Người dân đắn đo chọn mua sữa hộp. Ảnh: CAO THĂNG |
Từ tháng 9, một số nhãn hàng đã điều chỉnh giá sữa có mức tăng từ 4% - 15%. Công ty Friesland Campina Việt Nam thông báo đến các đại lý kể từ ngày 7-9, các loại sữa bột Dutchlady, Friso, Friso Gold, Friso Gold Mum đồng loạt tăng giá từ 5.400 - 81.000 đồng/hộp nhưng không giải thích nguyên nhân. Sữa Dumex cũng tăng 10% - 13%. Hãng sữa Nestlé điều chỉnh tăng giá dòng sữa Lactogen từ 3% - 10%. Hãng sữa XO của Hàn Quốc tăng 15.000 – 30.000 đồng tùy hộp.
Việc tăng giá sữa của các công ty không được thông báo công khai và minh bạch, có chăng chỉ là một cuộc gọi hay một bản fax từ công ty đến nhà phân phối và từ nhà phân phối rải đi các đại lý, cửa hàng. Tuyệt nhiên trên các phương tiện thông tin đại chúng, website công ty không hề có bảng báo giá hay thông báo về việc tăng giá, lý do tăng giá. Nhiều khi người tiêu dùng muốn kiểm chứng, so sánh giá bán lẻ giữa công ty và đại lý phân phối cũng vô phương. Khi được báo chí hỏi tới, các nhà cung cấp ra sức phân bua lý do tăng giá là vì sản phẩm mới có công thức mới, được bổ sung vi chất, thay đổi bao bì…
Chị T.L, chủ một đại lý sữa trên đường Nguyễn Thông, quận 3 TPHCM cho biết: Cứ mỗi lần sữa tăng giá là mỗi lần cửa hàng gặp khó. Dù đã chủ động chia sẻ chiết khấu và chi phí trưng bày sản phẩm từ nhà cung cấp để giảm giá thành cho khách hàng, nhiều khi bán hòa vốn nhưng có người vẫn phàn nàn, thậm chí nghi ngờ khi thấy đại lý tăng giá.
Hiện tại, trước nguồn tin giá sữa tăng, một số cửa hàng vẫn chưa nhập hàng để chờ chính sách chiết khấu mới từ công ty. Do đó, các cửa hàng vẫn bán các sản phẩm hiện có theo giá cũ, cộng thêm chiết khấu khiến mức giá có thể thấp hơn giá sữa sau khi tăng vài chục ngàn đồng. Trong khi đó, tại các siêu thị, sữa được niêm yết theo giá công ty và có mức giảm giá thấp hơn. Thế là nhân viên cửa hàng rỉ tai khách quen, rồi khách quen truyền tai bạn bè, người thân nên vài ngày gần đây người tiêu dùng, đặc biệt là các bậc phụ huynh đổ xô đi gom sữa. Các loại sữa có mức bán tăng nhanh chủ yếu là các sản phẩm ngoại có thương hiệu như Abbott, Mead Johnson, Dutch Lady, Friso…
Nhiều chuyên gia dinh dưỡng cho rằng, vấn đề của việc sử dụng thực phẩm không phải ở chỗ đắt mà phải hợp lý. Người tiêu dùng nên chọn loại sữa vừa với túi tiền để có thể sử dụng lâu dài hơn là dùng sữa giá cao trong một thời gian ngắn. Bởi dùng sữa thường xuyên trong mọi giai đoạn của cuộc đời vẫn tốt hơn. Đối với trẻ, khi chọn sữa, các bậc phụ huynh phải đọc nhãn hiệu bao bì, không nên chỉ nghe theo quảng cáo. Cũng cần đặc biệt lưu ý đừng chạy theo các thành phần dưỡng chất bổ sung như DHA, ARA... mà phải dựa trên thành phần dinh dưỡng cơ bản như năng lượng, chất đường, chất đạm, chất béo, vitamin... Nếu trẻ hay đau ốm, thì dù có dùng sản phẩm gì, nhiều dưỡng chất thông minh đến đâu, trẻ cũng không thể hấp thụ được. |