Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Nhiễu loạn thông tin tăng giá sữa

Trung tuần tháng 4, thông tin tăng giá nhiều loại sữa bột dấy lên quan ngại của người tiêu dùng. Trong khi đó, một số doanh nghiệp phủ định thông tin này còn cơ quan giám sát là Bộ Tài chính cho biết chưa nhận được đề nghị tăng giá của doanh nghiệp.

Giới kinh doanh sữa tại TP.HCM phản ánh, trong tháng 4 nhiều dòng sữa bột thương hiệu Meiji (Nhật) tăng giá thêm 10-15%, sữa Angel (Hàn Quốc) tăng khoảng 15%, các sữa nhập khẩu có nguồn gốc từ Úc, Pháp, New Zealand cũng tăng 7-8%.

Có thể điểm lại, từ tháng 2/2012, với lý do thay đổi mẫu mã, nâng cấp công thức, giá nhiều chủng loại sữa của Abbott, Mead Johnson, Vinamilk, Cô gái Hà Lan, Nestle đã điều chỉnh tăng từ 5-19%. Sang tháng 3 đến lượt sữa Dumex điều chỉnh tăng từ 5-10%.

Cũng từ tháng 3, nhiều đại lý, siêu thị tại Hà Nội không ngừng đồn thổi việc chuẩn bị tăng giá sữa của các nhãn hàng như Friso, Dielac, Similac... với mức tăng có thể từ 7-8%, thậm chí lên đến 17%. Điệp khúc "giá sữa sắp tăng", cứ như vậy lặp lại ám ảnh tâm trí người tiêu dùng trong tháng 4.

Bà Hoàng Hường - lãnh đạo Công ty TNHH Hương Thủy, nhà nhập khẩu và phân phối nhãn sữa Meiji của Nhật lên tiếng, sau thời gian cầm cự giữ giá, vừa qua do giá hợp đồng CIF (mua bán thương mại quốc tế sử dụng phương thức vận tải biển) từ nhà sản xuất Meiji Nhật Bản tăng lên trên 10%, vì thế từ cuối tháng 3, doanh nghiệp này mới bắt đầu đăng ký điều chỉnh giá và đã được Sở Tài chính TP.HCM duyệt áp dụng từ giữa tháng 4.

Theo bà Hường, Meiji chỉ là hãng sữa tăng giá sau cùng, so với hàng loạt nhãn sữa trong và ngoài nước khác đã điều chỉnh tăng giá ngay trong quý I/2012.

Việc áp dụng điều chỉnh giá sữa của mỗi hãng rải rác ở những thời điểm khác nhau song song với những thông tin đồn thổi theo kiểu "báo trước", "mách nước" từ giới kinh doanh khiến người tiêu dùng liên tục hoang mang, lo ngại.

Cải chính các thông tin, hôm 18/4, Công ty FrieslandCampina VN đã phải ra thông cáo khẳng định, ngoài đợt điều chỉnh tăng giá từ tháng 2/2012, hiện tại đơn vị này vẫn giữ nguyên giá bán của tất cả các loại sản phẩm sữa bột nhãn hiệu Friso.

Điều đáng nói là trước các thông tin "dọa" tăng giá từ giới kinh doanh, nếu như doanh nghiệp phủ định việc điều chỉnh tăng giá, thì cơ quan quản lý nhà nước mà đầu mối ở đây là Cục Quản lý Giá, Bộ Tài chính cho đến giờ vẫn khăng khăng cho rằng, hiện đơn vị này vẫn chưa nhận được đăng ký tăng giá sữa nào của doanh nghiệp.

Điều này có nghĩa là khâu phân phối, kinh doanh sữa đang có vấn đề. Vậy mà các doanh nghiệp, cơ quan chuyên trách thị trường, giá cả vẫn chưa phát hiện, xử lý kịp thời được tình trạng tung tin đồn thổi, bán chênh giá từ các đại lý, cửa hàng bán lẻ nào?!

Sữa thành phẩm chưa thể giảm ngay

Nói về lĩnh vực sản xuất kinh doanh sữa, bản Báo cáo tình hình hoạt động ngành công nghiệp và thương mại 3 tháng đầu năm của Bộ Công Thương đã thừa nhận, giá sữa trong những tháng đầu năm 2012 vẫn liên tục tăng, ảnh hưởng lớn đến người tiêu dùng.

