Xét nghiệm 3 mẫu mực, cá nục khô thấy có chứa chất Bifenthrin, loại hóa chất dùng trong thuốc trừ sâu. Chất này có thể gây buồn nôn, đau đầu, thậm chí ảnh hưởng đến ADN và gene, gây viêm khớp, ung thư.
Ba mẫu được chọn ngẫu nhiên để xét nghiệm là cá nục tẩm bột màu vàng, cá nục hấp, mực khô ở xã Hải Bình (huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa - nơi cung cấp lượng thực phẩm khô lớn cho Hà Nội và các tỉnh phía bắc.
Kết quả phân tích của Viện Kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm Quốc gia (Bộ Y tế) cho thấy, mực khô và cá nục có chứa chất Bifenthrin, một loại thuốc trừ sâu thuộc nhóm hoa cúc tổng hợp. Hàm lượng Bifenthrin trong mực khô tới 1,04 mg/kg, còn trong cá nục hấp sấy khô là 0,054 mg/kg.
Mẫu cá nục, mực sấy khô có chứa chất Bifenthrin. Ảnh: Tiền Phong. |
Một lãnh đạo Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm Quốc gia cho biết, Bộ Y tế có quy định dư lượng Bifenthrin tối đa trong một số thực phẩm nhưng chưa nói cụ thể trên các loại cá, mực khô.
Cụ thể, dư lượng Bifenthrin trên cam, chanh, nho, khoai tây, thịt, mỡ, và phủ tạng của gà, sữa, thận, gan gia súc; thân ngô, lúa mạch chỉ ở mức 0,05 mg/kg; trên trứng gà chỉ 0,01 mg/kg; trên thân và vỏ lúa mì, cây ngô khô cũng chỉ 0,02 mg/kg. So với các thực phẩm trên thì tất cả các mẫu cá, mực khô đều vượt ngưỡng.
Theo ông Vương Trường Giang, Trưởng phòng Quản lý thuốc Bảo vệ Thực vật (thuộc Cục Bảo vệ Thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), loại thuốc Bifenthrin (min 97%), nằm trong danh mục các loại thuốc bảo vệ thực vật do bộ này ban hành. Chất này có tên thương mại thuốc là Talstar 10 EC, được Tổ chức Y tế thế giới - WHO xếp vào nhóm độc 2 nếu sử dụng hàm lượng lớn có thể gây nguy hiểm đến tính mạng.
Theo một chuyên gia về an toàn thực phẩm, độc tính của Bifenthrin trên các loài có vú và con người được thấy là rất nhẹ. Tuy nhiên, nếu tích lũy nhiều trong thực phẩm có thể gây một số nguy cơ. Người ăn phải thực phẩm chứa bifenthrin lâu ngày có thể bị ngộ độc với các triệu chứng buồn nôn, đau đầu, tăng mẫn cảm với âm thanh và rung động, dị ứng ngoài da và mắt. Các nghiên cứu còn cho thấy Bifenthrin có thể gây ảnh hưởng đến ADN và gene.
Bifenthrin có thể gây ức chế chức năng LFA-1/ICAM của tế bào T, có thể dẫn đến viêm và gây các bệnh tự miễn như hen suyễn, viêm phổi, viêm khớp và ung thư.
Cũng theo vị chuyên gia này, Cơ quan bảo vệ môi sinh - EPA (Mỹ) phân loại Bifenthrin thuộc nhóm C trong phân loại các chất gây ung thư, là chất có thể gây ung thư trên người.
(Theo Tiền Phong)