Ước tính năm nay Việt Nam sẽ phải nhập khẩu từ 90-100 nghìn tấn thịt các loại để đáp ứng nhu cầu trong nước. |
Trên cơ sở tổng hợp báo cáo của các Bộ, ngành, Bộ Công Thương đã đưa ra dự báo về cung- cầu của một số mặt hàng thiết yếu trong năm 2011.
11,14 triệu tấn lúa hàng hóa cho xuất khẩu và dự trữ
Năm qua, mặc dù thời tiết có nhiều diễn biến phức tạp nhưng sản xuất lúa gạo vẫn đạt kết quả tốt. Sản lượng lúa năm 2010 là gần 40 triệu tấn, tăng 1,04 triệu tấn so với năm trước, tạo nguồn cung dồi dào cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Bước sang năm 2011, theo ước tính của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, nhu cầu tiêu dùng trong nước là khoảng 28 triệu tấn thóc. Trong khi sản xuất dự kiến đạt 39,14 triệu tấn thóc, giảm 0,66 triệu tấn so với 2010. Như vậy, lượng lúa hàng hoá phục vụ xuất khẩu và dự trữ còn khoảng 11,14 triệu tấn. Trong đó xuất khẩu gạo dự kiến ở mức 5,6 triệu tấn.
Nhập khẩu khoảng 100 nghìn tấn thịt
Sản lượng thịt của cả nước năm 2010 đã bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố như thời tiết, dịch bệnh và các chi phí đầu vào tăng. Đặc biệt, dịch bệnh tai xanh trên lợn xuất hiện và bùng phát trong quý 3 đã khiến đàn lợn giảm mạnh tại một số địa phương, gây ảnh hưởng đến nguồn cung trong nước.
Lũ lụt tại các tỉnh miền Trung cũng gây thiệt hại cho sản xuất chăn nuôi. Những điều này đã tác động đến giá thực phẩm trong cả nước.
Theo dự báo từ nay đến Tết Nguyên đán Tân Mão, giá cả một số loại thực phẩm có thể tăng nhưng do nguồn cung được chuẩn bị nên giá sẽ không tăng mạnh.
Năm 2011, ước tính tổng nhu cầu tiêu dùng trong nước đối với các loại thịt là khoảng 2,9 triệu tấn, tăng khoảng 6,5-7% so với năm trước. Còn tổng sản lượng thịt hơi các loại vào khoảng 4,2- 4,3 triệu tấn, cũng tăng 6,5-7%. Trong đó, thịt lợn hơi tăng khoảng 6-6,5%, thịt gia cầm tăng 14-15%, thịt bò tăng 12-13% thịt trâu tăng 3-4%, các loại thịt khác tăng 8-9%.
Từ các số liệu này, Bộ Công Thương dự báo lượng thịt nhập khẩu trong năm nay là từ 90- 100 nghìn tấn các loại mới đáp ứng đủ nhu cầu của người dân.
Muối vẫn phải nhập khẩu
Sản lượng muối của cả nước tính đến 20/12/2010 là gần 1,2 triệu tấn (tăng 48% so với cùng kỳ 2009). Muối sản xuất thủ công đạt gần 932 nghìn tấn; muối sản xuất công nghiệp đạt trên 254 nghìn tấn. Hiện lượng muối tồn kho trong diêm dân và một số doanh nghiệp sản xuất vào khoảng 263 nghìn tấn.
Năm 2011, ước tính nhu cầu của cả nước là 1,35 triệu tấn, sản xuất được khoảng 1 triệu tấn. Vì vậy, lượng nhập khẩu ở mức 182 nghìn tấn.
Nhu cầu đường từ 1,3 - 1,4 triệu tấn
Với nhu cầu tiêu dùng đường bình quân 110 nghìn tấn/tháng trong năm 2010, cộng với lượng nhập khẩu theo hạn ngạch thuế quan còn khoảng 70.000 tấn, Bộ Công Thương cho rằng lượng đường trong nước hoàn toàn đủ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân trong tháng 1 và tháng 2 tới đây.
Tuy nhiên, năm nay, sản lượng đường của các nhà máy ước tính chỉ ở mức 1 triệu tấn, trong khi nhu cầu đối với mặt hàng này là từ 1,3-1,4 triệu tấn, nên lượng cần nhập khẩu ước vào khoảng 250 nghìn tấn.
Phân bón ổn định về giá
Nhu cầu phân bón tăng cao trong vụ Đông Xuân (2009-2010) và giá phân bón thế giới cũng tăng nên các tháng đầu năm 2010, giá phân bón trong nước tăng nhẹ (Urê ở mức 6.300- 7.000 đồng/kg). Từ tháng 3/2010, giá phân bón bắt đầu giảm và tương đối ổn định cho đến cuối tháng 7/2010 (Urê giá 6.000- 6.700 đồng/kg).