Việc tăng giá sữa được lý giải bằng nhiều lý do khác nhau, nhưng chung nhất là các doanh nghiệp cho rằng chi phí đầu vào tăng cao, nhất là giá xăng dầu, lạm phát, tỷ giá...

Trong khi đó cập nhật của Bộ Công Thương cho thấy, giá sữa nguyên liệu tại 2 thị trường sữa lớn nhất thế giới là châu Úc và Tây Âu trong tháng 3 đã giảm về mức thấp nhất kể từ đầu năm nay, cũng như thấp so với thời điểm cuối năm ngoái.

Giá sữa bột gầy tại thị trường châu Úc ở mức 3.000 - 3.400 USD/tấn. Tại thị trường Tây Âu đứng giá ở mức 2.750 - 2.925 USD/tấn. Tính chung cả quý I, giá sữa nguyên kem tại thị trường châu Úc và Tây Âu đều giảm lần lượt là 25-100USD/tấn và giảm 200-275 USD/tấn; giá sữa bột gầy tại thị trường Tây Âu giảm 75-250 USD/tấn.

Bộ Công Thương ghi nhận 3 tháng đầu năm 2012, sản xuất của các doanh nghiệp ngành sữa vẫn phát triển ổn định với khoảng 17,5 nghìn tấn sữa bột, tăng 15,5% so với cùng kỳ. Cung tăng, giá tăng mà cầu vẫn không hề giảm, thậm chí nhu cầu sữa vẫn có xu hướng tăng lên.

Trao đổi với PV. Diễn đàn Kinh tế VN, Báo VietNamNet, nhiều doanh nghiệp nhập khẩu phân phối sữa cho rằng, giá nguyên liệu thế giới các tháng đầu năm nay diễn biến có tăng, có giảm chứ không hoàn toàn một chiều giảm giá. Bên cạnh đó, giá nguyên liệu thế giới tháng 3 có giảm đi chăng nữa thì yêu cầu giá sản phẩm thành phẩm tiêu thụ trên thị trường tại tháng 4 ngay lập tức phải giảm theo là... phiến diện.

"Sản xuất sữa không giống như đi chợ mua rau muống về luộc ngay. Một nhà sản xuất bán sản phẩm cho nhà phân phối, rồi nhà phân phối đưa hàng ra thị trường thì nguyên liệu làm ra lô thành phẩm đó đã thuộc hợp đồng cung cấp nguyên liệu được chốt từ cả năm trước. Vì vậy yêu cầu giảm giá thành phẩm đang lưu thông trên thị trường khi giá nguyên liệu hiện đang giảm là vô lý" - đại diện một doanh nghiệp nêu ý kiến.

Như một phản ứng tự vệ trước các dư luận về quản lý giá sữa, các cơ quan chức năng như Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan cho biết đang ra tay siết chặt quản lý danh mục hàng hóa này. Trong đó việc khai báo, đăng ký, so sánh giá với cơ sở dữ liệu, yêu cầu doanh nghiệp giải trình và hậu kiểm giá tiếp tục được đẩy mạnh thời gian tới.

(Theo VEF)

  • CPI tháng 4/2012 nhích nhẹ 0,05%
  • “Lời nói dối vĩ đại về thịt bò Kobe”
  • Vietnam Airlines tăng hơn 200 chuyến bay dịp 30/4
  • Ế ẩm: Chợ đầu mối 'xé' hàng bán lẻ
  • Xem 'kỹ xảo' biến thịt ôi thành tươi sau 5 phút
  • Đông trùng hạ thảo: Làm từ bột ngô và thạch cao
  • Các siêu thị đua khuyến mãi giảm giá và tặng quà
  • Trung tâm thương mại cao cấp đìu hiu
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
  • Giảm giá cực sốc hè 2013 tại Vincom Center Bà Triệu
  • Rầm rộ khuyến mãi 2/9
  • BigC giảm giá tới 50% hơn 1.300 sản phẩm
  • Thoả sức mua sắm với “crazy sale” tại Vincom Center
  • Hà Nội: Đăng ký Internet được dùng miễn phí MyTV và điện thoại cố định
  • Rầm rộ khuyến mãi "khủng" dịp 30/4
  • Vietnam Airlines bán giá siêu khuyến mại 3 ngày cuối tháng 4
  • Bay giữa TP.HCM, Vinh, Hải Phòng chỉ từ 650.000 đồng