho đến nay vẫn chưa có một thương hiệu xe Trung Quốc nào đủ mạnh để bành trướng ra thị trường nước ngoài.
Cũng vì lẽ đó mà nhiều doanh nghiệp xe Trung Quốc khi không thể sáng tạo, họ cắt ngắn quá trình chế tạo xe hơi bằng cách sao chép lại những sản phẩm của hãng xe nước ngoài mà chẳng phải lo lắng gì về vấn đề vi phạm bản quyền sở hữu trí tuệ.
Ngoài ra, Bộ Công nghiệp Trung Quốc bắt đầu tiến hành thu hồi giấy phép sản xuất đối với các hãng xe có công suất chế tạo dưới 1.000 chiếc/năm, trong vòng hai năm liên tiếp. Chính sách này tạo cơ hội cho hoạt động thâu tóm, sáp nhập và xóa bớt những thương hiệu nhỏ ít tên tuổi.
Nhưng, dù đưa ra biện pháp để ngăn chặn đà giảm sút thì theo Bloomberg, cũng sẽ rất khó cho ngành công nghiệp ôtô Trung Quốc có thể trỗi dậy bởi, những lợi thế, chiêu thức từng giúp Trung Quốc có được thành công trong nhiều lĩnh vực... thì nay đã trở thành đòn “hồi mã thương” quật ngã nền công nghiệp ôtô nước này.
Sự trì trệ, lạc hậu đã tạo nên cái nhìn có phần phản cảm ngay với cả người dân Trung Quốc đối với các thương hiệu ôtô nội địa. Ở nước ngoài, việc Australia yêu cầu Great Wall và Chery triệu hồi khoảng 23.000 xe nhập khẩu vào thị trường này do phát hiện có chất gây ung thư, càng làm cho ôtô Trung Quốc mất điểm.
(Theo Vneconomy)