Từ lâu, tại nhiều quốc gia trên thế giới, sữa là sản phẩm thiết yếu hàng ngày của người tiêu dùng (NTD). Tại Việt Nam, trong những năm gần đây điều kiện kinh tế phát triển, thu nhập người dân tăng lên vì vậy nhu cầu tiêu dùng cũng tăng theo, trong đó có nhu cầu tiêu dùng sữa. Giá sữa ngoại trên thị trường cao một cách vô lý nhưng NTD vẫn sử dụng vì họ tin vào những thông tin quảng cáo, trong khi các doanh nghiệp sản xuất sữa trong nước đang hàng ngày cải tiến và đổi mới công nghệ với mong muốn cho ra những sản phẩm tốt nhưng vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Tại Hội thảo “Người Việt ưu tiên dùng sữa Việt” do Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ NTD Việt Nam tổ chức mới đây tại TP Cần Thơ, vấn đề này đã được đặt ra…
* NGHỊCH LÝ GIÁ SỮA
Theo số liệu của Công ty nghiên cứu thị trường TNS, trong 5 tháng đầu năm 2009, các hãng sữa đã chi 152 tỉ đồng dành cho quảng cáo, tăng 36% so với cùng kỳ năm 2008 (112 tỉ đồng). Đứng đầu các hãng sữa chi mạnh cho quảng cáo là Dutch Lady (44 tỉ đồng), Dumex (25 tỉ đồng), Mead Johnson (25 tỉ đồng). Đây là một trong những yếu tố đẩy giá sữa tăng cao.
Thực tế, NTD khi mua sữa ngoại đang phải chịu thêm rất nhiều chi phí như: phí vận chuyển, lưu kho, thuế nhập khẩu thành phẩm, chi phí nhân công lao động tại nước ngoài, sự trượt giá giữa đồng tiền Việt Nam và các đồng ngoại tệ, chi phí quảng cáo, tiếp thị, khuyến mãi... tất cả các chi phí này đều được phân bổ vào giá bán và tất nhiên NTD phải gánh chịu khi tiêu dùng sản phẩm. Chẳng hạn, vào thời điểm tháng 5-2009, giá bán lẻ sữa trong nước khoảng 25.000 đồng/lít (qui đổi các loại sữa ra lít thành phẩm) trong khi ở các nước khác như Ấn Độ, Thái Lan, Malaysia và các nước Âu, Mỹ chỉ vào khoảng 10.000-16.000 đồng/lít.
Khách lựa chọn mua sữa tại siêu thị Co.opMart Cần Thơ |
Hiện nay trên thị trường Việt Nam, sữa bột nhập khẩu chiếm tới 80% thị phần. Theo tính toán đã được công bố, giá nguyên liệu đạt chuẩn nhập khẩu từ các nhà cung cấp bán cho các tập đoàn toàn cầu vào khoảng 55.000 đồng/kg, nếu bổ sung tối đa các thành phần theo công thức tốt nhất mà các hãng sữa công bố thì giá cũng chỉ vào khoảng 70.000 đồng/kg, nhưng NTD đã phải trả từ 143.000-165.000 đồng/kg cho sữa nội và 305.000-425.000 đồng/kg cho sữa ngoại nhập khẩu. Các cơ quan chức năng cũng thừa nhận mặt bằng giá sữa tại Việt Nam là cao. Vào thời điểm đầu năm 2009, mặc dù giá nguyên liệu sữa bột nhập khẩu trên thế giới đã giảm (khoảng 13,8-43%) nhưng các doanh nghiệp vẫn giữ nguyên giá cao từ năm 2008, thậm chí có doanh nghiệp tiếp tục tăng giá. Đơn cử, Công ty TNHH dược phẩm 3A phân phối sữa bột Abbott tăng 3 đợt, mỗi đợt bình quân 4-7,8% cho trên 20 sản phẩm sữa. Công ty cổ phần dinh dưỡng Việt Nam phân phối sữa bột của hãng Dumex tăng 31 sản phẩm từ 3-21%. Hãng Dutch Lady tăng giá sữa bột Cô gái Hà Lan lên 6-10%...
