Trong một báo cáo mới đây của Standard Chartered về kinh tế Việt Nam, tổ chức này cho rằng kinh tế Việt Nam đang diễn biến khả quan.
Từ 1.10, Chính phủ sẽ có quyền áp đặt những biện pháp kiểm soát giá lên một loạt các sản phẩm được sản xuất bởi các công ty tư nhân và nước ngoài. Ảnh minh hoạ. Ảnh: L.Q.N |
Đặc biệt, các yếu tố toàn cầu đang hỗ trợ bình ổn lạm phát. Cụ thể trong năm tháng qua, lạm phát hàng tháng đã được kiểm soát, dao động từ 0,1% đến 0,3%. Đây là điều rất đáng được ghi nhận. Theo phân tích, lạm phát ở nguyên vật liệu xây dựng (chiếm 10% tỷ trọng CPI) và chi phí giao thông vận tải (chiếm 8,9% tỷ trọng CPI) đều đang giảm dần, tạo nên sự ổn định của lạm phát. Lạm phát do thực phẩm, thành phần lớn nhất của rổ chỉ số giá và chiếm tới 40% tỷ trọng CPI, đã nhích lên trong ba tháng vừa qua, nhưng vẫn không đủ để có thể vượt chiều hướng giảm lạm phát của các thành phần khác. Sự ổn định của giá thực phẩm và năng lượng toàn cầu đã giúp ích cho việc kiểm soát giá cả trong nước.
Để hỗ trợ việc kiểm soát lạm phát, Chính phủ Việt Nam đã công bố trong thông tư 122 rằng bắt đầu từ 1.10, Chính phủ sẽ có quyền áp đặt những biện pháp kiểm soát giá lên một loạt các sản phẩm được sản xuất bởi các công ty tư nhân và nước ngoài. Các mặt hàng này bao gồm các nguyên liệu đầu vào công nghiệp như ximăng, thép, gas, phân bón, vắcxin, thức ăn chăn nuôi, than đá, và các mặt hàng thiết yếu hàng ngày như muối, sữa bột, đường, gạo, giấy, sách giáo khoa và vé tàu.
Standard Chartered cho rằng bất cứ một biện pháp kiểm soát giá nào sẽ được thực hiện ngay trong thời gian tới, nhưng những biện pháp này sẽ được kích hoạt nếu như giá cả trên toàn cầu bắt đầu tăng và khi đó chúng có thể đóng vai trò bình ổn tạm thời giá cả trong nước.
Tuy nhiên, theo Standard Chartered sự bóp méo thị trường kéo dài sẽ bắt buộc phải có những thay đổi về số lượng nếu sự cân bằng thị trường không thể đạt được thông qua việc điều chỉnh giá. Ví dụ, sự tăng giá nguyên liệu đầu vào trên toàn cầu cùng với giá sản phẩm đầu ra trong nước giữ nguyên chắc chắn sẽ làm giảm lợi nhuận hoặc thậm chí gây thua lỗ và điều này có thể buộc các nhà sản xuất hạn chế sản xuất để giảm thiểu thua lỗ. Điều này đã từng xảy ra tại Trung Quốc vào năm 2007 – 2008 khi giá xăng trong nước bị kiểm soát bởi các nhà hoạch định chính sách. Sự tăng giá nhanh chóng của giá dầu toàn cầu đã làm giảm nghiêm trọng lợi nhuận của các công ty hoá dầu trong nước. Điều này dẫn đến việc tích trữ xăng và các loại nhiên liệu khác, gây ra hiện tượng các phương tiện giao thông vận tải phải xếp hàng dài chờ để được tiếp nhiên liệu trên toàn quốc. Điều này giúp thúc đẩy chính quyền Trung Quốc sau đó tiến hành cuộc cải cách giá cả trong năm 2008 để đưa ra nhiều biện pháp thúc đẩy thị trường hơn.