Khi nói đến “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam”, chúng ta thường nghĩ đến hai chủ thể: doanh nghiệp cần phải tìm tòi, nỗ lực sản xuất được các sản phẩm bền, đẹp mà giá cả cạnh tranh, phù hợp với thị hiếu của khách hàng; còn người tiêu dùng thì không nên sính ngoại, cần có tinh thần tự hào dân tộc… Ở đây, chủ thể thứ ba - hệ thống phân phối - lại chưa được chú trọng đúng mức.
Thực tế lâu nay, người tiêu dùng bị doanh nghiệp Việt bỏ quên hoặc đối xử không công bằng. Sản phẩm tốt, chất lượng cao thì dành để xuất khẩu, còn hàng kém chất lượng, hàng phế phẩm, có khuyết tật, không đạt tiêu chuẩn xuất khẩu thì để bán trong nước.
GS-TS Nguyễn Lân Dũng đã từng nêu một thực trạng: Hàng Việt Nam rất nghèo nàn về mẫu mã thiết kế, hàm lượng chất xám ít nên không có nhiều lựa chọn cho người tiêu dùng. Thêm vào đó là chất lượng và độ an toàn vệ sinh của sản phẩm cũng có vấn đề. Việc hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng tràn lan, thực phẩm không an toàn bày bán vô tư đang khiến uy tín của hàng “made in Vietnam” đã có lúc bị giảm sút.
Ngoài ra, một trong những nguyên nhân khiến hàng Việt mất khách là thái độ ứng xử của người bán hàng đối với người tiêu dùng. Người tiêu dùng cần được chăm sóc ân cần, được đối xử lịch sự, trọng thị nhưng đối với nhiều doanh nghiệp Việt, đó còn là vấn đề xa xỉ.
Và một trong những điểm yếu của hàng Việt là khâu phân phối sản phẩm đến tay người tiêu dùng và chế độ hậu mãi, dịch vụ chăm sóc sau khi mua hàng còn thua xa doanh nghiệp nước ngoài. Thông tin về sản phẩm còn mù mờ, chưa đầy đủ và trung thực khiến người tiêu dùng khó nhận biết nguồn gốc hàng hóa, đặc biệt đối với thị trường nông thôn, nơi được coi là “rổ” chứa hàng giả, hàng kém chất lượng do người tiêu dùng kém hiểu biết và thiếu thông tin.
Kênh phân phối là điểm trung gian giữa người tiêu dùng với nhà sản xuất quyết định đến 50% sự thành công của doanh nghiệp. Việc phát triển kênh phân phối của Việt Nam nhằm thực thi hóa cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” của Bộ Chính trị, là một trong những giải pháp quan trọng mà các doanh nghiệp cần tập trung thực hiện.
Nơi hiện nay chưa được tiếp cận và thiếu thông tin về những hàng hóa có chất lượng mang thương hiệu Việt Nam chính là những địa bàn nông thôn, những khu vực vùng sâu vùng xa. Theo khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA), nông thôn là thị trường tiềm năng với hơn 70% dân số và hơn 53% cửa hàng tạp hóa, doanh số chiếm từ 14% - 25% tổng thị trường bán lẻ, nhưng từ lâu các doanh nghiệp trong nước đã vô tình bỏ ngỏ. Và, thời gian vừa qua, khiếm khuyết trên đã được sửa chữa bằng hàng loạt các phiên chợ hàng Việt về nông thôn do Trung tâm BSA tổ chức.
Với nỗ lực tạo kênh giao lưu giữa người tiêu dùng với doanh nghiệp Việt thông qua phát triển hệ thống phân phối với các chủ thể là nhà phân phối Việt Nam mà BSA đang thực hiện cũng chính là sự tạo nên những ưu tiên, tạo nên ưu thế cạnh tranh cho doanh nghiệp Việt Nam và hàng hóa Việt Nam.
(Theo THU QUỲNH/SGGP)