Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

“Đo ván” khách hàng bằng “đại hạ giá”

Trong khó khăn kinh tế, chiến dịch “săn” hàng giá rẻ trở thành “mốt”. Theo đó, ba từ hút khách “đại hạ giá” trước đây chỉ xuất hiện mang tính chất thời vụ thì hiện nay được đặt thành tên chính của nhiều cửa hàng. Tuy nhiên, phần lớn những tấm biển này chỉ là chiêu... “dụ” khách.


Mua nhầm, bán không nhầm


Thời gian gần đây đến phố nào của Hà Nội cũng nhìn thấy những tấm biển hiệu đề “Cửa hàng đại hạ giá”, “Cửa hàng giá bình dân” hay “Cửa hàng giá rẻ”... Bằng những từ hấp dẫn này, các chủ cửa hàng đã “dụ” được không ít khách hàng dù trên thực tế không mấy cửa hàng thực hiện đúng “tôn chỉ” như cái tên đang sử dụng.

                        
                         Các cửa hàng giá rẻ bất ngờ mọc lên như nấm.

Theo quan sát của chúng tôi, tại cửa hàng có trương tấm biển “Đại đại hạ giá” (số 30, đường Hoàng Quốc Việt) các mặt hàng có mức giá khá “sốc” thường là những chiếc áo đã bị ngả màu, ố vàng hoặc mốt đã cũ...

Khi chúng tôi thắc mắc về những chiếc áo phông có cổ cộc tay giá 90.000 đồng và áo sơ mi giá 100.000 - 120.000 đồng không hề rẻ hơn so với giá bán trên thị trường thì nhân viên cửa hàng giải thích: “Giá chung ấy mà chị. Ngoài đó, chị phải trả đôi ba lời mới xuống được mức giá này nhưng ở đây là giá bán luôn. Hàng đại đại hạ giá thì đã có cả một dãy bên kia rồi”. Vừa nói nhân viên này vừa chỉ tay về phía quần áo bị lỗi mốt và ngả màu bên cạnh.

Tại “Cửa hàng hạ giá” (ngõ Hòa Bình 7, phố Minh Khai, quận Hai Bà Trưng), một khách hàng đang phàn nàn vì mua một bộ quần áo chưa mặc vừa giặt được một nước đã... rộng ra hàng chục centimet. Chị Nguyễn Việt Hoa, chủ cửa hàng nói tỉnh queo: “Một bộ áo sát nách, quần ngố có 25.000 đồng thì chất lượng chỉ được đến thế thôi. Muốn bền, muốn đẹp, mua đồ tăng tiền lên một tý”. Câu nói này của chủ hàng khiến người mua đỏ bừng mặt vì xấu hổ, bỏ đi.

Không thử, không trả giá

Hầu hết cửa hàng giá rẻ đều có chung một quy tắc “không mặc thử”, thích cái nào “tiền trao, cháo múc” nên không ít vị khách khi chọn mua thấy hàng vừa mắt nhưng về mặc thử thì bùng lưng, lệch cổ hay sứt chỉ...

“Đại hạ giá” để khỏi... trả giá

Chị Nguyễn Việt Hoa, chủ cửa hàng “bách hoá giá rẻ - không trả giá”, kiốt số 14 Nghĩa Tân, Cầu Giấy cho biết: “Ngoài chợ người ta nói thách gấp đôi, gấp ba khách hàng dễ mua hớ. Nhưng ở đây không cần trả giá cũng không lo bị hớ. Bán hàng là phải có lãi. Nhưng chủ trương của tôi khi đặt tên cửa hàng này là lãi ít để bán được nhiều hơn. Giữ và thu hút khách là chiến lược kinh doanh lâu dài trong tình hình kinh tế khó khăn hiện nay”.

Không chỉ quần áo, mặt hàng giày dép thời trang treo biển “đại hạ giá” cũng tràn ngập trên nhiều hè phố, lề đường. Hầu hết đều là hàng mới, nguyên liệu rẻ tiền với giá thành khoảng 15.000 - 30.000 đồng/đôi và được căng biển “thanh lý”, “đại hạ giá” rồi bán với giá 25.000 - 45.000 đồng/đôi. Ðể tiêu thụ được nhiều hàng tồn, ngoài biển hiệu, nhiều nơi còn để các tấm biển nhỏ kiểu “dỗ” khách như “giảm 50- 60%” gắn trên từng sản phẩm.

