Thủ đoạn rút ruột bao ximăng |
Xây dựng vào mùa cao điểm thì tình trạng cân thiếu, rút ruột, đổi hàng thiết bị vật tư cũng được mùa “ăn theo”, dù thực trạng này đã nhiều lần được cảnh báo.
Các loại vật liệu bị rút ruột, ăn gian... đang phổ biến là sắt, ximăng, cát, gạch...
Lại “đạp” cân
Một nhà thầu xây dựng ở đường Nguyễn Văn Nghi, Q.Gò Vấp, TP.HCM vẫn chưa hết bức xúc khi nhắc lại trường hợp bị một đại lý vật liệu xây dựng (VLXD) trên đường Dương Quảng Hàm (Gò Vấp) “đạp” cân thiếu đến hơn 70kg thép phi 6 khi ông đến mua khoảng 200kg hồi tuần rồi. Theo nhà thầu này, khi đại lý đến giao thép, ông đề nghị cân ngay tại chỗ nhưng nhân viên theo xe nhất định đòi vào nhà “để cân cho an toàn (!)”. Sau đó, dù ông đứng cạnh kiểm tra nhưng khi tự mình cân lại đã phát hiện thấy thiếu đến hơn 70kg!
Một gia chủ tự lo nguồn vật tư cho nhà xây trên đường Lê Lai (Gò Vấp) lại là nạn nhân của ximăng bị rút ruột và ăn gian gạch. Theo hợp đồng với chủ vựa VLXD trên cùng tuyến đường, bà được giao đợt một 50 bao ximăng và hai thiên gạch bốn lỗ (tương đương 2.000 viên). So với mặt bằng giá chung trên thị trường khu vực này, bà được chào giá rẻ hơn khoảng 2.000 đồng/bao ximăng, chừng 100 đồng/viên gạch.
Bà gia chủ này cho biết, lúc giao hàng bà có đứng kiểm tra, “nhưng chẳng được bao lâu thì có việc nên phải đi”. Đến khi thợ thầy lôi ximăng, gạch ra xây thì mới phát hiện “bao ximăng có ruột lỏng bỏng”, khi cân lại mỗi bao chỉ còn 45kg thay vì phải là 50kg +/-1 như đã ghi trên bao bì. Riêng năm cây gạch kiểm tra thấy mất tổng cộng 200 viên, tức mất gần 140.000 đồng!
Cẩn thận với nơi “giá nào cũng bán”.
Một người chuyên bán VLXD, vốn từng phục vụ cho một điểm bán VLXD chuyên ăn bớt trọng lượng trên địa bàn Gò Vấp nay đã “gác kiếm”, nói: “Rút nhiêu tùy thích!” khi được hỏi về trọng lượng rút bớt của từng bao ximăng hoặc từng thiên gạch được giao cho đối tác. Do cấu tạo của bao ximăng có một “lưỡi gà” - miếng chắn trên miệng bao, sẽ được tự động bịt kín khi nhà sản xuất bơm đầy ximăng vào - không thể may kín được. Từ đây mới có chỗ hở, tuy nhỏ nhưng vẫn đủ để lấy ximăng ra dễ dàng bằng các ống nhựa. Với giá ximăng bán lẻ từ 2.000-2.500 đồng/kg, chỉ cần nơi bán rút 3-4kg/bao thì sẽ có gần 10.000 đồng.
Còn để “ăn” gạch, một “chuyên gia” trong lĩnh vực này cho biết tùy theo độ tinh mắt của gia chủ, một cây gạch thay vì sẽ được xếp thành 15 lớp (32 viên/lớp) + 5 viên gạch lẻ, thì nhân viên giao hàng sẽ “phù phép” xếp mỗi lớp sao chỉ còn 28 viên/lớp, dân trong nghề thường gọi là “ăn nửa tay gạch!”. Đặc biệt, dân giao hàng rất thích chọn khoảng thời gian thi công đông đúc, “hiện trường” bề bộn để giao gạch vì “càng lộn xộn, chật chội càng qua mặt dễ dàng!”.
Chủ cửa hàng VLXD Hoàng Anh, bà Hoàng Anh (Lý Thường Kiệt, Gò Vấp), cho rằng để khỏi bị mua VLXD thiếu số lượng và trọng lượng, người tiêu dùng cần lưu ý với những cửa hàng có mức giá bán quá thấp hoặc kiểu chào mời “giá nào cũng bán”. Khi nhận hàng, cần cắt cử người kiểm tra cẩn thận, diện tích dành để vật tư không lẫn lộn với hàng có sẵn để tránh nhầm lẫn. Khi mua thép, nếu nơi bán sử dụng cân bàn thì nên đứng thử lên để kiểm tra độ chính xác của cân, sau đó mới đồng ý để thép lên cân. Nếu người bán sử dụng cân đồng hồ khi giao hàng tại nơi xây, nên lấy bao ximăng làm “trọng tài” để kiểm tra cân.
(Theo Tuoitre)