Hà Nội: Giá tăng mạnh từng ngày
Khảo sát của Diễn đàn Doanh nghiệp online, tại các chợ trên địa bàn Hà Nội như Đồng Tâm, Nghĩa Tân, Mai Động, Thái Hà, Phùng Khoang, Chợ Bưởi… giá các loại rau xanh tăng 10-15% so với tuần trước đó. Cùng với rau xanh, giá các loại thịt cũng đội giá. Theo giải thích của một tiểu thương bán thịt ở chợ Thái Hà cho biết, giá thịt gần như tăng từng ngày. Hiện giá thịt bán hầu hết ở các chợ tăng 5.000-10.000 đồng/kg.
Chị Nguyễn Kim Ngân(Hoàng Quốc Việt, Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ: “trong nửa tháng qua, mỗi kg thịt lợn, thịt gà đã tăng thêm khoảng 10.000 - 20.000 đồng/kg. Rau củ quả các loại cũng tăng theo. Cà chua lên 15.000 đồng/kg giờ tăng lên 20.000 tăng 3.000 - 5.000 đồng/kg, rau cải ngọt lên 12.000 đồng/kg, trong khi giá bán trước đó là 8.000 đồng. Lương chưa tăng mà sao giá cả tăng kinh khủng quá”.
Ngoài các loại rau quả, thịt thì các mặt hàng thiết yếu của cuộc sống cũng tăng lên giá mới. Trước chai dầu ăn loại 1 lít của Neptune giá 32.000 đồng, nay là 37.000 đồng/chai; nước mắm Nam Ngư giá tăng thêm 2.000 đồng lên mức 21.000 đồng/chai. Giá gas hiện nay cũng đã vượt lên trên 320.000 đồng/bình 12 kg…
Tại Chợ Quan Hoa (Cầu Giấy, Hà Nội), giá gạo bán lẻ đã tăng từ 10 - 20%, trong đó gạo bắc hương được bán với giá 15.000 đồng/kg, gạo tám Thái là 20.000 đồng/kg, gạo tám Điện Biên 18.000 đồng/kg, gạo xi 14.000 đồng/kg.
Bác Trần Thị Xuân - một người dân đi chợ Quan Hoa cho biết: “Tôi thường mua gạo Bắc Hương. Cách đây khoảng hơn 1 tuần, giá loại gạo này là 130.000/yến đến ngày hôm nay (9/11) giá gạo đã tăng lên 150.000 đồng/yến, như vậy giá gạo đã tăng tới 3.000 đồng/kg”.
Khảo sát tại chợ Ngã Tư Sở (Thanh Xuân, Hà Nội), chợ Láng Hạ (quận Đống Đa) cho thấy: thịt bò thăn có giá 160.000 đồng/kg, thịt bò mông bán ra 140.000 đồng/kg; giá thịt lợn ba chỉ 65.000 đồng/kg, thịt mông 70.000 đồng/kg, thịt lợn thăn là 80.000 đồng/kg; thịt gà ta ngon là 100.000 đồng/kg, thịt vịt 75.000 đồng/kg; tôm trứng 130.000 đồng/kg, tôm sú 185.000 đồng/kg; cá trắm tăng 20%, dao động từ 130.000 - 150.000 đồng/kg; Su hào đầu mùa giá 6.000 đồng/củ, cải bắp 11.000 đồng/kg, cải thảo 14.000 đồng/kg, khoai tây 14.000 đồng/kg…
Thịt lợn là một trong những mặt hàng tăng giá mạnh những ngày qua
Chủ một cửa hàng thực phẩm lý giải: “Hiện giá vàng và đôla tăng như bão thì giá cả thực phẩm tăng cũng là đương nhiên. Thêm nữa, thiên tai lụt lội nhiều nơi cũng khiến nguồn thực phẩm hiếm hơn nên đẩy giá lên. Khi giá cả nhập tại các chợ đầu mối tăng, chúng tôi không tăng giá bán thì sẽ lỗ”.