Một chủ hàng tiết lộ, đó là chiêu câu khách hữu hiệu vì có thể so sánh “giá cũ” với “giá mới”. Thực chất, chẳng hề có “giá cũ” hay “giá mới” nào cả. Tất cả do chủ hàng “vẽ” ra. Còn nữa, để có lãi cao, có chủ hàng còn “độn” thêm ít hàng cũ vào hàng mới và bán giá... như nhau.

Ngay cả khi mua mỹ phẩm, chị Triệu Phi Ngân, trú tại đường Bưởi, Ba Đình cũng bị hớ. Chị Ngân bức xúc: “Tôi thấy mọi người chen chúc mua hàng ở cửa hàng có cái tên rất ấn tượng “Ở đây cái gì cũng rẻ” trên phố Dương Quảng Hàm nên cũng vào mua mấy thứ. Giá bán tại cửa hàng thường rẻ hơn giá niêm yết trên các chai, lọ hoá mỹ phẩm từ 3.000- 5.000 đồng nhưng khi đến siêu thị, tôi nóng mặt vì cũng là loại dầu gội đó, dù đã được mua với mức giá thấp hơn mức giá niêm yết, tôi vẫn mua đắt hơn so với siêu thị 5.000 đồng”.

Ham rẻ dễ... “sập bẫy”

Ông Nguyễn Viết Tịnh, Chánh văn phòng Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cho biết: “Khoảng 3 tháng trở lại đây, trên thị trường xuất hiện khá nhiều tên cửa hàng mang tính mời gọi, đánh vào tâm lý tham rẻ của khách hàng như cửa hàng đại hạ giá, đại đại hạ giá, cửa hàng giá sốc...

Tuy nhiên, nhiều cửa hàng núp dưới tên gọi này để bán ở mức giá cao cắt cổ hoặc gắn mác giả của những hãng thời trang nổi tiếng để lừa khách hàng. Tên gọi này chỉ là “chiêu thức” để bán hàng tồn, hàng lỗi mốt, mà có khi còn bị cả lỗi kỹ thuật như phai mầu, sứt chỉ, đứt khuy...”.

Còn một người trong nghề bật mí: “Hàng hạ giá nhưng thực chất là hàng may gia công do các cơ sở may tư nhân ở Cổ Nhuế, Hà Đông sản xuất mà chất liệu là vải Trung Quốc giá rẻ. Những loại quần áo này chỉ cần bán từ 40.000 - 50.000 đồng/chiếc là chủ cửa hàng đã có lãi, trong khi hầu hết các cửa hàng đều bán với giá trên 70.000 đồng/chiếc”.

Trong thời điểm khó khăn, người tiêu dùng càng cần đề cao cảnh giác. Bởi, ngay cả cái tên “đại hạ giá” đầy hấp dẫn được đặt cho cửa hàng thì tính chất câu khách cũng không khác gì những tấm băng- rôn thời vụ loè khách vẫn nhan nhản trên các phố. Người mua phải tinh tường để tránh tình trạng “tham rẻ” mà vội vàng, thấy giảm giá, “tưởng bở” mà “sập bẫy”...


(Theo Giadinh.net)

 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
  • Giảm giá cực sốc hè 2013 tại Vincom Center Bà Triệu
  • Rầm rộ khuyến mãi 2/9
  • BigC giảm giá tới 50% hơn 1.300 sản phẩm
  • Thoả sức mua sắm với “crazy sale” tại Vincom Center
  • Hà Nội: Đăng ký Internet được dùng miễn phí MyTV và điện thoại cố định
  • Rầm rộ khuyến mãi "khủng" dịp 30/4
  • Vietnam Airlines bán giá siêu khuyến mại 3 ngày cuối tháng 4
  • Bay giữa TP.HCM, Vinh, Hải Phòng chỉ từ 650.000 đồng