Trong bài “Bán hàng không xuất hóa đơn VAT: Doanh nghiệp “qua mặt”cơ quan thuế!”(đăng ngày 13-5), dù chúng tôi đã chỉ rõ những nơi không xuất hóa đơn do bán hàng trôi nổi, trốn thuế, gây thất thu cho ngân sách, gây thiệt hại cho người tiêu dùng nhưng đã gần một tháng qua, cơ quan thuế vẫn chưa có động tĩnh gì. Quay lại kiểm tra, chúng tôi phát hiện nhiều cửa hàng lớn vẫn vi phạm về hóa đơn, công khai bày bán hàng “thương hiệu” nhưng lại không có tem, phiếu bảo hành chính hãng.
Chọn mua ti vi tại Trung tâm điện máy Thiên Hòa sáng 16-6. Ảnh: ĐỨC TRÍ |
Doanh nghiệp vi phạm, hầu hết do cấp cục quản lý!
Trong bài trước chúng tôi chỉ rõ các siêu thị Thiên Hòa, Viễn Thông A, Thế Giới Di Động… đã “qua mặt” cơ quan thuế bằng cách bán hàng xuất hóa đơn nghiêm túc ở các cửa hàng trung tâm, nhưng “lách” bằng cách mở nhiều chi nhánh ở các quận, huyện và vô tư vi phạm. Nhiều đơn vị “lách” đầu ra để xen hàng không chính hãng vào.
Khi được hỏi nguyên nhân không kiểm tra, xử lý các đơn vị bán hàng không xuất hóa đơn này, hầu hết lãnh đạo các chi cục thuế quận, huyện đều trả lời: “Những doanh nghiệp đó do Cục Thuế TPHCM (cấp trên) quản lý nên chi cục không có quyền kiểm tra”.
Tuy nhiên, Cục Thuế TP lại khẳng định, địa phương vẫn có quyền kiểm tra với tư cách là đoàn kiểm tra liên ngành. Tuy nhiên, thực tế đoàn kiểm tra liên ngành hàng năm chỉ kiểm tra 1- 2 lần! Với kiểu “trên đổ dưới, dưới chỉ trên”, cuối cùng các chi nhánh được… lọt sổ!
Sau gần một tháng chúng tôi trao tận tay cán bộ Cục Thuế TP nhiều chứng từ gọi là “Biên nhận đặt cọc mua hàng” mà không xuất hóa đơn bán hàng của siêu thị điện máy Thiên Hòa (chi nhánh đường Trường Chinh), đến giờ vẫn chưa được báo kết quả xử lý. Đây là chi nhánh siêu thị bị báo chí phản ánh vi phạm bán hàng không xuất hóa đơn nhiều lần, vì vậy, lãnh đạo Cục Thuế cho biết sẽ đưa vào diện thanh tra nhưng đến giờ chưa được triển khai, dù vi phạm liên tiếp diễn ra.
Trong hai ngày 14 và 15-6, siêu thị điện máy Thiên Hòa (đường Cách Mạng Tháng Tám) cứ… nhìn mặt khách giao hóa đơn. Có khi giao 2 phiếu (một là biên nhận đặt cọc mua hàng, một là hóa đơn VAT, cả hai phiếu có màu hồng giống nhau nên khách hàng khó phân biệt). Đôi lúc nhân viên không giao hóa đơn, chỉ giao cho khách một biên nhận đặt cọc nhưng trên biên nhận này có đóng dấu vuông với nội dung “đã xuất hàng mới 100% đầy đủ linh kiện, đã giao hóa đơn tài chính”.
Sony không bảo hành hàng chính hãng?
Như chúng tôi đã cảnh báo, các cửa hàng vi phạm không chỉ nhằm mục đích trốn thuế mà còn tuồn hàng lậu ra thị trường. Hầu hết cửa hàng lớn đều bán hàng chính hãng và nhận tài trợ của chính hãng. Nhưng rồi tình trạng “treo đầu dê, bán thị chó” diễn ra khắp nơi, nhiều cửa hàng trưng bày hàng chính hãng, có tem chính hãng nhưng khi giao hàng cho khách lại là hàng trôi nổi. Có nơi công khai trưng bày hàng không chính hãng.
Anh Nguyễn Huy Hoàng vừa tậu một laptop Sony Vaio VPC- EB15FM/T tại siêu thị Viễn Thông A với giá gần 20 triệu đồng, chưa kịp xài đã bị người thân mắng một trận vì sản phẩm không có phiếu bảo hành chính hãng của Sony, mà được “bảo hành tổng hợp” tại Viễn Thông A (nơi bán) và Công ty TNHH Phúc An (đơn vị nhập khẩu).
Một chuyên gia giải thích, hàng của hãng Sony cung cấp chính thức phải có dán tem nhà phân phối, tem nhập khẩu chính hãng Sony Việt Nam và khách mua hàng chính hãng sẽ nhận được thẻ bảo hành toàn cầu của hãng và phiếu bảo hành nhà phân phối chính thức của Sony. Khi đó, số serial ID trên máy đã được post lên trang hệ thống của Sony để được bảo hành toàn cầu.
Sản phẩm không có thẻ bảo hành toàn cầu chính là hàng không qua nhà phân phối chính thức của thương hiệu đó. Xài hàng này phải chấp nhận… hên xui, nếu có hư hỏng sẽ được bảo hành tại công ty, linh kiện thay thế ra sao, chỉ có… trời biết.
Giờ anh Hoàng như người lạc lối, mua hàng có thương hiệu nhưng không biết nó là hàng gì, thị trường “rối rắm” như thế nhưng chẳng biết hỏi ai. Sony có biết chuyện này và liệu sẽ có động thái gì để bảo vệ khách hàng chuộng thương hiệu mình?
(Theo Thi Hồng – Ng.Hoàng // SGGP online)