Chủ trương bình ổn giá đang được TP HCM quyết liệt thực hiện. Thành phố đã chi gần 400 tỷ đồng cho các doanh nghiệp vay, đảm bảo đủ hàng cung ứng cho thị trường. Nhưng hàng bình ổn đặt cạnh hàng thị trường tự do tạo nên tình trạng hai giá, gây căng thẳng cho cả người mua lẫn người bán.
Hiện, giá bán trên thị trường đã lệch với giá bình ổn 20 - 30%, vượt xa giá cam kết ban đầu giữa UBND TP HCM và doanh nghiệp là 10 - 15%. Lo ngại đầu cơ, đã có doanh nghiệp kiến nghị TP HCM cho tăng giá kịp với thị trường.
Hàng bình ổn khó “sống” ở chợ!
Giá các mặt hàng thiết yếu ở chợ truyền thống của TP HCM hiện chênh khá xa với giá bán các mặt hàng này ở các cửa hàng bình ổn và tăng từ 15 - 20% so với đầu tháng 11. Tại chợ Vườn Chuối, quận 3, giá đường tinh luyện là 24.000 đồng một kg, trong khi đường Thành Thành Công của quầy hàng bình ổn tại chợ này là 18.000 đồng. Dầu ăn Tường An từ 43.000 - 45.000 đồng một lít, trong khi dầu này bán tại quầy bình ổn là 35.500 đồng. Hay trứng gà Ba Huân, Vĩnh Thành Đạt vỉ 6 trứng tham gia chương trình bình ổn là 12.300 đồng, còn giá bán tại các sạp ngoài chợ nhỏ từ 15.000 - 17.000 đồng.
Theo một nhân viên tại điểm bán hàng bình ổn của Công ty CP chăn nuôi CP ở chợ Vườn Chuối, ngoài các mặt hàng của CP, công ty còn đưa xuống những mặt hàng khác nằm trong trương trình bình ổn. Trong đó, “hút” nhất là đường, dầu ăn. Trung bình mỗi tháng, điểm bán này chỉ được cấp 50 kg đường cho bán lẻ, với giá 18.000 đồng. Do rẻ hơn thị trường đến 6.000 đồng một kg, chị cho biết, chỉ xếp hàng lên kệ là vài giờ là hết sạch. Người mua được phần lớn là tiểu thương trong chợ, hoặc các hàng ăn. Người tiêu dùng thường không thể nhanh tay “rớ” tới số lượng ít ỏi này.
Chủ một sạp thực phẩm tại chợ Tân Bình chia sẻ: “Hàng bình ổn có sự hỗ trợ vốn của thành phố, người ta lại lấy từ gốc, bán rẻ hơn là phải. Và cũng vì có những quầy hàng bình ổn bán giá rẻ này mà so với 1 - 2 tháng trước, khách đến mua hàng tại quầy tôi giảm hơn một nửa. Nhưng, người đi chợ càng giảm, tôi càng phải đẩy giá cao lên, nhằm bớt lỗ, trong khi giá cao thì vắng khách mua. Bởi vậy, theo tiết lộ của chị này, những quầy hàng bình ổn trong chợ như... cái gai trước mắt. Nhiều tiểu thương đã bỏ vốn mua các mặt hàng gạo, đường, dầu ăn, bột ngọt, trứng... tại cửa hàng bình ổn, làm các điểm này hết hàng nhanh. Hàng không đáp ứng nhu cầu, người tiêu dùng phải mua hàng của các sạp, với giá cao của thị trường chung.
Ngoài ra, có quá ít sự lựa chọn, đã khiến nhiều người tiêu dùng ngại đến các điểm bình ổn giá để mua hàng, khó tiếp cận được hàng bình ổn. Tại điểm bán hàng của Co.op Mart, đường Phan Đăng Lưu (quận Bình Thạnh, TP HCM), chị Mai Linh, một khách mua hàng, nhận xét: “Giá thì vừa lòng, nhưng sự chọn lựa quá hạn chế. Hàng bình ổn ở đây được bày bán rất ít, cả về số lượng, chủng loại. Như gạo tẻ chỉ có hai sự lựa chọn, là gạo tẻ thường và gạo tẻ thơm (giá 8.500 đồng và 16.300 đồng một kg). Thịt gia súc cũng chỉ có thịt ba rọi, thịt heo đùi hoặc thịt bò thăn, thịt bò đùi…, muốn mua các loại khác thì phải đi chỗ khác. Dầu ăn, nước mắm cũng chỉ có 1- 2 loại mang thương hiệu rất lạ, khiến người tiêu dùng ngại chọn mua, dù giá rẻ.
Khó tránh đầu cơ?
Phải thừa nhận, việc bình ổn giá các mặt hàng thực phẩm thiết yếu đã đỡ được gánh lo giá đắt đỏ cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, trước sự chênh lệch giá quá cao giữa hàng bình ổn và thị trường tự do, nhiều doanh nghiệp lo ngại sự đầu cơ từ thị trường hai giá.
Không phải ngẫu nhiên mà Công ty Lương thực TP HCM, đơn vị cung ứng lượng gạo lớn nhất cho thị trường hiện nay, đề nghị Sở Công thương cho phép được điều chỉnh giá. Bởi theo cam kết tham gia chương trình bình ổn, giá bán của doanh nghiệp chỉ thấp hơn thị trường 10 - 15%. Nhưng hiện giá hai nơi đã chênh lệch tới 20 - 30%. Tình trạng này không tránh khỏi việc tiểu thương mua hàng bình ổn để đầu cơ, bán lại cho người tiêu dùng. Thực tế từ thống kê của Công ty CP đầu tư Vinh Phát, đơn vị đang bán mặt hàng gạo theo chương trình bình ổn giá, trước đây, doanh nghiệp này bán ra từ 100 đến 200 tấn một tháng nhưng 20 ngày đầu tháng 12 đã bán tới 500 tấn. Một phần do cuối năm, nhu cầu về gạo tăng đột biến, nhưng theo doanh nghiệp này, không loại trừ khả năng đầu cơ. Bởi giá các loại gạo thường (gạo xuất khẩu loại 1, gạo 5% tấm) trên thị trường đã tăng lên 11.500 đồng một kg, nhưng gạo tham gia bình ổn vẫn ở mức 8.500 đồng.
Thực tế, tại các điểm bán bình ổn ở chợ truyền thống, các mặt hàng thiết yếu thường chưa kịp đến tay người tiêu dùng đã đến tay tiểu thương, hoặc các mối mua sỉ với số lượng lớn như quán cà phê, hàng ăn uống... Còn tại các siêu thị, người tiêu dùng bị khống chế số lượng, nên cứ mang tâm lý thiếu hàng, hàng đang sốt. Chị Thu Hường, đường Vườn Lan, quận Tân Bình, nói: “Nhiều lần đến siêu thị, điểm bán hàng bình ổn để mua đường giá 18.000 đồng một kg nhưng lượng đường xếp trên kệ rất ít, có khi... trống trơn. Những lúc may mắn có hàng, thì siêu thị chỉ bán 1 - 2 kg, khiến chị cảm thấy rất khó chịu. Cũng vì vậy mà chị cứ canh chừng để đi mua đường về... trữ”.
Kiểm soát giá từ gốc, quản chặt giá chợ, không bán hàng với số lượng hạn chế, theo kiểu phân phối bao cấp, là những điều cần nhất lúc này, để xóa nạn đầu cơ, xóa tâm lý lo sốt hàng, tăng giá.
( Báo Đất Việt)