Miền Trung “gồng mình” cùng bão giá
Tại Miền trung, người dân một số các tỉnh như Quảng Nam, Quảng Ngãi, Đà Nẵng cũng đang phải gồng mình sống trong thời bão giá. Do ảnh hưởng của mưa lũ, giá các thực phẩm miền Trung tăng khá nhanh. Ghi nhận của Diễn đàn Doanh nghiệp online, tại Đà Nẵng, giá một số các loại thực phẩm tăng lên từng ngày. Chị Trương Thanh Ngọc Quỳnh - chủ hàng bán gạo sỉ tại chợ Hàn cho biết nửa tháng nay, cứ cách 2 - 3 ngày là lương thực, thực phẩm tăng một giá. Một số mặt hàng thủy hải sản tăng cao như giá tôm sú loại ngon có giá 350.000 đồng/kg, tôm sú nuôi có giá 180.000 đồng/kg, tôm bạc 250.000 đồng/kg đều tăng từ 15.000 - 20.000 đồng/kg; một số loại cá biển khác như cá thu, cá ngừ... cũng tăng lên từ 5.000 - 10.000 đồng/kg.
Các loại rau tại Đà Nẵng cũng tăng mạnh, nguyên nhân do đợt mưa lũ tại miền Trung vừa qua đã khiến đường sá bị ách tắc dẫn đến nhiều xe vận chuyển rau, củ, quả từ Đà Lạt, Quảng Nam, Quảng Ngãi và khu vực ngoại thành bị hư hỏng và rau trở nên khan hiếm.
Tại Thừa Thiên Huế, hiện giá lương thực, thực phẩm tại các chợ Đông Ba, An Cựu hơn 1 tuần nay đều tăng giá. Giá dầu ăn tăng từ 3.000 - 5.000 đồng/can 5 lít, đường tăng từ 1.500 - 2.000 đồng/kg... Chị Lương Kim Chi - một tiểu thương tại Đông Ba cho biết: “giá đường và dầu ăn, gas tăng liên tục, chỉ trong vòng 2 ngày nay đã tăng 4 lần”.
TP.HCM: Chóng mặt vì giá tăng
Tại TP HCM, những ngày gần đây, giá hàng hóa biến động mạnh. Theo khảo sát của PV tại TP HCM vào lúc 5h chiều ngày 9/11, tại chợ Văn Thánh, thịt gà ta sống 100.000/kg (tăng 10.000 đ so với tháng trước); giá thịt gà ta làm sẵn phổ biến ở mức 140.000/kg (tăng 10.000đ); thịt lợn cũng tăng nhẹ (5.000-7.000đ/kg). Các loại hoa quả tăng giá mạnh: thanh long tăng 5.000đ/kg; dưa hấu tăng 4.000đ/kg; xoài tăng 5.000đ/kg.
Tại chợ Thị Nghè (quận Bình Thạnh), giá thịt tăng kéo giá nhiều loại thủy sản như cá chép, cá trắm, tôm, cua và ngao cũng tăng thêm khoảng 10-15% so với đầu tháng 10. Giá 1kg tôm là 150.000 (tăng 20.000/kg), các loại cá biển cũng tăng khoảng 5.000đ/kg; giá thịt bò ở mức 140.000 -165.000 đ/kg, tăng hơn 10.000 đ mỗi kg so với tháng trước. Do ảnh hưởng của mưa bão kéo dài mấy ngày qua nên giá bán một số loại mực ống và mực lá tại các chợ trên địa bàn thành phố đã tăng khoảng 30.000đ/kg và có giá từ 120.000 đến 130.000 đ/kg. Các loại rau, củ, quả tăng mạnh (hành lá tăng 10.000đ/kg); cà chua tăng 8.000đ/kg; súp lơ tăng 20.000đ/kg…
Tại chợ Tân Định (quận1), giá cải xanh tăng lên 12.000 - 13.000đ/kg, khổ qua 17.000-18.000 đ/kg, bó xôi 29.000-33.0000 đ/kg, tăng 3.000-7.000 đ/kg, đậu Hà Lan lên 50.000-70.000 đ/kg, các loại bầu, bí, mướp cũng tăng 500-2.000 đ/kg.
Đường Biên Hòa ở các chợ chào giá 23.000 đ, đường bán lẻ là 21.000 đ/kg. Trong khi đó, giá bán bình ổn tại siêu thị Co.op mart, Big C chỉ khoảng 18.000-20.600 đ, thấp hơn bên ngoài 2.000-5.000 đ, nên người dân có xu hướng vào siêu thị mua khiến sức mua mặt hàng này tăng mạnh, thậm chí hết hàng để bán. Tại Big C Miền Đông, quầy bán đường hết sạch mặc dù mỗi khách hàng chỉ được mua một gói một ngày. Siêu thị phải ra thông báo "Sản phẩm này tạm thời hết hàng. Mong quý khách thông cảm".
