“Phong độ” của du lịch Việt Nam đang đi lên, tuy nhiên chỉ là nhất thời bởi yếu tố phát triển không bền vững.
Khách du lịch nước ngoài đang được tư vấn các tour du lịch tham quan TP.HCM tại một trung tâm hướng dẫn du lịch, tháng 3.2011. Ảnh: |
Theo đánh giá mới nhất của diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam tăng chín bậc so với năm 2009, lên hạng 80 trong số 139 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trội hơn về số lượng di sản văn hoá và thiên nhiên, phân bổ khá đều, cộng thêm lợi thế về giá, nhưng du lịch Việt Nam thua sút ở khả năng khai thác. Việt Nam xếp sau những đối thủ cạnh tranh trực tiếp như Singapore (10), Thái Lan (41), Indonesia (74) và Malaysia (35), trong khi Việt Nam có chín di sản văn hoá thế giới, trong khi đó Indonesia có tám, Thái Lan là ba, Malaysia với hai và Singapore không hề có di sản nào.
Thích ứng chậm
Theo ông Nguyễn Minh Mẫn, trưởng phòng truyền thông công ty du lịch Vietravel, tuy tiềm năng lớn so với những nước trong khu vực Đông Nam Á nhưng công tác xúc tiến chưa thực sự được đầu tư đúng mức và quảng bá thì theo kiểu thời vụ. Ông Mẫn nhắc đến cách tổ chức của Thái Lan như tổ chức tour cho các nhà báo của nhiều nước khảo sát và đánh giá theo từng cụm tham quan mua sắm, giải trí. Kết quả này cộng với việc thăm dò nhu cầu du khách, Thái Lan đưa ra những điểm cụ thể để thu hút từng đối tượng khách trong năm. Trong khi đó, chiến dịch quảng bá cho năm du lịch quốc gia của Việt Nam lại quá rộng. Điển hình như năm 2009, đồng bằng sông Cửu Long được lấy làm năm du lịch, tuy nhiên ngành du lịch lại không xác định trọng tâm.
Về hạ tầng du lịch, ông Mẫn cho rằng, so với khu vực, Việt Nam không thua kém nhiều nhưng mức độ tái đầu tư cho các điểm đến lại bị bỏ ngỏ. Điều này là một trong những nguyên nhân khiến tỷ lệ du khách quay lại Việt Nam ngày càng ít. “Nhiều điểm đến thiên nhiên không được tái đầu tư khiến ngay cả khách trong nước cũng không muốn đến thì làm sao khách nước ngoài muốn quay lại được?”, ông Mẫn nói.
Việt Nam được WEF đánh giá là quốc gia đạt sự an toàn cao, song lại khuyến cáo du khách về nạn ăn xin, bán hàng rong hay kẹt xe...
Báo cáo của WEF nêu cách làm của du lịch Malaysia trong giai đoạn khủng hoảng 2008 – 2010, như một minh chứng về cách thích ứng với khủng hoảng. Quốc gia này vừa biết hút khách Trung Quốc bằng giá rẻ trong ngắn hạn, vừa có kế hoạch quảng bá sự đa dạng văn hoá, tour du lịch sinh thái trong dài hạn. “Thích ứng chậm với sự thay đổi trong nhu cầu và quá dựa vào nguồn khách truyền thống từ Bắc Mỹ và châu Âu”, báo cáo đánh giá như vậy về cách ứng phó của du lịch Việt Nam.
Cạnh tranh về giá?
Hướng dẫn khách tham quan các điểm du lịch trong thành phố. Ảnh: |
Theo báo cáo, giá rẻ là lợi thế cạnh tranh của du lịch Việt Nam. Trong 139 nước được xếp hạng, Việt Nam được xếp thứ 16 về mức độ cạnh tranh về giá. Tuy nhiên, theo đánh giá của ông Nguyễn Văn Mỹ, giám đốc công ty du lịch Lửa Việt, đây chỉ là một yếu tố hỗ trợ, chứ không thể quyết định việc thu hút khách quốc tế. Tương tự, ông Mẫn cũng cho rằng, khách du lịch cần những chính sách hậu mãi, khuyến mãi, cung cách phục vụ, chất lượng điểm đến… và sau cùng mới tới yếu tố giá.
TS Phạm Trung Lương, viện phó viện Nghiên cứu phát triển du lịch cũng cho rằng, hoạt động du lịch gắn với bảo tồn các giá trị tự nhiên và văn hoá lịch sử của Việt Nam còn hạn chế, đồng thời cảnh quan môi trường du lịch chưa được chú trọng bảo vệ, khiến nhiều di sản thiên nhiên ngày càng mất điểm trước du khách quốc tế.
Mặc dù tăng chín bậc trong bảng xếp hạng, song du lịch Việt Nam vẫn còn nhiều việc phải làm. Theo WEF, vấn đề quy hoạch đầu tư cơ sở hạ tầng, đầu tư khu du lịch của Việt Nam còn nhiều bất cập, thực hiện chưa triệt để dẫn tới đầu tư manh mún, dàn trải, không tạo ra hiệu quả tổng thế. Trong khi đó, cơ sở hạ tầng giao thông chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của nền kinh tế, trong đó có du lịch. Những thực trạng nêu trên khiến nhiều tuyến du lịch đến các điểm tham quan chất lượng kém, kéo dài thời gian tham quan của du khách, giảm sự hấp hẫn của điểm đến.
Để khắc phục những điểm yếu này, theo ông Mẫn, cần có sự đầu tư bài bản từ chính sách của nhà nước cho tới chiến lược của các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành để tạo ra những chuỗi sản phẩm du lịch có sức hấp dẫn. Ông Mẫn cho rằng nhà nước nên có chính sách cụ thể hơn trong việc tái đầu tư các điểm đến. “Nên có quy định buộc trích phần trăm lợi nhuận hàng năm của đơn vị khai thác để tái đầu tư điểm đến. Nếu không sẽ khó giữ được khách”, ông Mẫn đề xuất.
(Theo bài: Ca Hảo, ảnh: Lê Quang Nhật/sgtt)