Đến tháng 8, giá phân bón liên tục tăng nhanh và nguồn cung một số loại phân quan trọng như DAP, Urê có những thời điểm khá căng thẳng. Trước tình hình này Bộ Công Thương đã có cuộc họp với các doanh nghiệp, sản xuất nhập khẩu phân bón lớn để bàn biện pháp bình ổn thị trường. Các giải pháp chính đã được đưa ra bao gồm đẩy mạnh sản xuất, nhập khẩu, tạm thời ngừng xuất khẩu một số loại phân bón đang có nguy cơ thiếu hụt đến hết 31/12/2010.
Sau đó thị trường phân bón đã nhanh chóng ổn định, nguồn cung đến tháng 12 dự kiến đáp ứng đủ nhu cầu cho vụ Đông Xuân 2010-2011, tuy nhiên giá bán vẫn ở mức cao.
Nguyên nhân chủ yếu là do một số loại phân như Urê nước ta phải nhập 50%; SA, Kali nhập 100%, DAP trong nước mới đáp ứng được 20% nên giá phân bón bị tác động nhiều bởi giá thế giới. Thêm vào đó, tỷ giá USD/VND liên tục tăng trên thị trường tự do.
Bộ Công Thương dự báo thời gian tới, giá phân bón thế giới tương đối ổn định. Trong nước, nhu cầu phân bón tại các tỉnh phía Nam đã qua thời kỳ cao điểm. Các tỉnh phía Bắc đang chuẩn bị vào thời kỳ bón chính nên giá phân sẽ ổn định ở các tỉnh phía Nam và tăng nhẹ ở phía Bắc.
Nhập khẩu khoảng 7,7 triệu tấn thức ăn chăn nuôi
Cả năm 2010 sản xuất thức ăn chăn công nghiệp đạt khoảng 11 triệu tấn. Thức ăn tự cung, tự cấp là 2,7 triệu tấn. Nhập khẩu trên 6 triệu tấn.
Dự báo giá thức ăn chăn nuôi năm 2011 có xu hướng tăng do nhu cầu chăn nuôi tăng trở lại sau dịch. Cung cầu thức ăn chăn nuôi trong nước như sau: nhu cầu thức ăn tinh khoảng 20,6 triệu tấn. Sản xuất thức ăn chăn nuôi là 15,2 triệu tấn (sản xuất thức ăn công nghiệp là trên 12 triệu tấn, thức ăn tự cung tự cấp là gần 3,2 triệu tấn). Nhập khẩu sẽ vào khoảng 7,7 triệu tấn.
Thép xây dựng tăng về nhu cầu
Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) và Tổng công ty Thép Việt Nam năm 2011 nhu cầu thép xây dựng trong nước có thể đạt trên 6,5 triệu tấn, tăng khoảng 10% so với 2010. Trong khi đó sản xuất trong nước ước đạt khoảng 5,8 triệu tấn.
Như vậy, nhập khẩu thép xây dựng có thể lên tới khoảng gần 1 triệu tấn. Song việc nhập khẩu lại chủ yếu do tình trạng dư thừa trên thị trường thế giới cũng như việc giảm thuế suất nhập khẩu mặt hàng này theo cam kết khi gia nhập WTO và các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam tham gia.
Xi măng cung vượt cầu
Bộ Xây dựng ước tính nhu cầu tiêu thụ xi măng của cả nước năm 2011 là từ 54,5- 56 triệu tấn, tăng khoảng 6,7-9% so với năm trước.
Cũng trong năm nay Hiệp hội Xi măng cho biết sẽ có thêm 10 nhà máy xi măng đi vào hoạt động, tăng sản lượng sản xuất dự kiến lên khoảng 15 triệu tấn. Sản lượng của toàn ngành trong năm 2011 sẽ là khoảng 65,8 triệu tấn. Nhìn chung, năng lực sản xuất của ngành đã vượt so với nhu cầu. Năm nay, ước tính lượng xi măng xuất khẩu sẽ đạt từ 1-1,5 triệu tấn.
Giá thuốc chữa bệnhcó thể có sự điều chỉnh
Báo cáo của Bộ Y tế cho thấy năm 2010, nguồn cung về thuốc khá dồi dào, đáp ứng đủ nhu cầu về phòng và chữa bệnh của người dân. Trong năm qua, tiền thuốc bình quân đầu người đạt 22,53 USD/người/năm, tăng gần 14% so với năm 2009.
Về nguồn cung, thuốc sản xuất trong nước ước đạt 950 triệu USD, tăng trên 14%, giá trị nhập khẩu khoảng 1,2 tỷ USD, tăng 7,45% so với năm trước.
Năm Tân Mão, theo dự báo thị trường dược phẩm cả nước tiếp tục ổn định, cung- cầu cân đối. Giá thuốc cung ứng cho các cơ sở khám chữa bệnh công lập gần như không biến động (theo giá đã đấu thầu). Tuy nhiên, giá một số loại thuốc sản xuất trong nước và một số mặt hàng thuốc thành phẩm nhập khẩu bán lẻ trên thị trường có thể có sự điều chỉnh do biến động về tỷ giá.
(Theo Vneconomy)