Đại diện ban quản lý chợ Tân Xuân cho biết: “Việc giá cả ở chợ lẻ tăng khá cao, trong đó nhiều loại tăng gấp đôi cho thấy có hiện tượng người bán lẻ té nước theo mưa”.
Sẽ quản lý chặt hơn nữa giá cả cuối năm
Tại buổi giao ban trực tuyến về công tác tháng 10 của Bộ Công thương, ông Nguyễn Đức Tiến – Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội khẳng định: “Nhiều mặt hàng thiết yếu gần đây tăng giá mạnh xuất phát chủ yếu từ các nguyên nhân như giá nguyên liệu đầu vào, chênh lệch tỷ giá, yếu tố tâm lý… chứ không phải do mất cân bằng cung - cầu trên thị trường”.
Theo ông Chiến, từ nay tới cuối năm, theo quy luật hàng hóa thường tăng rất mạnh. Vì vậy, các doanh nghiệp phải chuẩn bị hàng hóa từ bây giờ để có hàng bán cho dịp tết năm nay. Việc thực hiện nhiều biện pháp để ổn định giá, đảm bảo cung cầu trên thị trường hàng hóa cũng là nhiệm vụ quan trọng của các cấp các bộ ngành.
Về phương án bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu, ông Chiến cho biết, Sở Công Thương Hà Nội đã ứng 350 tỷ đồng cho 13 doanh nghiệp tham gia bình ổn giá với 388 điểm bán hàng trên toàn địa bàn. Sang tháng 11, theo kế hoạch, Sở sẽ ứng tiếp cho các doanh nghiệp thêm 50 tỷ đồng để đảm bảo dự trữ đủ 9 mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống của người dân.
Tháng 11 Sở cũng đang triển khai chương trình Tháng khuyến mại. Có khoảng 300 doanh nghiệp tham gia vào chương trình khuyến mại, 1.100 điểm khuyến mại và hai ngày Vàng (13-14/11), tin tưởng rằng sẽ góp phần ổn định tâm lý cho người tiêu dùng.
Nhằm quản lý chặt hơn nữa giá cả trong thời gian cuối năm, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) Nguyễn Hùng Dũng khẳng định rằng: Những tháng cuối năm, việc nhập lậu hàng gia súc gia cầm đã bắt đầu nổi lên. Cục quản lý thị trường sẽ phối hợp cùng với y tế, thú y và cảnh sát môi trường để tăng cường kiểm tra kiểm soát gia súc gia cầm nhập lậu. Đây là vấn đề hết sức lớn trong những tháng cuối năm. “Trong thời gian qua, giá gạo tăng cao ở một số thành phố lớn như đồng bằng sông Cửu Long, Hà Nội, TP HCM…và chúng tôi cũng đã yêu cầu các địa phương tăng cường kiểm tra kiểm soát giá gạo, đảm bảo ổn định giá cho người dân” – ông Dũng nói.
Ngày 9/11, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Lê Thanh Hải đã chỉ đạo các cấp ủy Đảng, Ban cán sự Đảng, Ủy ban Nhân dân Thành phố và các đoàn thể chính trị xã hội tăng cường các biện pháp bình ổn giá cả thị trường. Ủy ban Nhân dân Thành phố tập trung vào các giải pháp như tiếp tục các chính sách hỗ trợ lãi suất để bình ổn những mặt hàng tiêu dùng thiết yếu; các quận, huyện ủy chỉ đạo tất cả các ngành tích cực kiểm tra, kiểm soát thị trường, cương quyết xử lý nghiêm, kịp thời những hành vi vi phạm về quản lý giá, tăng cường các biện pháp chống đầu cơ tích trữ, thu gom, ghìm hàng không bán tạo khan hiếm hàng hóa giả tạo, chống tư thương thu gom hàng trong diện bình ổn để thu lời bất chính.
Liên quan tới câu chuyện bình ổn giá, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa cũng đề nghị: các doanh nghiệp nghiêm túc thực hiện chỉ thị 1875 của Thủ tướng Chính phủ và chỉ thị 22 của Bộ Công thương về bình ổn giá và yêu cầu các Sở công thương tăng cường công tác ổn định các mặt hàng nằm trong chương trình bình ổn giá. Tăng cường các chương trình tháng khuyến mại tạo điều kiện mua hàng giá rẻ cho người tiêu dùng trong nước.
(Theo Diễn đàn doanh nghiệp)