Một năm nay, chiếc điện thoại để bàn nhà anh Quang ở Ba Đình, Hà Nội hoạ hoằn mới nghe thấy tiếng chuông reo và chẳng mấy khi phát sinh cuộc gọi đi.
Người tiêu dùng thay đổi
Mỗi tháng, người thu cước đến nhà chỉ thông báo một câu ngắn gọn: vẫn như tháng trước, cước 33.000 đồng, gồm cả thuế VAT. Do bận rộn, vợ chồng anh Quang quên mất chuyện cắt dịch vụ.
Khi dịch vụ điện thoại di động phát triển nhanh, điện thoại cố định khó phát triển, nhất là ở hộ gia đình. Chị Vân nhà ở Tây Hồ, Hà Nội bắt đầu sử dụng điện thoại cố định từ năm 2000. Ba năm nay, chiếc điện thoại bàn nhà chị bị hỏng đường dây nhưng chị cũng không gọi thợ sửa.
Nhà chị Vân có bốn người nhưng lại có tới sáu cái điện thoại di động. Hai vợ chồng chị mỗi người một cặp. Cậu con trai một chiếc cùng với bốn sim di động, cô gái út cũng vừa tậu một chiếc sim Vietnamobile. “Lâu lâu, anh em, bạn bè gọi điện đến nhà bằng máy bàn không được thì quay số di động. Mãi thành quen, sau này hầu như chẳng còn ai gọi điện đến số cố định nữa”, chị Vân nói.
Anh Quân ở Lê Trọng Tấn, Hà Nội cho biết, cách đây hai tháng, gia đình anh cũng đến bưu điện để làm thủ tục cắt số cố định sau hơn một năm không phát sinh cuộc gọi mà vẫn đóng phí thuê bao tháng. “Nhà tôi ai cũng có di động nên điện thoại cố định trở thành của thừa”, anh Quân nói.
Nhà cung cấp ít đầu tư
Vài năm trở lại đây, thị trường viễn thông tiếp tục chứng kiến cuộc đua tranh của các nhà cung cấp dịch vụ di động trong khi đó, thị trường điện thoại cố định vẫn trầm lắng. Theo báo cáo của các nhà cung cấp dịch vụ, tốc độ phát triển thuê bao điện thoại cố định chỉ đạt 4 – 6%, trong khi mảng di động vẫn đạt tốc độ tăng trưởng 27 – 51%, doanh thu cũng ở mức tương đương.
Theo tính toán của Bưu điện Hà Nội, doanh thu từ dịch vụ điện thoại cố định của đơn vị trực thuộc tập đoàn Bưu chính viễn thông (VNPT) này đang sụt giảm khoảng 10% mỗi năm. Riêng trong năm 2010, doanh thu dự tính chỉ ở mức 1.170 tỉ đồng, giảm tới 13% so với năm 2009.
Quản lý 1,5 triệu thuê bao (tính đến tháng 8.2010), Bưu điện Hà Nội chiếm 85% thị phần dịch vụ điện thoại cố định trên địa bàn thành phố. Tuy nhiên, với sức ép cạnh tranh với các mạng di động, mỗi năm có khoảng 60.000 thuê bao cố định của đơn vị này ngừng hoạt động.
Do tốc độ phát triển chậm mà đầu tư lại tốn kém, nên mấy năm trở lại đây, bản thân các nhà khai thác dịch vụ cũng không mấy mặn mà trong việc mở rộng mạng lưới. Đại diện một doanh nghiệp cung cấp dịch vụ cố định lớn nhẩm tính tại thời điểm năm 2007, đầu tư cho một thuê bao di động hiện chỉ mất khoảng 30 – 40 USD. Trong khi đó, để có một thuê bao cố định, nhà cung cấp phải mất khoảng 2,2 – 2,5 triệu đồng, tương đương với 150 USD, tính theo tỷ giá bấy giờ. Thời điểm hiện tại, dù doanh nghiệp đã khấu hao thiết bị cũng như cơ sở hạ tầng, song chi phí đầu tư vẫn được coi là khá tốn kém so với dịch vụ di động.
(Theo Hà Nguyễn/sgtt)