Kết quả điều tra của đoàn kiểm tra liên ngành TP Hồ Chí Minh tại Công ty Mead Johnson Việt Nam vào thời điểm đầu năm 2009 cho thấy, các loại sản phẩm sữa bột nhãn hiệu Enfa khi đến tay NTD đều có giá cao hơn rất nhiều so với giá vốn nhập khẩu, thậm chí lên đến trên 200%. Cụ thể: sữa Enfa ProA+ loại 900g có giá vốn 64.000 đồng/hộp được Mead Johnson bán cho nhà phân phối là 102.000 đồng/hộp và đề nghị bán cho NTD là 140.000 đồng/hộp, cao hơn 220% so với giá vốn... Chỉ tính riêng trong quý 4 năm 2008, chi phí quảng cáo khuyến mãi của Mead Johnson đã chiếm 56% (trên 53 tỉ đồng) trong tổng các chi phí và trong quí I năm 2009 chi phí này đã chiếm trên 33% tổng chi phí.
Sản lượng sữa trong nước hiện nay chỉ đáp ứng được khoảng 28%, chủ yếu phục vụ cho thị trường nội địa sản xuất sữa nước, còn hơn 70% còn lại là phụ thuộc vào nhập khẩu (50% là nguyên liệu và 22% là sữa thành phẩm). Giá sữa trong nước thời gian qua luôn đứng ở mức cao, chủ yếu là ở mặt hàng sữa bột ngoại nhập, các sản phẩm này giá thường cao hơn so với giá sữa bột nội sản xuất trong nước 2-3 lần. Trong khi đó, giá bán sữa bột thành phẩm nhập khẩu cao được giải thích là do giá vốn nhập khẩu cao, giá vốn nhập khẩu chiếm tới 89-91% giá vốn hàng bán. Theo ông Vũ Công Chính, Phó Cục Trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính): “Đây là một nghịch lý, bởi trong khi giá sữa nguyên liệu tại thị trường thế giới đều giảm tương ứng khoảng 50%, thuế nhập khẩu tại Việt Nam lại không tăng, thậm chí giảm ở một số mặt hàng, mà giá sữa thành phẩm luôn được định ở mức cao”.
* KHI NTD LUÔN Ở VỊ THẾ YẾU HƠN
Hiện nay, mức tiêu thụ sữa trên đầu người tại Việt Nam là 9kg trong khi Thái Lan là 25 kg, Pháp 130 kg, Úc là 320 kg. Trong mối quan hệ sản xuất và tiêu dùng, giữa nhà sản xuất kinh doanh với NTD, thì NTD luôn ở vị thế yếu hơn: yếu thế trong việc tiếp cận và xử lý thông tin, họ hoàn toàn tin tưởng vào các thông tin do các cơ quan quản lý Nhà nước và các phương tiện truyền thông cung cấp và quảng cáo của nhà sản xuất. Yếu thế trong khả năng chi phối giá cả, trong đàm phán thiết lập hợp đồng giao dịch và chịu mọi rủi ro khi tiêu dùng sản phẩm về chất lượng dinh dưỡng, về an toàn vệ sinh và giá cả.
Theo TS Bùi Tất Thắng, Phó Chủ tịch Hội Tiêu chuẩn & Bảo vệ NTD Việt Nam: “Quyền được thông tin là một trong 8 quyền của NTD. Việc không cung cấp thông tin hoặc cung cấp thông tin không đầy đủ, thậm chí thông tin sai lệch để cố tình làm cho NTD nhầm lẫn hoặc ngộ nhận trong việc lựa chọn sữa đều vi phạm quyền được thông tin của NTD. Nội dung thông tin cho NTD thể hiện qua nhãn hàng hóa, qua hướng dẫn sử dụng hoặc qua giới thiệu quảng cáo trên các phương tiện thông tin truyền thông. Thực trạng nhiều thông tin quảng cáo, tiếp thị đã làm cho NTD hoang mang không biết lựa chọn loại sữa nào phù hợp với mục đích tiêu dùng và khả năng tài chính của mình. Khi NTD được toàn quyền tự do lựa chọn, họ sẽ mua loại sữa tốt nhất, giá rẻ nhất. Bảo vệ quyền được tự do quyết định tiêu dùng là mục tiêu của chúng ta. Cạnh tranh lành mạnh là nhằm bảo vệ quyền tự do quyết định tiêu dùng. Bất kỳ hoạt động cạnh tranh nào khiến NTD quyết định mua không theo chất lượng và giá cả đều là cạnh tranh không lành mạnh”.
Phương thức quen thuộc mà các hãng sữa nước ngoài thường dùng để quảng cáo là làm nổi bật tính ưu việt của sản phẩm chính là đưa ra các công trình nghiên cứu mới nhất của thế giới để giới thiệu chất này, chất nọ bổ sung vào sản phẩm có tác dụng tốt cho sức khỏe. Như ở sản phẩm sữa dành cho trẻ em, các hãng tấn công vào 3 phương diện mà NTD quan tâm là: sự tăng trưởng về thể chất, về trí tuệ và tăng khả năng miễn dịch chống lại bệnh tật...
Khi hỏi về tiêu chí lựa chọn sản phẩm sữa, chị Nguyễn Thị Thu, ngụ phường Cái Khế, TP Cần Thơ, cho biết: “Tôi có con nhỏ nên nhu cầu sử dụng sữa là rất lớn. Sản phẩm sữa trên thị trường hiện nay quá nhiều vì vậy trước khi chọn mua sản phẩm tôi thường tham khảo chất lượng trước trên các phương tiện truyền thông, quảng cáo xem sản phẩm nào phù hợp với nhu cầu của mình, có uy tín, được chứng nhận thì chọn mua”.
Luật Cạnh tranh của nước ta chỉ quy định một số hình thức cạnh tranh gây nhầm lẫn, hoàn toàn không cấm cạnh tranh gây ngộ nhận. Trong khi đó việc gây ngộ nhận là một trong các hoạt động cạnh tranh không lành mạnh phổ biến nhất thể hiện ở nhiều hình thức. Chi phí thu hút NTD ngộ nhận thấp hơn nhiều cho với chi phí đầu tư nâng chất lượng nhưng hiệu quả đạt được thì rất lớn.
Sau khi nhận được thông tin khuyến cáo từ các cơ quan thông tin đại chúng và những cam kết của nhà sản xuất sữa trong nước về đảm bảo chất lượng, nhiều người đang dùng sữa ngoại đã chuyển sang sử dụng sữa nội và cho biết kết quả vẫn không có gì thay đổi so với trước đây dùng sữa ngoại, mà phải trả số tiền ít hơn rất nhiều so với dùng sữa ngoại. Cô Ngô Thị My Na, phường An Hòa, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ, cho biết: “Từ trước tới nay gia đình tôi dùng toàn sữa sản xuất trong nước. Đặc biệt, đứa cháu nhỏ từ bé tới nay không dùng một hộp sữa ngoại nào, vậy mà bé vẫn phát triển rất tốt về cả thể lực lẫn trí tuệ, thậm chí còn tốt hơn một vài trẻ ở trong khu vực được sử dụng sữa ngoại nhập”.
Qua đó cho thấy việc phát hiện vấn đề, xử lý và kịp thời cung cấp thông tin cũng là một biện pháp thiết thực bảo vệ quyền lợi chính đáng của NTD. Và khi NTD được toàn quyền tự do lựa chọn họ sẽ chọn mua loại sữa tốt nhất, giá rẻ nhất.
(Theo Khánh Nam // Cantho Online)